Bí ẩn chiến đấu cơ tàng hình của Bắc Kinh

08/05/2020 09:23 GMT+7

Trung Quốc đang chạy đua hoàn thiện 3 dòng chiến đấu cơ tàng hình nhằm phục vụ các tham vọng quân sự, nhưng khả năng thực chiến của các loại chiến đấu cơ này đến nay vẫn chưa rõ ràng.

Ngày 4.5, tờ South China Morning Post dẫn nguồn tin quân sự từ Trung Quốc cho hay nước này dự kiến sẽ chính thức giới thiệu máy bay ném bom H-20 trong năm nay. Đây là mẫu máy bay tàng hình thứ 3 mà nước này phát triển sau 2 dòng máy bay tiêm kích J-20 và J-31.

Mưu đồ bao phủ phía tây Thái Bình Dương

Theo giới phân tích, H-20 không chỉ đóng vai trò đáp ứng đầy đủ hệ thống máy bay chiến đấu tàng hình cho Trung Quốc, mà với khả năng mang theo bom hạt nhân cùng tầm hoạt động xa thì còn giúp nước này mở rộng khả năng tấn công hạt nhân ra khỏi chuỗi đảo thứ 3 (theo học thuyết Chuỗi đảo trên Thái Bình Dương) kéo dài từ khu vực Hawaii đến vùng biển ngoài khơi Úc. Điều này đồng nghĩa với việc Bắc Kinh muốn vươn tới các khu vực có cơ sở quân sự của Mỹ ở toàn bộ phía tây Thái Bình Dương.
Trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) phân tích: “Kể từ sau Chiến tranh vùng Vịnh hồi năm 1991, Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào máy bay tàng hình cũng như các phương tiện chiến tranh công nghệ cao khác. Bởi sau cuộc chiến trên, Bắc Kinh nhận thấy rõ ưu thế quân sự từ Washington. Bắc Kinh định hình được rằng chiến tranh trong tương lai nếu có giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là cuộc chiến tranh công nghệ cao, bao gồm công nghệ tàng hình và nhiều công nghệ khác”.
Thực tế, thời gian qua, Bắc Kinh còn phát triển cả các dòng máy bay tiêm kích tàng hình là J-20 và J-31. Vào năm 2018, máy bay J-20 được cho là đã có mặt ở vùng Tây Tạng và thường xuyên tiến hành tập trận. Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét sự xuất hiện của J-20 ở Tây Tạng có thể hàm chứa thông điệp đe dọa một số nước trong khu vực, mà đầu tiên phải kể đến là Ấn Độ.
Bí ẩn chiến đấu cơ tàng hình của Bắc Kinh1

Chiến đấu cơ J-20 trong một lần xuất hiện ở triển lãm tại Chu Hải (Trung Quốc)

ẢNH: SCMP

Nói thêm về chương trình phát triển không quân của Trung Quốc, TS Nagao chỉ ra rằng nếu năm 2000, nước này chỉ có khoảng hơn 100 chiến đấu cơ thì đến năm 2018 đã là 1.112 chiếc. Bắc Kinh cũng không che giấu mưu đồ đưa chiến đấu cơ trở thành phương tiện nòng cốt để răn đe một số nước xung quanh, nhằm phục vụ những tham vọng như mở rộng chủ quyền trên Biển Đông, biển Hoa Đông…
Trong khi đó, J-31 vẫn còn trong quá trình hoàn thiện. Hồi tháng 3, khi bình luận về loại tàu đổ bộ tấn công Type-075 mà Trung Quốc vừa đưa vào biên chế chiếc thứ 2, tờ Hoàn Cầu thời báo úp mở chuyện nước này có thể phát triển phiên bản cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng của J-31 để biến tàu Type-075 hoạt động như tàu sân bay. Từ đó, Bắc Kinh có thể tăng cường sức mạnh quân sự để đạt mưu đồ thôn tính Biển Đông, Đài Loan…

Thiếu thực chiến

Trả lời Thanh Niên, TS James Holmes, chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ, giải thích về cơ bản thì máy bay chiến đấu tàng hình là loại chiến đấu cơ có thiết kế và lớp sơn cùng nhiều kết cấu đặc dụng, để có thể “vô hình” trên radar đối phương. Tuy nhiên, thực tế thì không có loại chiến đấu cơ nào hoàn toàn “vô hình” trên radar, bởi vẫn có thể bị truy dấu vì một số tín hiệu nhiệt. Cho nên, để nâng cao khả năng tàng hình thì cần trải qua quá trình sử dụng, song hành là khắc phục các điểm chưa hoàn hảo.
Bí ẩn chiến đấu cơ tàng hình của Bắc Kinh2

Chiến đấu cơ J-31 trong một lần bay thử

ẢNH: SCMP

“Đến nay thì năng lực thực sự của các chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc vẫn là “hộp đen” đối với thế giới. Các nước khác chưa có thông tin đầy đủ cũng như cơ hội tiếp cận để đánh giá. Vì vậy, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là Trung Quốc liệu có đạt được bước nhảy vọt về phát triển công nghệ để sở hữu những máy bay chiến đấu tàng hình ngang tầm với Mỹ? Tôi nghĩ là không”, TS Holmes nhận định và chỉ ra: “Ngay cả khi đánh cắp các dữ liệu thiết kế của các dòng chiến đấu cơ F-22 hay F-35 thì còn cần những chuyên môn, kinh nghiệm của con người. Chính vì thế, dù Bắc Kinh đạt được một bước tiến đáng kể thì vẫn còn cần thêm thời gian”.
TS Nagao thì chỉ ra rằng: “Tại Tây Tạng, máy bay Su-30 MK2 của Ấn Độ - tương tự loại Việt Nam đang sở hữu - đã phát hiện được J-20”. Theo đó, công nghệ tàng hình của chiến đấu cơ Trung Quốc có lẽ còn nhiều giới hạn. Thêm vào đó, vẫn chưa rõ các loại radar và cảm biến cùng thiết bị điện tử mà J-20 mang theo.
“Công nghệ tàng hình của máy bay chiến đấu Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, chưa thực chiến”, TS Nagao nói và trích dẫn lại một số nguồn tin lâu nay cho rằng công nghệ máy bay tàng hình của Bắc Kinh có nguồn gốc dựa trên thông tin thu thập từ mẫu máy bay tàng hình F-117 của Mỹ bị bắn rơi ở Serbia năm 1999.
Tương tự, PGS Stephen Robert Nagy cũng đánh giá: “Công nghệ tàng hình cũng như khả năng ứng dụng thực chiến công nghệ này trên máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn chưa được kiểm chứng. Trong khi đó, qua những gì thể hiện mà bên ngoài thấy được, hầu hết giới chuyên gia đều nhận định phần lớn công nghệ máy bay chiến đấu tàng hình của Trung Quốc đều đánh cắp từ Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại thiếu kinh nghiệm sử dụng, kinh nghiệm tác chiến thực tế để hiệu chỉnh, xử lý các lỗi phát sinh”.
Bên cạnh đó, PGS Nagy nhận định thêm: “Dù Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến về công nghệ nhưng vẫn chưa giải quyết được những nhược điểm phi công nghệ mà vốn không thể khắc phục bằng công nghệ. Đó là sự thiếu vắng các đồng minh và đối tác hữu hiệu ở khu vực tây Thái Bình Dương để hình thành một mạng lưới hỗ trợ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể bị Mỹ cùng các đồng minh cắt đứt kết nối ở những tuyến hàng hải quan trọng như biển Hoa Đông, Biển Đông và eo biển Malacca. Khi bị cắt đứt kết nối tại những khu vực này thì dù có sở hữu máy bay tàng hình cũng không thể khắc phục tình hình”.
Từ những phân tích trên, thì năng lực thực tế của các dòng máy bay chiến đấu tàng hình mà Trung Quốc phát triển vẫn là một ẩn số.
3 dòng chiến đấu cơ tàng hình của Bắc Kinh
J-20 Là dòng chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc có kiểu dáng khá giống dòng F-22 của Mỹ. Được giới thiệu chính thức vào năm 2017, J-20 có tốc độ Mach 2 (khoảng 2.500 km/giờ), tầm tác chiến 2.000 km. Dòng máy bay này có thể mang theo một số loại tên lửa đối không và bom tấn công mặt đất.
J-31 Nếu J-20 trông khá giống F-22, thì J-31 lại có thiết kế hao hao F-35 của Mỹ. Tầm tác chiến khoảng 1.250 km với vận tốc tối đa khoảng 2.200 km/giờ, J-31 ngoài tên lửa đối không thì có thể mang theo tên lửa tấn công mặt đất, bom.
H-20 Đây là dòng máy bay ném bom tàng hình có tốc độ cận âm - khoảng 1.000 km/giờ, và tầm tác chiến được cho là có thể lên đến 5.000 km hoặc hơn. Số lượng bom mà dòng máy bay này mang theo từ 10 - 20 tấn. (Các thông số của loại máy bay này chỉ là giới chuyên gia dự đoán, chưa được công bố chính thức).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.