Thảo luận về ngân sách sáng 5.11 tại hội trường Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng đầu tư cho giáo dục, y tế "dường như mờ nhạt trong số liệu về đầu tư công".
Theo ông, báo cáo năm 2024 cho thấy, Bộ Y tế chỉ được phân bổ 1.200 tỉ đồng (chiếm 1%), Bộ GD-ĐT được phân bổ 1.500 tỉ đồng (chiếm 1,2%).
Năm 2025, tổng ngân sách 148.000 tỉ, Bộ Y tế được phân bổ 5.700 tỉ đồng, chiếm 3,6%; Bộ GD-ĐT được phân bổ 2.900 tỉ đồng, chiếm 1,9%. Với mức phân bổ vốn thấp như thế đương nhiên các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các trường đại học thuộc Bộ GD-ĐT sẽ không có nguồn vốn đầu tư cho phát triển.
"Chúng ta nói rất nhiều các bệnh viện, trường đại học phải thúc đẩy cơ chế tự chủ, nhưng chúng ta mới chỉ thúc các đơn vị này tự chủ mà không đầu tư cơ sở vật chất", ông Cường nói và cho biết vừa qua đến thăm Bệnh viện đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ đã tự chủ, "đẹp như khách sạn 5 sao".
Bệnh viện đã thực hiện tự chủ, người bệnh hưởng điều kiện chăm sóc, thực sự may mắn hơn những bệnh viện T.Ư tại Hà Nội. Nhưng lãnh đạo bệnh viện trăn trở không chỉ về mặt kỹ thuật, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế mà lo lắng làm sao để trả lãi suất 11% vốn vay để xây dựng bệnh viện.
Nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, nếu cộng thêm phần trả vốn vay và lãi ngân hàng thì chi phí đội lên cao, bệnh nhân không chịu được. "Đây là điều vô lý vì bệnh nhân không chỉ trả dịch vụ y tế mà trả cả lãi suất ngân hàng", ông Cường nêu và cho rằng, đây là nguyên nhân khiến các bệnh viện lớn T.Ư không dám nhận tự chủ.
Tương tự với các trường đại học, nếu đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị khang trang, sinh viên học rất tiện nghi. Nhưng nếu trường phải vay đầu tư cơ bản thì phải gánh lãi suất ngân hàng, chi phí cho đào tạo rất cao.
"Trung Quốc đầu tư cho đại học 6.000 tỉ đồng/năm"
Do đó, ông đề nghị cần tăng tỷ lệ phân bổ vốn ngân sách đầu tư phát triển y tế và giáo dục, đủ để đầu tư cơ sở ban đầu, sau đó giao các trường tự chủ tự tính khấu hao... "Chúng ta nên tham khảo bài học của Trung Quốc. Tại sao các trường đại học Trung Quốc vươn nhanh trở thành trường top đầu trong thời gian rất ngắn như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa.
Lý do từ năm 1998, Trung Quốc đã thực hiện đề án liên tục 3 năm mỗi trường được đầu tư 1,8 tỉ nhân dân tệ (tức 6.000 tỉ đồng), từ năm 2000 mở rộng ra nhiều trường."Tôi biết rằng nếu chúng ta tập trung 5 - 10 năm dành tỷ lệ 5% ngân sách chi cho y tế, giáo dục thì sau đó chúng ta sẽ có hệ thống giáo dục đại học, bệnh viện khang trang, hiện đại, hàng triệu người được hưởng lợi.
Tương tự, đại biểu Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho hay, từ kinh nghiệm của Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa và các đại học hàng đầu Trung Quốc, có thể thấy đại học phải có nguồn nhân lực chất lượng cao; khối tài sản công rất lớn.
Do đó, ông kiến nghị sửa đổi luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp đại học chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. Các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của đại học.
Về nội dung tự chủ tài chính, giải trình cuối phiên thảo luận, Phó thủ tướng, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện.
"Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ", ông Phớc nói.
Ngoài ra, với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của Nhà nước.
Bình luận (0)