Bệnh viện gần dân

16/02/2019 05:54 GMT+7

Với mô hình trên, bệnh nhân không phải lên bệnh viện tuyến trên , mà đến bệnh viện gần nhà nhưng được khám, chữa bệnh như tại các bệnh viện quận, huyện với bác sĩ tận tình, máy móc thiết bị hiện đại, nhanh chóng.

Mô hình Bệnh viện (BV) gần dân được Sở Y tế TP.HCM khuyến khích 24 quận huyện làm và đã áp dụng thành công tại BV Q.Thủ Đức với 5 phòng khám (PK): Linh Xuân, Linh Trung, Linh Tây, Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh và BV H.Củ Chi có 1 PK Tân Quy.

Ngày càng đông bệnh nhân

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đánh giá các PK của BV Q.Thủ Đức và H.Củ Chi đúng nghĩa là mô hình khoa khám bệnh của một BV gần dân, vì đây cũng là một phần của BV. Bởi khi BN bước vào PK là như bước vào BV, có đầy đủ chuyên khoa để KCB, có chỉ định nhập viện và nếu bệnh nặng cần chuyển là có xe cứu thương đưa về BV chính. BN được hưởng lợi nhiều nhất từ các “BV gần dân” là BN nghèo, người lao động, nhất là công nhân được BHYT thanh toán.
Rạng sáng 31.1.2019, nam bệnh nhân (BN) Y Úc N. (22 tuổi, quê Đắk Lắk) được đưa vào cấp cứu tại PK Linh Xuân với vết thương hở vùng ngực bụng do bị đâm thủng gan, tim, trong tình trạng lơ mơ, huyết áp không đo được, ngưng tim. Sau khi ấn tim ngoài lồng ngực, BN có mạch trở lại thì PK Linh Xuân tức tốc chuyển BN về BV Q.Thủ Đức và báo động đỏ nội viện để mổ cấp cứu, cứu sống BN.
Sáng 12.2 ông Trương Quốc Dũng (63 tuổi, nhà ở P.Linh Xuân, Thủ Đức) ngủ dậy và thong thả đến PK Linh Xuân khám bệnh, lấy thuốc. PK chỉ cách nhà ông chừng 500 m. Sau khi khám, xét nghiệm, điện tim xong thì ông quay trở lại chờ bác sĩ (BS) kê toa rồi về.
“Từ khi BV này xây xong (tháng 4.2016, dân trong khu vực gọi PK này là BV) là tôi đến đây khám, lấy thuốc chứ không đi đâu cả. Tình trạng giao thông hỗn loạn quá nên tôi chọn chỗ nào gần nhà thì đi, đỡ phải ra đường. Nhiều khi bệnh chưa có gì mà đi xa, tai nạn thì mệt hơn. Gia đình có 4 người đến BV này khám khi có bệnh”, ông Dũng chia sẻ.
Khi phòng khám đa khoa của quận, huyện không thua bệnh viện
Nằm trên giường bệnh ở PK y học cổ truyền để châm cứu, ông K. (80 tuổi, P.Linh Xuân, Thủ Đức) cũng cho biết ông đến PK Linh Xuân từ khi “nhà thương” này thành lập để khám về huyết áp, tiểu đường. “Máy móc, thuốc men đầy đủ, rất tiện cho dân, cho đồng bào ở đây. Tốt!”, ông K. nói. Sáng 12.2, PK này đông đúc BN, đặc biệt là khu khám nhi. Khi chúng tôi hỏi, phần lớn bố mẹ bệnh nhi đều cho biết là các bệnh thông thường đến PK này khám cho con cháu là được rồi, không cần phải đi xa lên BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2. Bên cạnh đó là sự sạch sẽ và đỡ “ồn ào” hơn rất nhiều lần so với các BV trung tâm.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Thùy Trang, điều dưỡng trưởng PK Linh Xuân, cho biết lúc đầu mới thành lập, PK chỉ ghi là PK Linh Xuân, chỉ có vài chục BN mỗi ngày, sau đó tăng dần. Hiện tại mỗi ngày PK có 13 - 15 bàn khám do 15 BS cơ hữu PK phụ trách, đầy đủ các chuyên khoa, kể cả khám ngoài giờ. “PK có 70 người gồm BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên phục vụ từ 800 - 1.000 BN mỗi ngày, đa số là BN mắc bệnh mãn tính”, điều dưỡng Trang cho biết.
Bệnh viện gần dân
 Người dân đến khám chữa bệnh tại Phòng khám Tân Quy thuộc Bệnh viện H.Củ Chi Ảnh: Duy Tính

Hiệu quả và giảm tải rõ rệt

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức, cho rằng BV quận chật hẹp, phải cơi nới mới có thể tiếp nhận 6.000 lượt BN/ngày. Chính vì vậy, ban đầu BV đặt ra mô hình PK tại trạm y tế (TYT) vào năm 2013. Mỗi ngày, BV cử 1 BS đến khám tại TYT và ở đó mỗi ngày tiếp nhận từ 20 - 30 BN. Nhưng chỉ với 1 BS khám nội tổng quát là không thể đáp ứng nhu cầu bà con.
Đến năm 2016, BV đưa ra mô hình PK đa khoa vệ tinh đặt tại TYT P.Bình Chiểu và P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Mỗi PK đa khoa có 4 BS: Nội, ngoại, sản và nhi. Mỗi ngày các PK này tiếp nhận từ 100 - 150 BN.
Chụp MRI cho bệnh nhân ở Phòng khám Linh Trung, Bệnh viện Q.Thủ Đức Ảnh: Khả Hòa
Tiếp đó, năm 2017 - 2018, BV đưa ra mô hình PK đa khoa trực thuộc BV, gồm: PK Linh Tây, PK Linh Trung và PK Linh Xuân. Một ngày mỗi PK có từ 12 - 15 BS. Hiện mỗi ngày PK Linh Tây tiếp nhận là 400 lượt BN; PK Linh Xuân là 800 lượt BN, có khi lên đến 1.000 lượt; PK Linh Trung vừa triển khai năm 2019 nhưng đã tiếp nhận 300 BN/ngày. Ở các PK của BV, ngoài các máy móc kỹ thuật chẩn đoán thông thường như siêu âm, xét nghiệm, X-quang thì còn được đầu tư thêm máy CT Scanner, đặt biệt tại PK Linh Trung còn có thêm máy cộng hưởng từ (MRI) vì khu vực này tập trung nhiều nhân sự nước ngoài làm việc cần kỹ thuật chẩn đoán hiện đại hơn.
“Mỗi mô hình đều có thế mạnh riêng, nhưng tất cả đều được đầu tư từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của BV. Thí dụ, việc triển khai ở TYT sẽ ít tốn kém hơn, dựa vào các hoạt động của TYT; mô hình PK trực thuộc BV phù hợp cho khu công nghiệp, khu chế xuất và khu dân cư đông. Mô hình triển khai rất hiệu quả, số lượt khám chữa bệnh (KCB) gia tăng dần theo mỗi tháng. Nhờ vậy mà số lượt BN đến khám tại BV quận giảm bớt, giúp giảm tải cho BV. Hiện nay, các PK của BV đã chia sẻ khoảng gần 2.000 BV cho BV chính”, BS Quân nói.
Chính vì BV Q.Thủ Đức triển khai nhiều kỹ thuật cao và thu hút được số lượng đông BN đến khám nên cũng thu hút được đội ngũ BS đến công tác tại BV.
Ngày 14.2, tại PK Tân Quy (thuộc BV H.Củ Chi tại xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi) - PK này nằm cách BV đa khoa khu vực Củ Chi và BV H.Củ Chi khoảng 15 km, vợ chồng ông Đoàn Văn Trí (56 tuổi, ngụ xã Phú Hòa Đông) chia sẻ: “Nghe nói PK là chi nhánh của BV huyện của nhà nước là vợ chồng tôi yên tâm rồi chứ vào PK tư nhân là tốn tiền lắm. Có hôm nửa đêm, 1 giờ tôi cầm toa thuốc chạy lên gõ cửa nhà thuốc BV, cô nhân viên cũng mở cửa bán, rất nhiệt tình”.
Vợ chồng ông Trí chia sẻ thêm, cả nhà ông có hơn 10 người lúc trước đều đi BV H.Củ Chi khám bệnh, chạy rất xa. Từ cuối năm 2018 đến nay, cả nhà khi có bệnh đều đến PK chi nhánh này, chỉ cách nhà có 3 km, so với lên BV huyện là 10 km.
“PK Tân Quy đúng nghĩa là một BV thu nhỏ với đầy đủ chuyên khoa, máy móc như: máy siêu âm, X-quang, xét nghiệm, nội soi tai mũi họng, máy vật lý trị liệu. PK đang tính toán trang bị thêm máy CT scanner để chẩn đoán nhanh”, BS Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc BV H.Củ Chi, nói.
Theo BS Giang, PK Tân Quy phục vụ cho nhân dân 6 xã: Bình Mỹ, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây và Phước Vĩnh An. Đây là khu vực đông dân và 50.000 công nhân ở 10 công ty trong bán kính cách BV từ 500 m đến 1 km. Hằng ngày BV H.Củ Chi chi viện về PK 16 BS, cùng điều dưỡng, kỹ thuật viên, dược sĩ.
“Từ tháng 10.2018, PK thu hút 50 - 80 BN/ngày, hiện nay là 250 BN/ngày. Các mặt bệnh chủ yếu là bệnh mãn tính, tiểu đường, huyết áp, xương khớp và mắt...”, bác sĩ Giang nói.
Song song đó, tại khu vực này chưa có điểm cấp cứu để giúp người dân trong trường hợp khẩn cấp nên PK đã lập trạm vệ tinh cấp cứu vệ tinh 115 và cứu nhiều ca. Bác sĩ Giang cho rằng, mục tiêu phục vụ của PK là người dân nghèo, công nhân là chính và giúp BN không phải đi xa đến BV huyện.

VN ứng dụng robot phẫu thuật thần kinh não

Ngày 15.2, BV Nhân dân 115 TP.HCM thực hiện thành công ca phẫu thuật u não bằng robot thần kinh Modus V Synaptive dưới sự giám sát của GS Amin Kassam, Phó chủ tịch Viện Phát triển thần kinh Aurora (Mỹ). Người được phẫu thuật là nữ BN 67 tuổi (ngụ Tây Ninh). BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết ca ứng dụng robot phẫu thuật thần kinh não thực hiện tại BV là ca đầu tiên trong khu vực châu Á.
Trước đó, nữ BN vào BV Nhân dân 115 trong tình trạng đau đầu, khó nói, yếu tay và chân phải. Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy khối u nhỏ, định vị sâu khó tiếp cận ở bán cầu não trái. BN được chỉ định phẫu thuật giải quyết khối u bằng robot thần kinh. Dưới sự hỗ trợ của hệ thống định vị, robot thần kinh và GS Amin Kassam, ê kíp gồm 3 BS của BV Nhân dân 115 đã phẫu thuật bóc tách lấy nguyên khối u trong não của người bệnh.
Theo BS Báu, robot thần kinh Modus V Synaptive do Mỹ sản xuất được BV Nhân dân 115 mua về trị giá 54 tỉ đồng.
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.