(TNO) Trên thế giới hiện chỉ còn 3 nước không có quan hệ ngoại giao với Mỹ, trong đó có một nước hoàn toàn không tồn tại bất kỳ xung đột nào với Washington, đó là Bhutan.
Bhutan là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới - Ảnh: Reuters
|
Hôm 1.7, Mỹ và Cuba đã thông báo đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao lần đầu tiên kể từ năm 1961.
Sự kiện này khiến trên thế giới chỉ còn 3 nước không có quan hệ ngoại giao với Mỹ, theo The New York Times (Mỹ).
Trong số này có 2 nước không khó để đoán: Iran và Triều Tiên. Mỹ và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1980 sau khi sinh viên Iran vây Đại sứ quán Mỹ tại Tehran và bắt 52 người Mỹ làm con tin vào tháng 11.1979. Còn Mỹ và Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Nước thứ ba và cuối cùng, là một nơi Mỹ không đặt bất kỳ quan hệ ngoại giao nào trong khi hai bên không có xung đột nào trong suốt chiều dài lịch sử: Vương quốc Bhutan.
Bhutan là nước không giáp biển, nằm trong dãy Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Theo trang tin The Atlantic, kể từ lúc gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1971, Bhutan luôn giữ lập trường hạn chế vướng mắc quan hệ ngoại giao với các nước. Trên thế giới, chỉ hai nước Ấn Độ và Bangladesh có đại sứ quán tại thủ đô Thimphu của Bhutan.
Bất chấp đã chủ động rút lui khỏi mọi cuộc chơi chung toàn cầu, Bhutan vẫn dính vào những tranh chấp biên giới của mình. The Atlantic nói rằng Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền trên khoảng 10% lãnh thổ Bhutan.
Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc gặp ngày 11.1.2015 tại Ahmedabad (Ấn Độ) - Ảnh: Reuters
|
Trong thời gian gần đây, Bhutan tiếp tục giữ lập trường "nói không" với các nước, khi từ chối gia nhập dự án Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. The Atlantic dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng đây là thời điểm Mỹ cần tận dụng cơ hội nhảy vào đặt quan hệ với vương quốc này.
Mặc dù vậy, có vẻ Bhutan cũng không muốn qua lại với người Mỹ, bất chấp hồi tháng 1.2015, ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có buổi gặp gỡ "lịch sử" với Thủ tướng Bhutan, ông Tshering Tobgay, theo mô tả của India Times (Ấn Độ). Cuộc gặp gỡ diễn ra tại thành phố Ahmadabad của Ấn Độ là lần đầu tiên các quan chức Mỹ và Bhutan gặp nhau, tuy nhiên cuộc gặp này chỉ bàn về kinh tế, đầu tư, không đề cập đến việc đặt quan hệ ngoại giao, The Atlantic cho biết.
Bình luận (0)