Bệnh viện Grall ở Sài Gòn từng trúng bom trong Đệ nhị Thế chiến

27/08/2021 14:00 GMT+7

Không phải ca bệnh nào đưa đến Bệnh viện Grall đều được cứu chữa thành công. Tiến sĩ ngư học Pierre Chevey - Giám đốc Hải học viện ở Cầu Đá (Viện Hải dương học, Nha Trang) từ trần ngày 13.7.1942 là một ví dụ, có đăng báo Sài Gòn.

Bệnh viện Grall - bệnh viện quân sự đầu tiên ở Sài Gòn không chỉ trị thương tích cho vua Bảo Đại, quan chức chính quyền thuộc địa, binh lính…, mà còn rất nhiều thành phần dân sự khác từ Lộc Ninh, Nha Trang… cũng từng được đưa đến chữa, dưỡng bệnh tại đây. Điều này phần nào cho thấy được danh tiếng, trình độ chuyên môn của đội ngũ y tế bệnh viện lúc bấy giờ.

Một dãy của Bệnh viện Grall, ảnh chụp khoảng năm 1930

Ảnh: Bibliothèque de l'ancien Musée des colonies (Paris)

Năm 1941, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux sau khi thanh tra các đồn binh ở vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phan Thiết vào ngày 14.1, thì trưa 15.1 quan Toàn quyền đến Sài Gòn. Chiều 16.1.1941, Decoux đến Bệnh viện Grall và Bệnh viện Gia Định thăm viếng những binh lính, thường dân Pháp bị thương mới chuyển từ Cao Miên về điều trị tại đây. Tháp tùng Decoux có bác sĩ Levot - Giám đốc Sở Y tế Nam kỳ, bấy giờ người đứng đầu Bệnh viện Grall là đại tá quân y Gautron. Sự kiện này được báo chí đương thời tường thuật, ví dụ như Trung Hòa nhật báo số 2492, 18.1.1941, tr.5 hoặc Tràng An báo số 654, 18.1.1941, tr.1.
Sáng 16.12.1943, Toàn quyền Jean Decoux trở lại Bệnh viện Grall, lần trước là đi ủy lạo tinh thần và tặng quà cho người bị thương, lần này đến để trao bội tinh danh dự của Sở Cảnh sát cho viên sen-đầm (gendarme - tức hiến binh) tên Tomi bị mưu hại khi đang làm phận sự (dẫn theo Tràng An báo số 244, 18.12.1943, tr.1). Đi cùng với Toàn quyền Đông Dương Decoux có Thống đốc Nam kỳ Ernest Thimothée Hoeffel, điều này gián tiếp cho thấy viên sen-đầm là một nhân vật khá quan trọng của chính quyền thuộc địa.

Di tích kiến trúc văn hóa và biểu tượng của nền y khoa Pháp tại Sài Gòn

Thời Đệ nhị Thế chiến, cụ thể là gần trưa ngày 7.2.1945, Sài Gòn - Chợ Lớn bị phi cơ oanh tạc hạng nặng của Mỹ đánh phá, Bệnh viện Grall bị trúng bom và hư hại nhiều. Tràng An báo (số 403, 10.2.1945, tr.1) có tường thuật qua; báo Sài Gòn (số 16855, 9.2.1945, tr.1) thì viết: “... Có hư hại nhiều tại nhà thương Grall (tục kêu là nhà thương Đồn Đất) và các nơi dân ở. Người ta rất đau lòng vì một số đông người Pháp và người Đông Pháp bị nạn”. Đến 5 giờ chiều hôm sau (8.2.1945), tại Bệnh viện Grall diễn ra lễ an táng những nạn nhân xấu số người Pháp chẳng may qua đời vì vụ ném bom, đại diện phía chính quyền tham dự có Thống đốc Nam kỳ Ernest Thimothée Hoeffel.
Đến ngày 26.2.1945, Toàn quyền Decoux đi khắp Sài Gòn - Chợ Lớn viếng thăm những nơi bị trúng bom, ông cũng ghé thăm Bệnh viện Grall, thăm hỏi những người bị thương và đi xem những nơi trong bệnh viện bị hư hại (dẫn theo báo Sài Gòn số 16865, 28.2.1945, tr.1).

Lối đi chính trong bệnh viện quân sự đầu tiên của Sài Gòn với rất nhiều cây xanh, khoảng năm 1880-1890

Ảnh: Bibliothèque de l'ancien Musée des colonies (Paris)

Kể từ sau Hiệp định Genève, người Pháp rút hết quân khỏi Đông Dương vào tháng 4.1956 và một thỏa thuận được ký kết giữa hai chính quyền cho phép người Pháp tiếp tục duy trì quyền quản lý, vận hành Bệnh viện Grall như trước.
Với sự đồng ý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nước Pháp đảm bảo việc quản lý và hoạt động của Bệnh viện Grall, thiết bị y tế được nhập khẩu từ Pháp sang được miễn thuế hoàn toàn, Pháp chịu tất cả chi phí liên quan đến việc gửi nhân viên y tế từ Pháp đến Sài Gòn - biệt phái từ Bộ Ngoại giao theo hình thức chuyên gia hợp tác, bệnh viện được tự chủ về tài chính… (dẫn theo Yves Firame, Renaissance de l’hôpital Grall de Saïgon Hôpital pédiatrique N° 2 de Ho Chi Minh Ville).
Đây là những cơ sở quan trọng để bệnh viện tiếp tục phát triển, vận hành hiệu quả nhằm mang đến cho người dân dịch vụ y tế chất lượng tốt nhất có thể. Từ thập niên 1940 đến thời Việt Nam Cộng hòa, người bình dân Sài Gòn gọi Bệnh viện Grall là Nhà thương Đồn Đất, theo tên đường Đồn Đất (nay là đường Thái Văn Lung, Q.1) chạy từ bến Bạch Đằng đến cổng chính của bệnh viện. Bệnh viện góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần người Pháp và người Việt; lan tỏa, truyền bá kiến thức, tư tưởng nhân đạo, khoa học của nền y khoa phương Tây vào Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung; đào tạo đội ngũ nhân viên y tế cho người Việt qua từng thời kỳ.

Khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng 2 ngày nay

Ảnh: Lê Công Sơn

Trong những ngày tháng 4.1975 lịch sử và một thời gian sau đó, Bệnh viện Grall đã cấp cứu, chữa trị cho rất nhiều binh lính hai bên, thường dân cho đến khi cạn kiệt vật tư y tế. Tháng 5.1978, chính phủ Pháp chính thức ký nhận chuyển giao bệnh viện cho chính phủ Việt Nam, Bệnh viện Grall bấy giờ được đổi tên thành Bệnh viện Nhi đồng 2, chuyển từ đa khoa sang nhi khoa.
Với lịch sử tồn tại lâu đời cùng cảnh quan, kiến trúc Đông Dương, mật độ cây xanh được duy trì cho đến ngày nay, tọa lạc ở vị trí trung tâm…, Bệnh viện Grall (nay là Bệnh viện Nhi đồng 2) là không gian di sản văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, cảnh quan đô thị độc đáo nằm giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Sau gần 160 năm hiện diện tại Sài Gòn, trải qua biết bao thăng trầm, bệnh viện vẫn ở đó như một chứng nhân lịch sử, một công trình y học đỉnh cao và là biểu tượng của nền y khoa Pháp tại Sài Gòn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.