Sáng 21.7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học.
Tại điểm cầu TP.HCM, ông Lò Quân Hiệp, Giám đốc BHXH TP.HCM, tham luận về việc triển khai cập nhật, bổ sung mã số định danh cá nhân và căn cước công dân của người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo ông Hiệp, BHXH TP.HCM tập trung 4 nhóm cụ thể, gồm: BHXH bắt buộc, BHYT hộ gia đình, trẻ em dưới 6 tuổi và nhóm học sinh - sinh viên. Tính đến ngày 19.7, BHXH TP.HCM đã đồng bộ số định danh cá nhân và căn cước công dân của hơn 7,1 triệu người (đạt 92% so với tổng số gần 7,8 triệu người tham gia).
Ngoài ra, đã đồng bộ căn cước công dân với hơn 6,9 triệu thẻ BHYT; có 379/393 cơ sở khám chữa bệnh đã sử dụng căn cước công dân; có hơn 4,3 triệu người sử dụng căn cước công dân trong khám chữa bệnh...
Tuy nhiên, ông Lò Quân Hiệp nhận định quy trình, thủ tục cập nhật số định danh cá nhân và căn cước công dân còn nhiều khó khăn, nhất là khâu thu thập các mẫu kê khai, bản photocopy căn cước công dân từ các đơn vị sử dụng lao động, các đơn vị quản lý người tham gia BHYT, các tổ chức dịch vụ thu, các trường tiểu học, THCS, THPT...
Mặt khác, dữ liệu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được xác thực, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do thiếu thông tin mã số định danh cá nhân hoặc nếu đã có định danh cá nhân thì rơi vào trường hợp chưa được nhập hộ khẩu, chưa liên thông với giấy khai sinh, hộ tịch. BHXH TP.HCM ghi nhận rất nhiều trường hợp bị lỗi "số định danh không tồn tại trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".
Ngoài ra, những đối tượng bảo trợ xã hội theo các quyết định của Sở LĐ-TB-XH như người tâm thần, người lang thang, cơ nhỡ… (còn khoảng 3.700 người) không có căn cước công dân, không có thông tin kê khai cơ sở dữ liệu về dân cư nên không có mã số định danh cá nhân để cấp mới mã số BHXH và thẻ BHYT.
BHXH TP.HCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ Tư pháp tiếp tục cập nhật số định danh cá nhân và căn cước công dân cho người dân, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi.
Đồng thời, kiến nghị BHXH Việt Nam hướng dẫn việc cấp mã số BHXH cho người tâm thần, người lang thang, cơ nhỡ trong quá trình chờ cơ quan công an, tư pháp xác minh, cấp mã định danh cá nhân.
BHXH TP.HCM cũng đề nghị Sở GD-ĐT phối hợp Công an TP.HCM rà soát lại dữ liệu định danh và căn cước công dân của học sinh, nhất là các trường hợp cập nhật bị lỗi xác thực.
BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu. Tính đến ngày 15.7.2023, hệ thống đã xác thực hơn 88,7 triệu thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu do BHXH Việt Nam quản lý (trong đó có hơn 80 triệu người đang tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 91% tổng số người tham gia).
9% còn lại chưa được xác thực đúng (tương đương với 7,5 triệu người tham gia), BHXH Việt Nam đề nghị giám đốc BHXH các tỉnh tăng cường đôn đốc, phối hợp công an địa phương thực hiện rà soát, cập nhật số định danh cá nhân, căn cước công dân của người tham gia BHXH, BHYT và xác thực, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bình luận (0)