Cường Keng là một người con của làng quê Vân Lũng, xã An Khánh, H.Hoài Đức, TP.Hà Nội. Bếp ăn của Cường phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân ở khu vực Cầu Bươu, TP.Hà Nội để có thể đỡ đần phần nào chi phí trong quá trình đi khám và chữa bệnh của bà con xa gần. Chỉ cần đến đây, đưa thẻ bệnh nhân hoặc phiếu thăm nuôi bệnh là có thể nhận được một phần cơm nóng sốt mang về dùng.
Từ lúc được thành lập đến nay đã bước sang tháng thứ 4, "Bếp ăn 0 đồng Cường Keng" mỗi ngày đều làm từ 150 đến 200 suất cơm. Tất cả những suất cơm bà con đến nhận đều miễn phí và có đủ cơm, canh, đồ ăn mặn các loại. Bếp hoạt động đều đặn hàng tuần từ thứ hai đến thứ sáu, với nhân viên là mẹ của Cường, người nhà và một số bạn bè đến cùng làm. Đặc biệt, "Bếp ăn 0 đồng Cường Keng" không nhận tiền ủng hộ trực tiếp, chỉ nhận lương thực, thực phẩm để tiếp tục nấu cơm.
Ban đầu, mặt bằng của bếp ăn này cũng được Cường thuê với giá 12 triệu đồng/tháng, nhưng về sau chủ nhà thấy hoạt động thiện nguyện nên đã tự nguyện giảm xuống còn 10 triệu đồng/tháng. Bếp trưởng cũng được Cường thuê để có thể nấu ăn chuyên nghiệp nhất, mang lại những bữa cơm ngon đúng nghĩa cho những người đến nhận cơm.
Từ lúc được mở ra, các bệnh nhân quanh khu vực Cầu Bươu đã truyền tai nhau về bếp cơm tình nghĩa này. Qua đó, rất nhiều hoàn cảnh bệnh hiểm nghèo và những người khó khăn đã ngày ngày tới nhận cơm. Ai ai cũng rất vui và nói những suất cơm này vừa ngon, vừa nóng lại giúp họ đỡ lo được về chuyện ăn uống để có thể kiên trì hơn với quá trình chữa bệnh lâu dài của mình. Một suất cơm bình thường, giá 30.000 đồng hay 35.000 đồng, có khi không phải là một số tiền quá lớn với người thường. Tuy nhiên, với các bệnh nhân thì số tiền đó vẫn đáng lưu tâm, suy nghĩ vì quá trình chữa bệnh là không phải ngày một ngày hai. Có được chỗ nhận cơm miễn phí này, mọi người đều hết lòng biết ơn bếp ăn 0 đồng và rất mong Cường sẽ tiếp tục phát cơm lâu dài.
Vừa chi tiền, lại dành thêm công sức của người thân, nhưng nhìn những nụ cười, ánh mắt lấp lánh hạnh phúc của bà con khi cầm trên tay phần cơm nóng hổi thì bao vất vả, cực nhọc như biến mất hết. Và Cường lại thêm quyết tâm duy trì lâu dài bếp ăn này. Thiết nghĩ, những nghĩa cử đẹp này của người trẻ cần được lan truyền và nhân rộng để ngày càng có thêm nhiều người biết "sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" trong cuộc sống. Cám ơn nhé, "Bếp 0 đồng Cường Keng".
Bình luận (0)