Béo phì dễ mắc bệnh đái tháo đường

19/07/2024 08:06 GMT+7

Đái tháo đường đang là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu.

Liên đoàn Đái tháo đường (ĐTĐ) quốc tế (IDF) dự báo 578 triệu người lớn (20 - 79 tuổi) mắc ĐTĐ vào năm 2030 và tăng lên 700 triệu vào năm 2045 (cứ 10 người lớn có 1 ca ĐTĐ).

Năm 2019 có 463 triệu người lớn toàn cầu chung sống với ĐTĐ; hơn 4 triệu người lớn đã tử vong do các nguyên nhân liên quan đến ĐTĐ. Trên toàn cầu, gần một nửa (46,5%) số người 20 - 79 tuổi sống với bệnh ĐTĐ không được chẩn đoán.

BIẾN CHỨNG MÙ LÒA, CẮT CỤT CHI

Theo Bộ Y tế, ĐTĐ là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh, gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi…

Béo phì dễ mắc bệnh đái tháo đường- Ảnh 1.

Nguy cơ chính dẫn đến đái tháo đường type 2 là béo phì, ít vận động

Reuters

Béo phì là yếu tố nguy cơ gây ra nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa như: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, sỏi mật, ung thư đường tiêu hóa…, đặc biệt là bệnh ĐTĐ type 2.

Một bác sĩ điều trị tại Khoa Nội tiết người lớn - Bệnh viện (BV) Nội tiết T.Ư cho biết BV thường xuyên tiếp nhận và điều trị bệnh nhân béo phì, trong đó rất nhiều trường hợp mắc bệnh ĐTĐ do béo phì.

Thông thường ĐTĐ type 2 xuất hiện ở người độ tuổi trung niên, nhưng gần đây đã ghi nhận các ca bệnh ĐTĐ type 2 xuất hiện sớm. Nguy cơ chính dẫn đến ĐTĐ type 2 là béo phì, chế độ ăn giàu glucid, chất béo, ít vận động. Nhiều trường hợp đến BV khi bệnh đã tiến triển với những biểu hiện khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều.

Với bệnh nhân ĐTĐ do béo phì, ngoài việc kiểm soát đường huyết bằng thuốc thì kiểm soát cân nặng được đặc biệt chú trọng. Chế độ ăn uống và vận động phù hợp tác động rất lớn đến quá trình điều trị của người bệnh.

XU HƯỚNG TRẺ HÓA

TS-BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc BV Nội tiết T.Ư, lưu ý ĐTĐ type 2 đang có xu hướng trẻ hóa. Căn nguyên chính là do tình trạng béo phì, dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, kết hợp một số yếu tố gia đình, hoặc stress cũng liên quan béo phì và ĐTĐ type 2.

Theo Bộ Y tế, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, ĐTĐ type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em.

Bộ Y tế lưu ý 70% trường hợp ĐTĐ type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh như dinh dưỡng hợp lý, duy trì luyện tập thể dục, vận động thể lực…

Theo một số nghiên cứu trong nước, năm 1990, tỷ lệ bệnh ĐTĐ là 1,1% ở Hà Nội; 2,52% ở TP.HCM, 0,96% ở TP.Huế. Năm 2012, theo nghiên cứu của BV Nội tiết T.Ư: tỷ lệ hiện mắc ĐTĐ trên toàn quốc ở người trưởng thành là 5,42%, tỷ lệ mắc ĐTĐ chưa được chẩn đoán trong cộng đồng là 63,6%.

Theo kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, ở nhóm tuổi từ 18 - 69, tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 4,1%, tiền ĐTĐ là 3,6%, trong đó tỷ lệ ĐTĐ được chẩn đoán là 31,1%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được chẩn đoán là 69,9%. Trong số những người được chẩn đoán, tỷ lệ ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế: 28,9%, tỷ lệ ĐTĐ chưa được quản lý: 71,1%.

7 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường

Hiện VN có khoảng 7 triệu người mắc ĐTĐ, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng. Trong số đã biến chứng, 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Tại VN, tỷ lệ người mắc bệnh ĐTĐ gia tăng nhanh. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng... Trong số người từ 30 - 69 tuổi, tỷ lệ mắc ĐTĐ là 2,7% vào năm 2002, nhưng đến năm 2020 tỷ lệ này đã tăng lên 7,3%.

Bệnh ĐTĐ type 2 hoàn toàn có thể dự phòng được, bằng cách quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn hằng ngày và thường xuyên tăng cường hoạt động thể lực…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.