Bầy UAV gồm nhiều loại từ lớn đến nhỏ đã bay cùng một tuyến đường trên khu vực quanh căn cứ không quân Langley tại bang Virginia trong 17 đêm liên tiếp hồi tháng 12 năm ngoái, theo tiết lộ của tờ The Wall Street Journal cuối tuần qua.
Trong nhiều đêm, các quân nhân báo cáo có sự xâm nhập trái phép của các bầy UAV bí ẩn vào không phận cấm, thường bắt đầu từ 45-60 phút sau hoàng hôn.
Những chiếc lớn hơn bay ở độ cao từ 3.000-4.000 feet (914-1.219 m) trong khi những chiếc nhỏ hơn bay thấp và chậm hơn, có khi chỉ bay ở độ cao chỉ 30 m.
Nhiều căn cứ bị rình rập
Chuyên san The War Zone hồi tháng 3 đưa tin đầu tiên về vụ việc này. Chuyên san dẫn lời một người phát ngôn căn cứ không quân Langley cho biết phát hiện các hoạt động của UAV lần đầu vào tối 6.12.2023 và tiếp tục trong nhiều ngày sau đó. "Không có vụ xâm nhập nào có vẻ thể hiện ý định thù địch nhưng bất kỳ thứ gì bay vào không phận cấm của chúng tôi đều có thể đặt ra mối đe dọa cho an toàn bay", người phát ngôn nói. Vì lý do an ninh, vị này không tiết lộ sự ảnh hưởng và biện pháp đối phó của căn cứ nhưng tuyên bố tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên hữu quan để đảm bảo an toàn cho căn cứ.
Căn cứ Langley, nơi đóng quân của phi đội tiêm kích F-22 tối tân, có đủ loại năng lực phòng thủ nhưng vẫn không thể tóm được các UAV, theo tướng 4 sao Mark Kelly, khi đó là tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến trên không và là người đứng đầu Căn cứ hỗn hợp Langley-Eustis, bao gồm căn cứ không quân Langley và căn cứ Eustis.
Sau khi bay qua căn cứ Langley, bầy UAV tiến qua vịnh Chesapeake ở phía nam, hướng tới Norfolk (bang Virginia), khu vực có căn cứ của đội biệt kích hải quân SEAL Team 6 và căn cứ hải quân Norfolk, quân cảng lớn nhất thế giới với nhiều loại tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay.
Hải quân Mỹ phải thay đổi để chống lại vũ khí ‘tốt nhất của Iran’ ở biển Đỏ
Các quan chức không biết được bầy UAV là của những người đam mê điều khiển UAV dân sự hay của các nước đối địch sử dụng để thử phản ứng của Mỹ. Trong 2 đêm 6-7.12.2023, cảnh sát tuần tra khu vực đã phát hiện và cố gắng đuổi theo bầy UAV nhưng không thể.
Luật liên bang cấm quân đội bắn hạ UAV gần các căn cứ quân sự tại Mỹ trừ khi chúng được xem là mối đe dọa ngay tức thì. Việc bay ngang qua là không đủ để triển khai biện pháp ngăn chặn dù một số nghị sĩ đang vận động để quân đội có nhiều thẩm quyền hơn.
Những báo cáo về các UAV được đưa đến Nhà Trắng và khởi đầu 2 tuần họp bàn. Các quan chức Bộ Quốc phòng, Cục Điều tra liên bang (FBI) và văn phòng phụ trách điều tra vật thể bay chưa xác định (UFO) của Lầu Năm Góc cùng các chuyên gia bên ngoài tham gia điều tra nguồn gốc và cách đối phó với bầy UAV.
Tướng Glen VanHerck, thời điểm đó là tư lệnh Bộ Chỉ huy Bắc Mỹ và Bộ Chỉ huy phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD), cho biết các UAV đã được phát hiện bay quanh những cơ sở quân sự trong nhiều năm nhưng bầy UAV bay qua căn cứ Langley vào ban đêm không giống với những vụ từng thấy.
Vị tư lệnh ra lệnh cho các chiến đấu cơ và máy bay khác bay đủ gần để tìm kiếm manh mối về các UAV. Ông khuyến nghị Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cho phép sử dụng các công cụ nghe lén điện tử và gián điệp để thu thập thêm thông tin dù Lầu Năm Góc bị cho là không có thẩm quyền dùng công cụ đó trên lãnh thổ Mỹ. "Nếu có các vật thể lạ trong khu vực Bắc Mỹ, chúng ta cần ra ngoài đó và nhận diện chúng", ông VanHerck nói.
Một quan chức đề xuất sử dụng tín hiệu điện tử để gây nhiễu hệ thống dẫn đường của các UAV nhưng ý tưởng bị bác bỏ bởi nguy cơ làm gián đoạn mạng Wi-Fi và các hệ thống ứng phó khẩn cấp địa phương như của lực lượng cứu thương, cảnh sát, cứu hỏa. Một quan chức khác muốn sử dụng các vũ khí năng lượng trực tiếp như laser để bắn hạ các UAV nhưng một quan chức Cục Hàng không liên bang (FAA) cho rằng vũ khí này cũng đi kèm nguy cơ cao đối với các máy bay thương mại đang bay qua khu vực, thời điểm đó đang là mùa cao điểm đi lại trong dịp lễ. Quan chức thứ ba gợi ý Tuần duyên Mỹ phóng lưới để bắt các UAV dù thừa nhận lực lượng an ninh có khả năng không đủ thẩm quyền để sử dụng công cụ như vậy.
Nhớ lại sự kiện đó, ông Kelly, hiện đã về hưu, cho biết Lầu Năm Góc đã bị bối rối trong việc ứng phó. "Mỹ sẽ làm gì nếu chuyện này xảy ra tại National Mall?", vị tướng 4 sao tự hỏi, nhắc đến công viên cảnh quan tại Washington D.C giáp với tòa nhà quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.
Quân đội "bó tay" với bầy UAV
Trong khi đó, việc lần ra vị trí chính xác của các bầy UAV có tốc độ cao này cũng rất khó khăn. Các quan chức tại Langley đã nhờ Hải quân Mỹ và Tuần duyên giúp đỡ nhưng các UAV nhỏ hơn nhiều so với máy bay quân sự và không thường xuất hiện trên màn hình radar, vốn được thiết lập để bỏ qua các vật thể có kích thước tương tự chim.
Các nhà phân tích cho hay một số chiếc quadcopter (máy bay có 4 cánh quạt dạng trực thăng) không sử dụng tần số có sẵn cho hầu hết những loại UAV thương mại hiện có, cho thấy chúng không phải do những người chơi UAV dân sự điều khiển.
Giới chức tại căn cứ buộc phải hủy những buổi huấn luyện ban đêm vì lo ngại có va chạm với bầy UAV. Các chiến đấu cơ F-22 được chuyển đến căn cứ khác. Ngày 23.12.2023 là lần xuất hiện cuối cùng của những chiếc UAV.
Những mẫu phát triển UAV kỳ lạ trong cuộc xung đột Ukraine
Vào tháng 1, các nhà điều tra tìm thấy một manh mối khi một sinh viên Trung Quốc bị bắt tại Mỹ với cáo buộc chụp ảnh trái phép các cơ sở hải quân tuyệt mật. Sinh viên tên Fengyun Shi tại Đại học Minnesota đã bị phát hiện điều khiển UAV bên ngoài xưởng đóng tàu của HII, công ty chế tạo các tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay hạt nhân thế hệ mới nhất của Hải quân Mỹ, tàu sân bay lớp Ford.
Sau đó, người này đến California và tiếp tục điều khiển UAV nhưng bị rơi và cuối cùng bị các nhà điều tra liên bang phát hiện. Qua kiểm tra UAV của sinh viên này, các nhà điều tra phát hiện những bức ảnh tàu chiến trong một ụ khô được chụp vào lúc nửa đêm. Nhiều tàu đang trong quá trình được đóng. Shi bị bắt khi đang chuẩn bị bay về nước bằng vé một chiều. Luật sư của sinh viên này bác bỏ cáo buộc và nói "nếu là điệp viên nước ngoài, anh ấy là điệp viên tệ nhất từng được biết". Cuối cùng, sinh viên 26 tuổi nhận tội chụp ảnh trái phép cơ sở mật và xuất hiện trước tòa vào đầu tháng này để lãnh bản án 6 tháng tù.
Đến nay, các quan chức Mỹ chưa xác định ai đứng sau bầy UAV tại Langley. Chúng xuất hiện chỉ 2 tháng sau khi một bầy UAV được phát hiện tại Khu an ninh hạt nhân Nevada, một cơ sở của Bộ Năng lượng Mỹ phục vụ việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Bốn UAV được phát hiện trong vòng 3 ngày và các nhân viên của cơ sở sau đó phát hiện chiếc thứ 5. Các quan chức Mỹ nói không biết ai điều khiển những UAV tại Nevada và nhằm mục đích gì. Một người phát ngôn cho hay cơ sở này sau đó đã nâng cấp hệ thống phát hiện và đối phó UAV.
Vụ việc tại Langley cũng xảy ra sau khi một khinh khí cầu của Trung Quốc mang theo các thiết bị điện tử bay qua khu vực Bắc Mỹ trong nhiều ngày. Quân đội Mỹ điều động một chiến đấu cơ F-22 từ căn cứ Langley bắn hạ quả khinh khí cầu bằng tên lửa khi nó đi vào vùng dự kiến nhằm hạn chế làm rơi mảnh vỡ xuống gây ảnh hưởng sự an toàn bên dưới.
Quả khinh khí cầu đã bay qua căn cứ không quân Malmstrom ở bang Montana, nơi các vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện diện. Washington cho rằng đây là khinh khí cầu do thám quân sự, có các thiết bị cảm biến chuyên dụng và hệ thống thu phát dữ liệu trong khi Trung Quốc nói đó là công cụ theo dõi thời tiết. Trong 8 ngày bay qua Canada, và nhiều tiểu bang Mỹ, quả khinh khí cầu đã thu thập dữ liệu nhưng không truyền về Trung Quốc, theo lời các quan chức nói với tờ The Wall Street Journal. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Trong tháng này, các quan chức Mỹ xác nhận thêm các bầy UAV bí ẩn khác đã được phát hiện trong vài tháng gần đây gần căn cứ không quân Edwards ở phía bắc Los Angeles (bang California).
Bình luận (0)