Ngày 24.2, tin từ Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và kịp thời cứu chữa 4 người bị ngộ độc khí làm lạnh R22 (Hydrochlorofluorocarbon – HCFC).
Theo bệnh sử, 4 nạn nhân, gồm: B.V.H, T.V.T (đều 26 tuổi) và N.X.T (22 tuổi), T.V.D (25 tuổi) làm việc tại một cơ sở sản xuất nước đá trên địa bàn TP.HCM.
Khoảng 0 giờ 50 sáng ngày 18.2, sau một tiếng nổ lớn từ bình chứa khí lạnh tại cơ sở sản xuất nước đá thì xảy ra rò rỉ khí R22. Khí độc lan rộng khắp khu vực khiến các công nhân hoảng loạn tìm cách thoát thân.
Có người tiếp xúc với khí trong khoảng 3 phút, trong khi 2 người khác hít phải khí độc đến 10 phút trước khi được sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân 115 bằng xe cấp cứu.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 cấp cứu nhiều ca nguy kịch
ẢNH: BVCC
Khi nhập viện, cả 4 bệnh nhân đều có triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Các bác sĩ tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán ngộ độc khí nghi ngờ ngộ độc khí làm lạnh R22. Sau điều trị, sức khỏe cả 4 bệnh nhân ổn định và đã xuất viện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115, R22 là một loại khí làm lạnh được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp, đặc biệt tại các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh, hệ thống điều hòa không khí công nghiệp. Tuy nhiên, nếu rò rỉ, khí làm lạnh này có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, kích ứng đường hô hấp, và trong trường hợp tiếp xúc ở nồng độ cao, có nguy cơ suy hô hấp cấp, tổn thương thần kinh.
Bác sĩ khuyến cáo, các cơ sở cần kiểm tra định kỳ hệ thống lạnh để phát hiện và khắc phục rò rỉ khí độc kịp thời. Trang bị thiết bị bảo hộ và hệ thống cảnh báo khí rò rỉ tại nơi làm việc. Không làm việc trong môi trường kín nếu nghi ngờ có khí độc. Học cách sơ cứu ngộ độc khí, di chuyển ngay ra nơi thoáng khí và gọi cấp cứu khi có triệu chứng bất thường.
Bệnh nhân thủng tim bị thủng tim do tai nạn lao động hy hữu
Trước đó, ngày 12.2, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhân dân 115 mổ cấp cứu cho một thanh niên 21 tuổi bị thủng tim do tai nạn lao động hy hữu.
Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau ngực và khó thở, trên thành ngực trái có một vết thương rất nhỏ, chỉ khoảng 2 mm.
Bệnh nhân cho biết khi đang làm việc với máy bắn đinh, anh vô tình trượt tay khiến một chiếc đinh bật ngược vào ngực. Ngay sau đó, anh cảm thấy đau dữ dội và đến sơ cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, lập tức được chuyển đến khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115.
Trước một trường hợp đau ngực cấp tính, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã nhanh chóng siêu âm tim, phát hiện tràn dịch màng tim - dấu hiệu gợi ý tổn thương cơ tim nghiêm trọng.

Siêu âm cấp cứu tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM
ẢNH: BVCC
Bệnh nhân được chụp CT-scanner lồng ngực khẩn cấp và được xác định có dị vật kim loại xuyên qua xương sườn và đâm vào tim, gây chảy máu vào màng ngoài tim. Các bác sĩ nhận định, nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có thể bị chèn ép tim cấp và sốc mất máu, nguy cơ tử vong rất cao.
Trước tình huống nguy hiểm, các bác sĩ phẫu thuật tim - lồng ngực đã nhanh chóng quyết định mổ cấp cứu. Khi mở lồng ngực, các bác sĩ phát hiện đầu đinh đã xuyên qua màng ngoài tim và làm rách cơ tim trước thất phải, tổn thương có thể gây ngưng tim đột ngột.
Thực tế, vết thương tim phức tạp hơn so với dự đoán ban đầu. Do vậy đòi hỏi ê kíp phẫu thuật phải tập trung cao độ để lấy dị vật, khâu vết thương tim, kiểm soát cầm máu và hồi sức tích cực. Sau gần một tuần được điều trị tại khoa Gây mê hồi sức, bệnh nhân đã vượt qua giai đoạn nguy kịch, cai máy thở thành công và được chuyển đến khoa Phẫu thuật tim - lồng ngực mạch máu để tiếp tục theo dõi.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhân dân 115 đánh giá, ca bệnh được cứu sống ngoạn mục thể hiện tinh thần khẩn trương, phối hợp chặt chẽ giữa đội ngũ bác sĩ cấp cứu, bác sĩ phẫu thuật tim - lồng ngực mạch máu và bác sĩ gây mê hồi sức trong việc giành giật sự sống cho người bệnh. Vì thủng tim do máy bắn đinh là tai nạn hiếm gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 80% dù được cấp cứu kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn và có bảo hộ lao động khi sử dụng máy bắn đinh.
Bình luận (0)