Mới đây, Khoa Thận tiết niệu của Bệnh viện (BV) Nội tiết T.Ư tiếp nhận ca bệnh đái tháo đường type 2 chỉ mới 16 tuổi. Bệnh nhân (BN) là nữ, có biểu hiện đau đầu, chóng mặt khoảng 10 ngày, đã đi khám tại bệnh viện tỉnh, được chẩn đoán mắc đái tháo đường. BN được điều trị thuốc uống 7 ngày nhưng đường huyết chưa ổn định nên được chuyển lên BV Nội tiết T.Ư. Qua thăm khám, xét nghiệm, BN được chẩn đoán mắc đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, kháng insulin, béo phì độ 2 (BN cao 1,7 m, nặng 90 kg), gai đen vùng cổ, buồng trứng đa nang.
Khai thác bệnh sử, các bác sĩ được biết BN có bà nội và bà ngoại đều mắc đái tháo đường. Bản thân BN thì thường xuyên sử dụng đồ ăn nhanh, chiên rán, ít vận động và ngồi hàng giờ đồng hồ. Hai năm gần đây, BN tăng cân nhanh bất thường.
Tại BV Nội tiết T.Ư, sau 7 ngày điều trị, BN đã hết các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đường huyết đã ổn định và đã giảm được 3 kg. BN cũng được bác sĩ điều trị hướng dẫn thay đổi chế độ ăn uống và tăng cường luyện tập thể lực để cải thiện cân nặng, giúp hỗ trợ tốt hơn quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa của BN.
Nói thêm về mối liên quan giữa béo phì và bệnh đái tháo đường, chuyên gia của BV đa khoa Tâm Anh cho biết béo phì khiến các tế bào của cơ thể đề kháng với insulin (insulin là một loại hormon giúp đường vào trong tế bào, để tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động), làm cho đường không được các tế bào hấp thụ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao, gây nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Để tránh béo phì, ngay từ khi trẻ tuổi, mọi người cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học và luyện tập cơ thể thường xuyên. Với người béo phì, chỉ cần giảm 3% trọng lượng cơ thể ban đầu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến béo phì.
Hầu hết mọi người nên giảm 600 calo năng lượng nạp vào mỗi ngày nếu muốn giảm từ 0,5 - 1 kg/tuần. Nam giới không tiêu thụ quá 1.900 calo mỗi ngày, còn phụ nữ không quá 1.400 calo mỗi ngày. Cách tốt nhất là thay các thực phẩm không lành mạnh và giàu năng lượng (thức ăn nhanh, đồ chế biến sẵn), đồ uống có đường (bao gồm cả rượu) bằng các thực phẩm tốt cho sức khỏe, tăng trái cây và rau quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt và nhiều chất xơ, ăn ít thức ăn dầu mỡ và hạn chế đồ uống có đường.
Theo khuyến cáo của BV Nội tiết T.Ư, người mắc đái tháo đường cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian để đạt được chỉ số xét nghiệm HbA1c mục tiêu (xét nghiệm HbA1c giúp chẩn đoán các bệnh tiểu đường thông qua chỉ số glucose đo trong máu từ 5 - 12 tuần trước đó). BN cần kiểm soát chế độ ăn uống, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều tinh bột, chất đường; thực phẩm có lượng mỡ cao; tham khảo chế độ ăn của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Cần theo dõi đường huyết thường xuyên để có kế hoạch kiểm soát đường máu.
BN đái tháo đường cần tăng cường vận động, luyện tập ít nhất 30 phút/ngày. Với người thừa cân béo phì, cần luyện tập nhiều hơn, theo tư vấn của bác sĩ để phù hợp sức khỏe và đạt hiệu quả.
Bình luận (0)