Bệnh viện xuống cấp thảm hại do thi công ẩu

23/06/2014 09:00 GMT+7

Có tổng mức đầu tư trên 52 tỉ đồng nhưng do bớt xén vật liệu, thi công ẩu nên sau 7 năm đưa vào sử dụng toàn bộ phần sân và nền của Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã lún sâu nửa mét.

Có tổng mức đầu tư trên 52 tỉ đồng nhưng do bớt xén vật liệu, thi công ẩu nên sau 7 năm đưa vào sử dụng toàn bộ phần sân và nền của Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã lún sâu nửa mét.


Lối đi cho xe cứu thương không thể sử dụng do bị sụt nền - Ảnh: Thái Sơn

 


Hệ thống thoát nước xung quanh bệnh viện bị phá vỡ do lún sụt

Đó là chưa kể toàn bộ hệ thống công trình xử lý nước thải y tế bị hư hại nặng, nước thải vệ sinh, thấm dột nhiều điểm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khám chữa bệnh.

Đầy rẫy sai phạm

 

VHS là bệnh viện duy nhất của ngành văn hóa, thể thao và du lịch có quy mô 3 tầng, 100 giường bệnh, tương đương với bệnh viện đa khoa loại 2 do Viện Khoa học thể dục thể thao làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn công nghệ thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO), Bộ Xây dựng làm tư vấn thiết kế, giám sát và Công ty xây dựng số 15 thi công. VHS được khởi công từ năm 2003 đến tháng 5.2007 hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Kết thúc thanh tra việc thực hiện quy trình đầu tư và chất lượng xây dựng Bệnh viện Thể thao Việt Nam (VHS), Thanh tra Bộ VH-TT-DL đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và thi công. Qua kiểm tra hồ sơ pháp lý cho thấy đơn vị thi công là Công ty xây dựng số 15 không nằm trong danh sách các đơn vị tham gia dự thầu, không có chức năng kinh doanh thiết bị y tế và trạm biến áp.

Trong việc thi công, thanh tra xác định có dấu hiệu quyết toán, nghiệm thu khống trong việc đổ đất san nền, đầm nén với số lượng hàng ngàn mét khối. Trong đó, chiều cao trung bình của nền công trình là 1,79 m nhưng trong biên bản nghiệm thu thể hiện nền chỉ đạt độ cao 1,28 m. Khảo sát thực tế tại VHS cho thấy phần nền cả trong nhà và ngoài sân bị lún khoảng 0,5 m. Trong quá trình thi công, đơn vị thiết kế, tư vấn và giám sát đã tự ý thay đổi thiết kế mà không báo cáo chủ đầu tư như thay đổi bê tông chống thấm dày 40 mm mác 250 bằng vữa xi măng. Ngoài ra, đơn vị này cũng được xác định thiết kế mái không đúng quy chuẩn. Cũng theo thanh tra, trong gói thầu mua sắm thiết bị, đơn vị thi công đã mua của 11 nhà cung cấp nhưng đến nay chỉ duy nhất máy cộng hưởng từ là có hồ sơ. Các thiết bị còn lại thiếu hồ sơ xuất xứ hàng hóa, kiểm định chất lượng của hải quan.

Đánh giá về chất lượng công trình, thanh tra nêu rõ VHS hiện đã xuống cấp nhiều hạng mục. Cụ thể toàn bộ phần nền gồm cả trong nhà và ngoài sụt, lún trung bình 40 - 50 cm. Nền trong nhà đã được đơn vị thi công sửa chữa nhiều lần nhưng không khắc phục được. Toàn bộ hệ thống nước vệ sinh, nước thải, cấp nước cứu hỏa, hệ thống xử lý chất thải rắn không hoạt động.

Giơ cao đánh khẽ

Dù chỉ ra nhiều sai phạm, nhưng Thanh tra Bộ chỉ kết luận thiệt hại về kinh tế khoảng 255 triệu đồng do quyết toán khống khối lượng. Cũng theo thanh tra, từ năm 2011 - 2013, Bộ

VH-TT-DL và VHS đã bỏ những khoản tiền khá lớn để khắc phục sụt lún và thấm dột tại khu A, khu B, sảnh và phần mái, bậc tam cấp nhà vệ sinh… và đến nay các điểm cải tạo cơ bản khắc phục được sự cố xuống cấp.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV Thanh Niên vào chiều 22.6, ngoài phần sảnh bệnh viện đã được tôn nền, vá víu để che các vết nứt, lún sụt thì phần sân nền bao quanh bệnh viện đã lún sụt, lồi lõm. Trong đó, hệ thống cống thoát nước bao quanh tòa nhà 3 tầng bị sập lún, nước thải sinh hoạt, y tế chảy tràn ra sân hoặc tù đọng cục bộ, lối đi dành cho xe cấp cứu bị lún, lồi lõm đá và bê tông… Bên trong bệnh viện nhiều chỗ tiếp tục bị thấm dột, tại khu vực hành lang tầng 1, cán bộ bệnh viện còn dùng cả can nhựa để hứng nước dột từ trên xuống.

Thái Sơn - Kiều Trinh

>> Nhiều dự án xây dựng bệnh viện đình trệ
>> Nhà thầu khắc phục lỗi thi công ẩu
>> Thi công ẩu làm chết người: Xử lý nghiêm các đơn vị liên quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.