Trong đó, vai trò rất quan trọng phải kể đến đội ngũ nhân viên công tác xã hội (CTXH). Một ngày tất bật của nhân viên CTXH Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy được PV Thanh Niên ghi nhận lại.
BẮT ĐẦU LÀM VIỆC TỪ 4 GIỜ SÁNG
4 giờ sáng một ngày giữa tháng 3.2023, đèn đường vẫn sáng, bệnh nhân (BN) đến khám bệnh đã đông nghịt, trải dài khắp cổng 1 và cổng 2 BV Chợ Rẫy (thuộc Bộ Y tế). Đây cũng là lúc nhân viên Phòng CTXH bắt đầu làm việc. Màu áo xanh CTXH nổi bật khắp mọi ngóc ngách BV, để BN có nhu cầu giúp đỡ dễ dàng nhận biết.
Tại quầy lấy số thứ tự, hàng trăm BN được nhân viên Phòng CTXH hỗ trợ điền thông tin, hướng dẫn khám bệnh. Lượng người đông đúc, không khí khẩn trương nhưng guồng công việc này đã quá quen thuộc với mỗi nhân viên Phòng CTXH, ai cũng vui vẻ và hỗ trợ nhiệt tình.
Làm nghề giúp đỡ, hỗ trợ BN trong quy trình khám chữa bệnh, ông Lê Minh Hiển, Trưởng phòng CTXH BV Chợ Rẫy, cho biết dù mỗi nhân viên có một bộ phận làm việc khác nhau nhưng đều được đào tạo để có thể làm việc ở nhiều vị trí. "Ở Chợ Rẫy, không có chuyện BN hỏi mà nhân viên Phòng CTXH trả lời "không biết". Mình không biết thì nhân viên khác biết, hoặc cấp trên biết. Lúc đó, phải gọi điện cho nhau để hỗ trợ thông tin, đến khi có câu trả lời thỏa đáng cho BN mới thôi", ông Hiển nói.
Ông Hiển dẫn PV lên lầu 1, khu A (khu khám bệnh) để hiểu rõ hơn công việc hướng dẫn BN của nhân viên Phòng CTXH. Ở đây, mỗi góc cầu thang đều được bố trí một bàn hướng dẫn cho người đến khám, gọi là bàn hướng dẫn tổng quát.
Nhiều năm ngồi bàn hướng dẫn, chị Hân (nhân viên Phòng CTXH) cho biết, 8 giờ sáng là khoảng thời gian cao điểm BN cần hỗ trợ. Ngồi cạnh chị Hân khoảng 30 phút, nhiều câu hỏi gấp gáp của BN cùng một lúc khiến chính PV choáng: "Cô cô, phòng khám này ở đâu cô?", "Áp thẻ ở đâu vậy chị?", "Tôi được chỉ định khám mấy phòng, giờ nên khám phòng nào trước hả cô?"… Quen thuộc với cảnh này, chị Hân dùng nguyên tắc "mỗi người 10 giây", tức BN hỏi nhanh, chị đáp lẹ trong vòng 10 giây nhưng đảm bảo đủ thông tin và BN đi được luôn tới phòng khám.
"BN xếp hàng đông để được hỗ trợ nên mình ráng trả lời nhanh, đầy đủ cho các cô chú về đúng phòng khám. Mình hiểu tâm lý nhiều cô chú ở dưới quê lên, rồi không có người nhà, không biết đường sá, lại còn bệnh tật. BN tìm mình xong đi đến phòng khám được nhanh gọn lẹ là họ bớt đi được một chút mệt mỏi, mình cũng vui rồi", chị Hân chia sẻ.
"BỆNH NHÂN KHÓ CHỊU THÌ MÌNH CHỊU KHÓ"
Hơn 9 giờ sáng, chúng tôi theo chân chị Thanh Thương, nhân viên Phòng CTXH lên lầu 9 khu E, là nơi BN ung thư hóa trị. Phòng truyền điều trị 1 ngập tràn ánh sáng và tiếng nhạc êm tai, không giống nơi truyền thuốc đau đớn.
Chị Thương đẩy chiếc xe đầy ắp bánh, sữa… từ cửa bước vào. Như đã quen với sự có mặt của chị, các cô bác BN nheo mắt nhìn theo, từ từ ngồi dậy chuẩn bị nhận đồ ăn. "Xe nước hôm nay, con phục vụ bánh, sữa, kẹo và nước ấm miễn phí, cô bác dùng gì con lấy nha. Hôm nay có kẹo do sư cô ở chùa gửi nên cô bác nào dùng thì nói giùm con nha", chị Thương chậm rãi, nhẹ nhàng.
Nhiều BN không đủ sức khỏe để nói chuyện hoặc mắt mờ không nhìn rõ, chỉ có thể ra hiệu bằng tay. Trong quá trình truyền thuốc và tặng đồ ăn, chị Thương mở ti vi, phát các hoạt động của Phòng CTXH hoặc phim hoạt hình cho BN xem.
"Mình làm ở phòng đặc biệt nên hay hỏi han, quan tâm cô chú, thấy nhiều người hoàn cảnh lắm mà không dám xúc động nhiều. Vì xúc động dễ khiến BN tủi thân nên cứ làm sao cho BN vui thôi. Nhiều cô chú truyền thuốc xong có mệt cũng tìm mình để nói một câu cảm ơn. Thương dữ lắm", chị Thương bộc bạch.
Giờ giấc làm việc đặc thù đi sớm, nhiều hôm về trễ nhưng chị Thương nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình. Mẹ chị Thương từng là BN nên luôn chia sẻ với chị phải hiểu tâm lý người bệnh, vì đã vào BV Chợ Rẫy thì đa phần bệnh nặng, sức khỏe và tinh thần đều không được tốt. Chị Thương được gia đình tạo điều kiện dồn toàn tâm vào công việc.
Nhiều lúc BN cáu gắt, khó chịu, chị Thương và nhân viên Phòng CTXH đều hiểu một phần là do ảnh hưởng của thuốc và do tâm trạng BN không tốt. "Không ai bị bệnh mà thoải mái bao giờ. BN khó chịu thì mình chịu khó, cố gắng tạo niềm vui cho BN, coi cô chú như cha mẹ ở nhà. Công việc phát quà, nước của nhân viên Phòng CTXH không chỉ đơn thuần là hỗ trợ BN, mà đó là công việc truyền năng lượng, mang liều thuốc tinh thần đến với BN", chị Thương chia sẻ thêm.
"Đồng hành cùng chiến binh K" là chương trình dành cho BN ung thư ở BV Chợ Rẫy do phòng CTXH thực hiện, bao gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ như ca hát, ngâm thơ do các nghệ sĩ biểu diễn miễn phí. Chương trình cũng góp một phần xoa dịu nỗi đau bệnh ung thư mà BN gặp phải.
"CÔ YÊN TÂM"
Quay lại Phòng CTXH, chúng tôi gặp chị Ngân, Tổ y xã hội, Phòng CTXH. Lúc này, một người phụ nữ lớn tuổi, gầy gò bước vào. Đó là bà Hồng, vừa viết đơn gửi đến Phòng CTXH trình bày hoàn cảnh để được giúp đỡ phần nào viện phí.
Bà Hồng là bà nội của Hoàng Long (16 tuổi), bị suy thận nên phải nghỉ học giữa chừng. Năm Long lên 4 tuổi thì bố mất, mẹ đi bước nữa. Hiện nay bà Hồng đã nhiều tuổi, bản thân có bệnh nền, không đủ khả năng kinh tế chữa trị cho cháu nội.
Đợt này, bệnh của Long trở nặng nên được chuyển từ BV ở quê Long An lên BV Chợ Rẫy. "Có bao nhiêu tiền tôi dồn vào chữa bệnh cho đứa cháu nội duy nhất. Y tá nói đợt mổ tới phải cỡ 25 - 30 triệu nữa. Trời ơi bây giờ đâu còn tiền đâu cô, nên bác sĩ hướng dẫn viết đơn xuống đây mong có người giúp đỡ cho cháu chữa bệnh", bà Hồng khóc nghẹn.
"Giờ cô lên lại phòng bệnh lo cho Long nha cô. Bao giờ có nhà hảo tâm giúp đỡ cháu gọi cô xuống nhé", chị Ngân nắm chặt tay bà Hồng, dặn bà yên tâm về chăm sóc cháu nội, Phòng CTXH sẽ cố gắng kêu gọi hỗ trợ.
Theo chị Ngân, với vai trò là một người làm CTXH thì cần xác định được vấn đề của BN để đưa ra hướng giúp đỡ tốt nhất. Đã nói với BN sẽ hỗ trợ là phải cố gắng hết sức, còn không chắc chắn thì không hứa.
NGHỀ RẤT QUAN TRỌNG Ở BỆNH VIỆN
Phòng CTXH BV Chợ Rẫy có 41 nhân sự, làm 24 hoạt động: hướng dẫn BN, xin tiền cho BN nghèo trả chi phí điều trị, kết nối chăm lo bữa ăn với hàng ngàn suất ăn/ngày cho BN nghèo, chăm lo nhà vệ sinh khu thân nhân…
Theo ông Lê Minh Hiển, tại BV, những cuộc hội chẩn ca bệnh phức tạp, bệnh nặng cần chi phí lớn thì Phòng CTXH cũng dự họp để biết sắp tới mình làm gì để chung tay với BV cứu giúp BN cả về bệnh lý lẫn vật chất. Nhìn thấy cảnh nhiều BN bệnh nặng lại không có thẻ bảo hiểm y tế, ông Hiển vẫn đau đáu về chính sách truyền thông làm sao cho hiệu quả. "Thời gian tới, làm sao chính sách truyền thông để người dân thấy sự hữu ích của bảo hiểm y tế và cần có nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp người nghèo. Các BV đẩy mạnh nghề CTXH trong BV để BN được giúp nhiều hơn", ông Hiển nói.
Với nghề CTXH trong BV, ông Hiển cho rằng cần có thêm phụ cấp hợp lý, chính đáng để phát triển hệ thống CTXH trong BV. Bởi BN khó khăn về thủ tục hành chính, cần kinh phí điều trị mà nếu không có nhân viên CTXH thì sẽ càng khó khăn hơn.
Bình luận (0)