Có rất nhiều giả thuyết về sự biến mất của chuyến bay, từ một vụ không tặc đến mất oxy trong cabin cho đến việc phi công bất cẩn - nhưng không có bằng chứng nào về bất kỳ lỗi kỹ thuật, cuộc gọi cấp cứu hay yêu cầu tiền chuộc xuất hiện trong những năm kể từ khi MH370 biến mất.
Các nhà khoa học vẫn chưa bỏ cuộc. Một thập kỷ trôi qua, một số chuyên gia tin rằng nghiên cứu của họ có thể làm sáng tỏ bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không và có khả năng tiết lộ nơi an nghỉ cuối cùng của MH370.
Malaysia ‘bật đèn xanh’ cho kế hoạch tìm kiếm máy bay MH370
Tiến sĩ Usama Kadri, nhà toán học tại Đại học Cardiff, Anh, cho biết một lý do khiến cuộc tìm kiếm rộng rãi như vậy không tìm ra manh mối là vì không ai biết chính xác nơi để tìm kiếm MH370, theo Science Focus.
Các cuộc điều tra chính thức cho thấy MH370 đã đi chệch khỏi lộ trình dự định đến Bắc Kinh, thay vào đó đi về hướng tây nam qua Ấn Độ Dương. Một phép đo được gọi là bù thời gian liên tục (BTO) đã giúp các chuyên gia ước tính các vị trí có thể có cho điểm đến cuối cùng của máy bay.
Dấu hiệu âm thanh
Việc thu hẹp không gian tìm kiếm sẽ tăng cơ hội tìm thấy mảnh vỡ. Kadri tin rằng micro dưới nước, được gọi là hydrophone, có thể giúp cung cấp manh mối về nơi các đội tìm kiếm nên tập trung nỗ lực.
Ông đã phân tích hơn 100 giờ dữ liệu từ các trạm thủy âm của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO), tìm kiếm dấu hiệu của các vụ tai nạn máy bay lịch sử và một vụ mất tích của tàu ngầm.
Kadri giải thích: Một chiếc máy bay nặng 220 tấn rơi ở tốc độ 720km/giờ sẽ giải phóng động năng tương đương với động năng của một trận động đất nhỏ. Hydrophone rất nhạy nên rất khó có khả năng một tác động ở cường độ này sẽ không để lại dấu hiệu áp suất có thể phát hiện được.
Điều tra tiếng nổ
Lý thuyết của Kadri là các chuyên gia có thể tiến hành các thí nghiệm nổ có kiểm soát dọc theo vòng cung thứ bảy - khu vực được cho là nơi MH370 đã rơi xuống.
"Ý tưởng cơ bản là chúng tôi giải phóng cùng một lượng năng lượng mà chúng tôi tin rằng đã được MH370 giải phóng", ông nói.
Mạng WSPR
Tại Đại học Liverpool, Simon Maskell, giáo sư về hệ thống tự hành, đang xem xét một loại tín hiệu khác có thể cho chúng ta tìm ra manh mối về vị trí của máy bay.
Maskell và nhóm của ông đang phân tích dữ liệu từ một công nghệ có tên là Trình báo cáo truyền tín hiệu yếu (WSPR). Mạng WSPR được thành lập vào năm 2008 và bao gồm các nhà khai thác vô tuyến nghiệp dư gửi tín hiệu kiểm tra công suất thấp đến máy thu cách xa tới 10.000km.
Maskell đang thực hiện công việc này với Richard Godfrey, một kỹ sư hàng không vũ trụ đã nghỉ hưu. Godfrey tin rằng MH370 có thể đã tạo ra sự bất thường trong dữ liệu WSPR sau khi nó bị mất tích.
Lý thuyết của ông là một chiếc máy bay đi qua giữa máy phát và máy thu sẽ làm tăng tốc độ phát hiện nhiễu loạn. Sau đó, các chuyên gia có thể sử dụng những điểm bất thường đó để tinh chỉnh khu vực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Giải pháp tự nhiên
Các nhà nghiên cứu khác đang đặt hy vọng vào loài giáp xác biển nhỏ. Mặc dù chưa tìm thấy mảnh vỡ chính của MH370, nhưng một mảnh vỡ lớn gọi là flaperon đã dạt vào bãi biển ở Saint-Denis trên đảo Réunion vào cuối tháng 7 năm 2015 và được xác nhận thuộc về MH370.
Gregory Herbert, nhà địa chất học tại Đại học Nam Florida cho biết, hà phát triển vỏ hàng ngày, tạo ra các lớp bên trong trông hơi giống các vòng thân cây. Tính chất hóa học của mỗi lớp được xác định bởi nhiệt độ của nước xung quanh tại thời điểm lớp đó được hình thành.
Do nhiệt độ đại dương ở khu vực được cho là MH370 đã biến mất có thể thay đổi nhanh chóng nên việc xác định nhiệt độ được ghi lại trong vỏ của những con hà lớn nhất trên mảnh vỡ của MH370 có thể giúp các đội tìm kiếm đến đúng vị trí.
Tìm kiếm lại tiếp tục
Ocean Infinity, công ty robot hàng hải có trụ sở tại Texas, đã công bố ý định khởi động lại việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Công ty trước đó đã phát động một cuộc săn lùng độc lập chiếc máy bay này sau khi cuộc săn lùng chính thức bị hủy bỏ vào năm 2017, nhưng đã từ bỏ một năm sau đó.
Giám đốc điều hành Oliver Plunkett cho biết, công ty đã dành vài năm qua để tập trung phát triển công nghệ robot tiên tiến nhằm nâng cao khả năng tìm kiếm trên đại dương. Họ đã đệ trình đề xuất lên chính phủ Malaysia để tiếp tục tìm kiếm trên cơ sở không tìm thấy, không tính phí.
Từ năm 2025, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế sẽ yêu cầu các máy bay phải mang theo thiết bị phát sóng vị trí mỗi phút nếu gặp sự cố. Nhưng việc tìm hiểu điều gì thực sự đã xảy ra với MH370 có thể dẫn đến những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Thậm chí 10 năm sau, điều kiện sâu, tối, lạnh lẽo của đại dương là lý tưởng để bảo quản bằng chứng, vì vậy có khả năng mảnh vỡ sẽ có nhiều điều để cho chúng ta biết khi nó được phát hiện.
Bình luận (0)