Hội thảo nâng cao năng lực quản lý bệnh viện 2023 được Sở Y tế Hà Nội tổ chức trong 2 ngày 25 - 26.8 tại Hà Nội và trực tuyến 300 điểm cầu đến các đơn vị y tế toàn miền Bắc.
Sau phiên khai mạc sáng nay 25.8, hội thảo có phiên thảo luận xung quanh vấn đề luật Đấu thầu và những quy định cần lưu ý trong đấu thầu mua sắm thuốc, thiết bị y tế trong bệnh viện công lập.
Hàng loạt băn khoăn được lãnh đạo các sở y tế, giám đốc các bệnh viện công lập đưa ra, trong đó băn khoăn nhất là xác định giá đúng khi mua sắm thiết bị y tế, vì "không biết giá mua sắm được căn cứ trên tiêu chí nào" sau khi vừa qua có hàng loạt vụ việc mua sắm, định giá thiết bị y tế trong bệnh viện công được cơ quan chức năng xác định cao hơn giá trị thực.
TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội), tâm tư về trách nhiệm giải trình, và cho hay, cần rất nhiều thời gian cho công tác đấu thầu.
Trong khi đó, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, GS Nguyễn Duy Ánh, cho rằng Bộ Y tế ban hành giá khám, chữa bệnh được thì cũng cần công bố khung giá các máy móc, thiết bị y tế. Trên cơ sở giá đã công bố, các bệnh viện sẽ mua theo khả năng tài chính. "Mình làm ra tiền, vì sao lại không được mua cái mình muốn?". Điều chúng tôi mơ ước là làm sao có các quy định thuận lợi khi mua sắm", ông Ánh nhấn mạnh.
Tránh T.Ư có chính sách, còn địa phương có đối sách
Chia sẻ về những băn khoăn của lãnh đạo các bệnh viện công, ông Hoàng Cương, Trưởng phòng Chính sách đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH-ĐT), cho biết: "Nhiều bệnh viện công băn khoăn về xác định giá khi mua sắm. Có giám đốc bệnh viện đầu ngành của Bộ Y tế nói với chúng tôi, bệnh viện không thiếu tiền nhưng không biết mua máy móc thế nào".
Theo ông Cương, để có giá phù hợp khi đấu thầu mua sắm trang thiết bị, các bệnh viện hiện thực hiện thí điểm theo Thông tư 14/2023 của Bộ Y tế. Nhưng thông tư này chỉ áp dụng hết ngày 31.12, sau đó sẽ thực hiện theo các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.
"Các bệnh viện không nên quá băn khoăn về giá khi làm giá kế hoạch mua sắm trang thiết bị, vì đó chỉ là dự trù kinh phí. Quan trọng là quy trình thầu phải minh bạch, công khai, phải là cạnh tranh thực sự, thì sẽ có giá đúng. Việc đấu thầu mua sắm sẽ chỉ thực hiện đấu thầu qua mạng, vì như vậy mới thực sự minh bạch. Các đơn vị đừng nghĩ đến đấu thầu giấy nữa", ông Cương khẳng định.
Ngoài ra, ông Cương cũng nêu rõ các đơn vị, địa phương khi lập hồ sơ thầu không được có các quy định chỉ định thầu, nhưng cũng không được quy định mang tính ngăn cản các nhà thầu tham gia.
Thực tế vừa qua, có hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu phải có trụ sở trên địa bàn tỉnh để đảm bảo cung ứng nhanh, kịp thời, nhưng thực chất quy định đó cản trở doanh nghiệp ngoài tỉnh có thể tham gia. Quy định thời gian bên trúng thầu phải cung cấp cho đơn vị, chứ không phải quy định về địa lý; còn nhà thầu thì có trách nhiệm chứng minh năng lực cung cấp.
"Luật Đấu thầu sửa đổi đã quy định danh mục 9 hành vi bị cấm khi đấu thầu, nhưng để rõ ràng hơn nữa, tới đây cần quy định cụ thể danh mục các hành vi gây hạn chế trong hồ sơ mời thầu bị cấm, để tránh trường hợp T.Ư có chính sách, còn địa phương có đối sách", ông Cương nói.
Bình luận (0)