Bệnh viện Trung ương Huế khai trương máy chụp MRI ứng dụng trí tuệ nhân tạo

12/05/2022 16:23 GMT+7

Bệnh viện Trung ương Huế đã khai trương đưa vào sử dụng hệ thống MRI chụp cộng hưởng từ 1.5T Signa Explorer hiện đại ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có khả năng phát hiện bất thường mạch máu não để điều trị bệnh nhân trong thời gian 'vàng'.

Sáng 12.5, Bệnh viện Trung ương Huế đưa vào sử dụng hệ thống MRI chụp cộng hưởng từ 1.5T Signa Explorer Air IQ hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thiết bị này có khả năng phát hiện nhiều bất thường mạch máu não như định lượng tưới máu não, chụp thành mạch máu, chụp đánh giá hệ mạch máu não... để điều trị bệnh nhân trong thời gian “vàng”.

Các đại biểu cắt băng khai trương đưa vào sử dụng hệ thống MRI hiện đại ứng dụng trí tuệ nhân tạo

BVCC

GS-TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết đây là hệ thống MRI Signa Explorer Air IQ thế hệ mới được Công ty GE giới thiệu ra thị trường năm 2021 với giá trị chẩn đoán cao cấp bằng cách ứng dụng những thành tựu mới nhất của trí tuệ nhân tạo học sâu (A.I Deep Learning).

Hệ thống MRI được trang bị nhiều phần mềm hiện đại nhất giúp tăng phạm vi chẩn đoán, độ chính xác cao với thời gian nhanh nhất. Hệ thống này đáp ứng đầy đủ các thăm khám “chuyên sâu” như xác định hình ảnh bất thường của sọ não, u não, định lượng tưới máu não, chụp thành mạch máu, chụp đánh giá hệ mạch máu não mà không cần phải tiêm thuốc đối quang từ mang lại kết quả chẩn đoán chính xác mà vẫn đảm bảo thời gian “vàng” điều trị cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, hệ thống MRI có thể chụp toàn thân nhằm tầm soát phát hiện các tổn thương u có kích thước nhỏ và sàng lọc ung thư ở giai đoạn sớm… Hệ thống MRI được trang bị phần cứng và phần mềm hiện đại nhất giúp chẩn đoán, sàng lọc ung thư vú ở phụ nữ và ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới. Đồng thời, giúp đánh giá các bệnh lý cơ tim như bệnh viêm cơ tim (hậu Covid-19), cơ tim phì đại, bệnh cơ tim nhiễm bột, bệnh cơ tim nhiễm sắt, bệnh u hạt…

"Vai trò của MRI có ý nghĩa đặc biệt trong việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh. Đặc biệt, trong lĩnh vực đột quỵ, đây là bước tiến “ngoạn mục” trong việc xác định sớm tổn thương não, kết hợp ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất trong hồi sức, cấp cứu và can thiệp mạch não tại Bệnh viện Trung ương Huế để giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đem lại khả năng hồi phục cao nhất cho bệnh nhân. MRI cũng hiệu quả trong việc đánh giá tổn thương mạch máu, tầm soát ung thư toàn thân", GS-TS Phạm Như Hiệp cho biết.

4.100 bác sĩ dự hội thảo cập nhật công nghệ và ứng dụng cộng hưởng từ

Dịp này, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã tổ chức chuỗi hội thảo khoa học cập nhật công nghệ và ứng dụng cộng hưởng từ chú trọng đến lĩnh vực ung thư, mạch máu và đột quỵ. Hội thảo đã nghe GS Basri Johan Jeet Abdullah (Malaysia) báo cáo trực tuyến với đề tài “sàng lọc ung thư và di căn xương” và các bài báo cáo của Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) về ứng dụng hình ảnh cộng hưởng từ trong ung thư trực tràng, ung thư vú, đột quỵ và cộng hưởng từ dòng chảy 4D...

Đại diện Công ty GE giới thiệu hệ thống MRI hiện đại thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo

BVCC

Tham gia hội thảo có hơn 4.100 bác sĩ đa khoa và chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh, ung thư, đột quỵ… đến từ các trường đại học y dược, các bệnh viện thuộc khu vực miền Trung - Tây nguyên và hơn 100 sinh viên y khoa của Trường Đại học Y Dược Huế, Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)... Tham gia hội thảo, các bác sĩ và sinh viên có cơ hội cập nhật, tiếp thu ứng dụng công nghệ mới trong đó có việc sử dụng hệ thống MRI hiện đại để phát hiện, điều trị các ca bệnh khó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.