Ngày 22.1, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM (cơ sở 2, số 1 Trần Hữu Nghiệp, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh) công bố đón nhận con dấu vàng JCI (do Tổ chức Joint Commission International của Mỹ trao) - tiêu chuẩn chất lượng quốc tế trong lĩnh vực y tế. Như vậy, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM cơ sở 2 là bệnh viện công lập đầu tiên tại Việt Nam đạt được tiêu chuẩn chất lượng JCI.
Ngành y vươn mình trong kỷ nguyên mới
Tại lễ trao con dấu vàng JCI, ông Nick Liew, quản lý quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Tổ chức JCI khẳng định, đây là thời điểm đáng nhớ của ngành y tế công lập Việt Nam.
Theo ông, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng JCI này không chỉ là mang danh nghĩa đơn thuần mà là minh chứng cho toàn bộ cống hiến không ngừng của Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM với chất lượng, an toàn và đặc biệt xuất sắc trong chăm sóc bệnh nhân, mang đến chất lượng phục vụ cao nhất, đặt bệnh nhân là trung tâm cho mọi hoạt động y tế.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng chia sẻ, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM phát triển trên kiềng 3 chân, đó là tự chủ nhóm 1, làm chủ nhiều kỹ thuật chuyên sâu và là bệnh viện công lập đầu tiên đạt tiêu chuẩn JCI.
"Cá nhân tôi rất vui khi ngành y tế TP.HCM có bệnh viện đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận JCI. Đây cũng là sự cam kết quyết liệt, mạnh mẽ của lãnh đạo và tất cả nhân viên bệnh viện. Tôi đề nghị giám đốc bệnh viện viết lại những kinh nghiệm của mình khi làm để đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng JCI nhằm chia sẻ cho giám đốc các bệnh viện khác. Một bệnh viện làm được thì các bệnh viện khác cũng sẽ làm được", người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói và kỳ vọng Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM sớm xuất hiện trong nhóm bệnh viện xuất sắc trên thế giới. Điều này để chứng minh rằng ngành y tế TP.HCM cùng với người dân cả nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Đáp ứng các tiêu chí cao
TS-BS CK2, Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết bộ tiêu chuẩn JCI có 13 chương với 1.197 tiêu chí đánh giá. Mục tiêu chính là lấy người bệnh làm trung tâm và an toàn người bệnh được đặt lên hàng đầu. Bao gồm xây dựng và triển khai văn hóa an toàn người bệnh. Tôn trọng quyền của bệnh nhân và thân nhân. Tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận được mọi dịch vụ và chăm sóc. Theo dõi, đánh giá, chăm sóc và điều trị bệnh nhân liên tục. Đảm bảo an toàn trong gây mê và phẫu thuật, truyền máu. Quản lý và sử dụng thuốc. Phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Tăng cường quản lý cơ sở vật chất và an toàn trang thiết bị. Xây dựng và diễn tập xử lý các tình huống khẩn cấp. Kịp thời ghi nhận các sự không phù hợp để cải tiến chất lượng và an toàn người bệnh. Đánh giá năng lực chuyên môn và tổ chức đào tạo liên tục cho mọi đối tượng nhân viên. Đảm bảo giao tiếp thông tin chính xác...
"Có một chương có 6 mục tiêu về an toàn người bệnh phải đảm bảo triển khai đầy đủ, chỉ cần 1 trong 6 không đạt thì đoàn đánh giá sẽ ngưng đánh giá", TS-BS Dũng nói.
Như vậy, sau 18 tháng chuẩn bị (tháng 7.2023), từ 18 - 21.11.2024, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM đã được đoàn chuyên gia Tổ chức JCI đến trực tiếp đánh giá thẩm định. Kết quả đạt được 1.185/1.197 yếu tố đo lường, tương ứng với 9,89/10 điểm. Với kết quả xuất sắc này, Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM chính thức được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI ngay từ lần đánh giá đầu tiên.
Bệnh nhân hưởng lợi tiêu chuẩn chất lượng JCI nhưng giá Việt Nam
"Mục tiêu của chúng tôi ngoài tiêu chuẩn chất lượng, an toàn người bệnh thì hướng đến tiêu chuẩn quốc tế. Bây giờ, bệnh viện sẽ mở các khoa tiêu chuẩn quốc tế và có thể ký hợp đồng với một số hãng bảo hiểm để điều trị cho người nước ngoài và trong nước. Mặt khác, với tiêu chuẩn này, nhiều tổ chức sẽ phối hợp với bệnh viện để mở rộng nghiên cứu đa quốc gia", TS-BS Dũng chia sẻ.
Ông cũng khẳng định, khi bệnh viện đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI thì chắc chắn bệnh nhân hưởng lợi nhiều nhất. Đó là hưởng chất lượng khám chữa bệnh quốc tế nhưng giá viện phí là Việt Nam theo quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, tiêu chuẩn chất lượng JCI còn tạo môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu rủi ro cho tất cả nhân viên bệnh viện, cũng như đối tác.
"3 năm sau bệnh viện sẽ được đánh giá lại. Nhưng điều đó không có nghĩa là trong 3 năm tới bệnh viện sẽ không làm gì. Do đó, để duy trì tiêu chuẩn JCI, bệnh viện tự tổ chức đánh giá, thuê các tổ chức đánh giá để đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI tiếp tục", TS-BS nói.
JCI là một tổ chức có uy tín trên thế giới trong việc thẩm định và công nhận chất lượng y tế của Mỹ, đặc biệt là chất lượng bệnh viện, tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh. Bộ tiêu chuẩn JCI đánh giá toàn diện mọi khía cạnh trong hoạt động của một cơ sở y tế, từ chăm sóc người bệnh, quản lý rủi ro, đảm bảo nhân sự chuyên môn, hạ tầng cơ sở, máy móc trang thiết bị đến xây dựng quy trình vận hành an toàn.
Để đạt tiêu chuẩn chất lượng JCI, lãnh đạo bệnh viện phải quyết tâm đầu tư nguồn lực và phấn đấu đạt chuẩn chất lượng quốc tế có uy tín của Tổ chức JCI. Bệnh viện đăng ký thẩm định để được công nhận chuẩn chất lượng JCI phải chuẩn bị nguồn lực để trải qua 10 bước chuẩn bị và mất trung bình từ 18 - 24 tháng để có thể được công nhận.
- Bước 1: Làm quen với các tiêu chuẩn chất lượng của JCI và quy trình khảo sát (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 2: Hướng dẫn phân tích các khoảng trống và xây dựng kế hoạch hành động (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 3: Cập nhật các văn bản về chính sách của bệnh viện và các quy trình kỹ thuật (2 tháng).
- Bước 4: Thực hiện cải tiến theo mục tiêu (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 5: Làm việc với nhân viên bệnh viện để vượt qua những chỗ tắc nghẽn (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 6: Đánh giá sự sẵn sàng của bệnh viện (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 7: Tiếp tục huấn luyện đảm bảo thay đổi bền vững (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 8: Đánh giá và làm rõ các quy trình (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 9: Đánh giá thử đảm bảo bệnh viện đã sẵn sàng (từ 2 - 3 tháng).
- Bước 10: Bổ sung, điều chỉnh lại lần cuối (từ 6 - 7 tháng).
Bình luận (0)