Lan tỏa trên mạng xã hội:

Bếp ăn nấu 5.000 suất cơm 0 đồng giúp mọi người

13/05/2023 10:10 GMT+7

Đều đặn thứ tư và chủ nhật hằng tuần, bếp ăn của các phật tử chùa Tường Nguyên lại nấu hàng ngàn suất cơm 0 đồng giúp người mưu sinh và bệnh nhân, người nhà điều trị tại bệnh viện.

Chùa Tường Nguyên (Q.4, TP.HCM) hiện có 2 bếp ăn 0 đồng: một bếp tại chùa nấu vào thứ tư, một bếp tại H.Nhà Bè nấu vào chủ nhật với khoảng 5.000 suất cơm/tuần.

Phật tử góp sức

 5 giờ sáng thứ tư hằng tuần, cô Tám (67 tuổi, ngụ Q.7) mặc chiếc áo vàng quen thuộc chạy xe đến bếp ăn. Với rất nhiều rau, củ, quả, nấm, đậu hũ để nấu các món chay, mỗi người chia nhau một việc, vừa làm vừa cười nói rôm rả. Cô Tám cùng nhiều phật tử tham gia nấu cơm tại đây đã gắn bó với công việc này 5 - 7 năm.

Bếp ăn nấu 5.000 suất cơm 0 đồng giúp mọi người - Ảnh 1.

Bếp ăn nấu 5.000 suất cơm 0 đồng giúp mọi người - Ảnh 2.

Bếp cơm của phật tử chùa Tường Nguyên nấu gần 5.000 suất cơm mỗi tuần

Diệu Mi

"Tôi đến bếp thường xuyên vì thấy nhiều người ở quê lên TP nằm viện gặp nhiều khó khăn, tiền viện phí, chi phí khác đều cao hơn ở quê nên tôi mong góp chút công sức giúp cho mọi người bữa cơm. Tuần nào cũng vậy, thường thì 5 giờ tôi đến đây, tuần nào nấu món đơn giản hơn, sơ chế nhanh thì có thể trễ hơn đôi chút", cô nói.

Tại bếp ăn ở H.Nhà Bè, anh Trần Văn Tuấn (31 tuổi) cũng là "gương mặt thân quen" vì đã có 8 năm gắn bó. Anh cho rằng, góp sức nấu cơm là việc không bắt buộc nhưng anh cảm thấy gắn kết, hạnh phúc nên tuần nào cũng đến. Để chuẩn bị cho buổi nấu chính vào sáng chủ nhật, từ thứ bảy, anh cùng khoảng 15 người khác đã có mặt để cùng nhau nhặt rau, gọt vỏ các loại củ và lau lá chuối để lót vào hộp xốp. 4 giờ 30 phút sáng chủ nhật, bếp đỏ lửa, đến 8 giờ thì mọi thứ hoàn thành.

Bếp ăn nấu 5.000 suất cơm 0 đồng giúp mọi người - Ảnh 3.

Sau khi nấu xong, nhiều thành viên của nhóm sẽ chia nhau đến phát trước các bệnh viện

Anh tâm sự: "Bếp ở đây nấu vào cuối tuần nên có cả các bạn sinh viên tham gia. Ngoài sơ chế rau củ, tôi cũng rửa chén, phát cơm ở bệnh viện. Tôi đã gặp rất nhiều hoàn cảnh khó khăn khác nhau, có thể 1 hộp cơm không nhiều nhưng với những người phải điều trị dài ngày thì đó là điều họ trân quý. Tôi cảm nhận được giá trị trong việc mình làm nên gắn bó với bếp đến bây giờ". Theo anh Tuấn, cuối tuần có người chọn đi cà phê, ăn uống hay nghỉ ngơi, giải trí; còn anh chọn đến bếp ăn 0 đồng như một thói quen. "Nhiều người đi từ TP.Thủ Đức, Q.11 đến bếp góp sức nấu cơm. Trong đó có những người gắn bó với bếp ăn lâu năm. Ai cũng làm nhanh tay, cẩn thận, chu đáo", anh nói.

Khó khăn vẫn duy trì bếp ăn 0 đồng

Đại đức Thích Minh Phú, Ủy viên Hội đồng Trị sự T.Ư Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Tường Nguyên cho biết bếp ăn 0 đồng của chùa ra đời 15 năm trước. Xuất phát điểm ban đầu là nấu ăn tiếp sức mùa thi cho các trường đại học. Từ năm 2011, chùa bắt đầu nấu cơm giúp người lang thang, cơ nhỡ, sau đó dần mở rộng ra là giúp tới bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Các món ăn ở bếp đều là món chay, riêng mùa dịch vì khó khăn trong đầu vào nguyên liệu nên bếp ăn buộc phải nấu món mặn. Rau, củ…, tất cả đều được sư thầy tìm mua hàng chất lượng, ngâm nước muối sau đó rửa sạch lại 2 - 3 lần với nước rồi mới bắt đầu chế biến.

Một năm trở lại đây, bếp được những nhà hảo tâm tại Đà Lạt tài trợ rau, củ mua trực tiếp tại vườn, chuyển xuống TP.HCM. Gạo nấu cơm cũng là loại có giá từ 17.000 đồng/kg trở lên. Mỗi hộp cơm chay đến tay người cần đều được lót lớp lá chuối ngăn cách với hộp xốp, có rau xào, món mặn và bịch nước tương. Các phần cơm sau đó được chuyển đến giúp bệnh nhân, người nhà ở các bệnh viện như: Trưng Vương, Nguyễn Trãi, Nhi đồng 1, 2…

Sư thầy Minh Phú chia sẻ: "Tôi muốn đổi hộp xốp lắm nhưng vì giá thành cao nên đành dùng tạm lá chuối để lót ngăn cách. Hai bếp có khoảng 60 phật tử nấu; trong đó, bếp ở chùa là các cô chú lớn tuổi, hàng xóm xung quanh, bếp ở Nhà Bè thì nhiều người trẻ hơn".

Bếp ăn nấu 5.000 suất cơm 0 đồng giúp mọi người - Ảnh 4.

15 năm duy trì bếp cơm 0 đồng, chùa Tường Nguyên cũng không ít lần đối diện khó khăn, nhưng bếp vẫn đỏ lửa từ tiền cúng dường của phật tử khắp nơi. "Có những người buôn gánh bán bưng, mỗi ngày kiếm 150.000 - 200.000 đồng, mà cơm trưa hết 30.000 đồng rồi. Nếu có cơm của mình, họ sẽ tiết kiệm được 30.000 đồng ấy chiều về mua bó rau hay 1 - 2 kg gạo cho cả gia đình. Do đó, dù khó khăn nhưng tôi vẫn duy trì bếp ăn, mọi người hay nói vui với nhau để tiếp thêm động lực là: mọi việc có Phật lo", đại đức Minh Phú bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.