Bếp ăn của người trẻ: Chạy đua với thời gian để kịp giờ phát cơm mỗi ngày

02/08/2021 07:33 GMT+7

Mới thành lập từ ngày 3.6 nhưng các tình nguyện viên làm việc tại Bếp ăn nghĩa tình của Trung tâm công tác xã hội thanh niên TP.HCM đã hỗ trợ hơn 150.000 suất cơm cho người dân khó khăn và lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 .

 

Dọn đồ từ phòng trọ vào tá túc tại bếp ăn

Đang cặm cụi ngồi lựa những cây cải bẹ còn tươi ngon để chuẩn bị nấu canh tại Bếp ăn nghĩa tình đặt trong khuôn viên của Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM (5 Đinh Tiên Hoàng, Q.1), Châu Dương Ngọc Thắm, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết làm việc tình nguyện tại đây ngay từ những ngày đầu bếp ăn chính thức đi vào hoạt động.
“Trước đó, nhà trường cho sinh viên nghỉ học để tránh dịch Covid-19, thay vì về quê ở An Giang thì mình quyết định đăng ký tham gia góp sức khi đọc được thông tin bếp ăn này cần thanh niên tình nguyện hỗ trợ, bởi mình cũng biết nấu rất nhiều món”, Thắm cho biết.
Thắm kể do sống trọ ở TP.Dĩ An (Bình Dương) nên những ngày đầu tham gia tình nguyện cứ sáng đi tối về. Từ khi giãn cách xã hội, Thắm dọn đồ từ phòng trọ vào tá túc tại bếp ăn để có nhiều thời gian phụ bếp, giúp sức cho mọi người đẩy nhanh tiến độ làm việc, sớm có nhiều phần cơm canh ngon giúp người khó khăn.
Cũng tại Bếp ăn nghĩa tình, dược sĩ Nguyễn Thị Phương Hồng (27 tuổi), đang làm việc tại Công ty dược Đại Hưng, Q.10, TP.HCM, cho biết: “Hiện tại mình vẫn đang làm việc trực tuyến nhưng mỗi ngày tranh thủ dậy sớm để giải quyết xong mọi việc trước 9 giờ sáng. Sau đó, mình chạy từ chỗ trọ ở Gò Vấp đến Q.1 làm phụ những công việc tại bếp ăn”.
Đóng vai trò “bếp trưởng”, anh Bùi Thanh Tùng (34 tuổi) tâm tình: “Mình là hướng dẫn viên du lịch quốc tế của Công ty Vietravel nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên công việc tạm thời gián đoạn. Mình muốn dùng khoảng thời gian này làm những công việc có ý nghĩa để chung tay, góp sức hỗ trợ cộng đồng có những suất ăn ngon, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19”.
Anh Võ Quốc Bình, đội trưởng Đội công tác xã hội thanh niên TP.HCM, cho biết ngoài việc kết nối, tiếp nhận nhu yếu phẩm do các tổ chức, cá nhân gửi tặng bếp ăn, anh cũng kiêm luôn một số công việc không tên khác như trực tiếp đứng bếp, bốc vác hàng hóa khi có những chuyến xe chở rau củ từ các tỉnh về để phân phát cho người dân ở các khu vực bị phong tỏa.

Những phần cơm đã sẵn sàng giao đến cho người khó khăn

Lê Thanh

Quần quật từ sáng sớm đến tối mịt

Theo anh Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm công tác xã hội Thanh niên TP.HCM, Bếp ăn nghĩa tình mang lại những suất ăn thơm ngon, đủ dinh dưỡng cho những mảnh đời có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người dân chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Từ con số dự kiến ban đầu 28.000 suất ăn hỗ trợ cho người dân, đến nay mặc dù với khoảng thời gian rất ngắn nhưng bếp ăn đã hỗ trợ được hơn 150.000 suất cơm ngon có thịt cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19.
“Con số hơn 150.000 suất cơm đó là thành quả có được từ sự ủng hộ, đóng góp về nhân lực và vật lực của những tấm lòng hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc”, anh Ngọc Tuấn chia sẻ.
Cũng theo anh Ngọc Tuấn, để có hơn 150.000 suất ăn là đánh đổi từ những đêm không ngủ, những ngày làm việc quần quật liên tục từ sáng sớm đến tận tối mịt của các thanh niên tình nguyện, tình nguyện viên. Dù cực nhọc nhưng mỗi khi cơm đến tay người dân là ai nấy cũng cảm thấy ấm lòng. Dẫu biết rằng vài suất ăn sẽ không thể nào thay đổi được một mảnh đời, nhưng chắc chắn sẽ làm ấm bụng cho những ai thực sự khó khăn và cần đến trong mùa dịch này.
Anh Tuấn cũng chia sẻ thêm: “Từ khi bếp ăn đi vào hoạt động đến nay, các thanh niên tình nguyện, tình nguyện viên đã làm việc liên tục, suốt ngày chỉ quây quần bên đống rau, thau thịt và bếp lửa. Mỗi người tự nhận làm một nhiệm vụ có thể, người gọt khoai, người thái thịt, người vác gạo, người nấu cơm... Tất cả chạy đua với thời gian để kịp giờ phát cơm cho người dân khó khăn mỗi ngày đang chờ. Từ những con người xa lạ, ấy vậy mà lại trở thành một đại gia đình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.