"NỬA CƯỜI NỬA GIẬN"
Lúc đó đồng hồ mới chỉ hơn 9 giờ sáng, khi đoàn khách Việt Nam tham quan đang đứng trước Bảo tàng di chỉ Tam Tinh Đôi.
Di chỉ khảo cổ học Tam Tinh Đôi nằm ở thị trấn Tam Tinh Đôi, thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Những thông tin ngắn gọn mà Văn phòng Ngoại sự tỉnh Tứ Xuyên cung cấp hé lộ một số "cái nhất" của di chỉ niên đại 4.500 - 2.800 năm trước Công nguyên này: phân bố rộng nhất, giàu nội hàm văn hóa nhất… Một ngày đầu xuân năm 1929, một nông dân ra đồng tình cờ phát hiện đống đồ ngọc tinh xảo đẹp mắt, để rồi từ đấy nền văn minh Tam Tinh Đôi của nước Thục cổ được đánh thức. Nhưng phải chờ thêm gần 60 năm nữa, khi có hơn 1.000 cổ vật quý hiếm được phát lộ, thế giới cổ vật mới thật sự rúng động trước những hiện vật tinh xảo và thần bí.
"Đây là chiếc mặt nạ đồng lớn nhất, nên… không thể đeo vào mặt. Chiếc mặt nạ cỡ trung này có thể đeo khi tế lễ", nữ hướng dẫn viên bảo tàng dẫn khách ngang qua khu trưng bày mặt nạ. Có chút ma mị khi đứng giữa không gian với những mặt nạ đồng được "xếp" dọc thành từng hàng. Các nhà nghiên cứu nhận ra mặt nạ Tam Tinh Đôi miêu tả một khuôn mặt khác hoàn toàn với người đương đại. Mắt to, mồm bẹp và rộng, lông mày rậm, thậm chí không có cằm. Khuôn mặt "nửa cười nửa giận", không cảm xúc đó đang biểu thị cho cái gì, miêu tả ai và dùng để làm gì… vẫn chưa có lời giải đáp rốt ráo.
Lê Mi Bình, nữ du khách đến từ TP.Đà Nẵng, ban đầu bị thu hút bởi 3 mặt nạ bằng vàng bởi sự tinh xảo và quý hiếm. Nhưng rồi sự kỳ dị của các mặt nạ đồng đã "đeo bám" lấy chị. "Không có nét giống khuôn mặt người. Nghi vấn của số đông cũng cho rằng đây là hình dạng của người ngoài hành tinh", chị nói.
Những nguồn tư liệu mà chị Lê Mi Bình tiếp cận cũng dẫn dắt đến suy đoán về một nền văn minh bí ẩn chưa từng được ghi lại trong sử sách. Nhiều chuyên gia bối rối trước những chiếc mặt nạ đồng, nhất là chiếc mặt nạ lớn nhất khai quật năm 1986 rất dị dạng: rộng 138 cm, cao 66 cm, 2 hình trụ "cắm" vào đôi mắt nhô ra 16 cm. Những ghi chép về Cancong, tức Tàm Tùng, vị vua đầu tiên của nước Thục cổ đại, chỉ giúp "giải tỏa" một phần nào. Theo truyền thuyết, vị vua thần thoại này có công dạy dân trồng lúa, có thị lực đặc biệt. Vì thế, các chuyên gia suy đoán mặt nạ đồng lớn nhất này có lẽ mô phỏng theo Tàm Tùng để ca ngợi.
Không để lại ghi chép nào trong sách cổ Trung Quốc, nền văn minh Tam Tinh Đôi cứ như "từ trên trời rơi xuống và đột nhiên biến mất không dấu vết", thậm chí còn mang những điểm tương đồng đáng kinh ngạc với các nền văn minh Ai Cập, Maya cổ đại. Mãi đến nay, dữ liệu về công nghệ và nhất là nhân diện thể hiện trên mặt nạ vẫn đang lơ lửng một câu hỏi lớn: Là nụ cười hay một biểu thị nào khác?
TỒN NGHI "MẶT NẠ NGHI LỄ"
Có một dấu chấm hỏi khác cũng đang "gửi lại" nơi bức tượng Bồ tát Tara, bảo vật quốc gia xếp ở vị trí 19 trong danh mục 237 bảo vật quốc gia do Cục Di sản văn hóa Việt Nam công bố, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tượng đồng Bồ tát Tara lưu giữ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
ẢNH: LÊ TRÍ CÔNG
"Lược sử" bảo vật này khá thú vị. Năm 1978, tượng được người dân tình cờ phát hiện ở khu vực Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam); năm 1979, được công bố lần đầu trên tạp chí Khảo cổ học. Năm 1981, được đưa về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ trong tình trạng bị bẻ mất 2 pháp khí cầm tay gồm đóa hoa sen và con ốc. Các năm 1984 và 2005, nhà nghiên cứu Jean Boisselier định danh là Tara, nhà nghiên cứu Trian Nguyen định danh là Laksmindra-Lokesvara.
Năm 2019, chính quyền địa phương bàn giao 2 pháp khí cho Bảo tàng Quảng Nam. Năm 2023 hoàn nguyên 2 pháp khí cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng…
Những nghiên cứu trước đó và miêu tả chính thức trong hồ sơ di sản đều thống nhất về pho tượng có mặt rộng, cằm ngắn, trán hẹp và dẹt, đôi lông mày rậm giao nhau, miệng rộng, môi dày và có vành môi sắc nét, tóc được tết thành nhiều tết nhỏ búi ngược và chia làm hai tầng. Bức tượng niên đại thế kỷ 9 này xứng danh là hiện vật tiêu biểu cho phong cách Đồng Dương - phong cách nghệ thuật quan trọng của điêu khắc Champa cổ và đặc trưng cho việc thờ Bồ tát tại phật viện lớn nhất của vương quốc Champa…
Một số nghiên cứu mang tính trao đổi sau này của PGS-TS Ngô Văn Doanh (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), nhà nghiên cứu Trần Kỳ Trung… cũng chỉ tập trung đề cập danh hiệu của Bồ tát. "Thoáng" nghi vấn được đặt ra khi bàn về sự khác lạ trong diện mạo và đường nét trên khuôn mặt Bồ tát Tara. "Tara Đồng Dương mang mặt nạ nghi lễ?", kiến trúc sư Lê Trí Công, một nhà nghiên cứu Chăm ở Đà Nẵng, đặt câu hỏi.
Đã nảy sinh thắc mắc từ trước, đến khi có cơ hội tiếp xúc trực tiếp bảo vật nhân sự kiện hoàn nguyên 2 bảo khí về Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, ông Lê Trí Công càng nghi vấn. Theo ông, các tác phẩm điêu khắc của Champa thường thể hiện nữ thần cũng như Bồ tát luôn mềm mại, đúng nhân chủng học và nhân trắc học. Riêng với tượng Tara Đồng Dương, phần từ cổ trở xuống thể hiện cơ thể nữ tính căng tròn, mềm mại giống người thật…; nhưng phần đầu được cách điệu, góc cạnh, kịch tính: trán vuông cao, mũi cao, hơi khoằm, cánh mũi to khác thường, đầu mũi nhọn hoắt, mắt mở to nhìn thẳng (thậm chí là trừng trừng), có viền ở cổ…
Tham khảo các điêu khắc Tara đồng đại, ông Lê Trí Công cho rằng Tara Đồng Dương thể hiện gương mặt khác thường. "Từ các yếu tố trên, chúng tôi nhận định Tara Đồng Dương mang mặt nạ nghi lễ, có tính răn đe trong nghi lễ của Mật giáo", ông nêu ý kiến. Ngay trên cùng một bức tượng nhưng có sự đối chọi: phần thân dưới (từ cổ trở xuống) mềm mại, phần trên góc cạnh. "Cũng thật khó đưa ra kết luận, nhưng qua so sánh tôi có chút nghi ngờ", ông Công nói.
Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam, ghi nhận yếu tố trực giác của kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Lê Trí Công. Nhưng dưới góc độ của tiếu tượng học (iconography), ông Tịnh lại cho rằng đặt nghi vấn về mặt nạ trong phong cách Đồng Dương có chỗ chưa hợp lý. Bởi với phong cách Đồng Dương, khuôn mặt tượng luôn có nét dữ tợn…
Đã hơn nghìn năm trôi qua và có lẽ cần thêm thời gian để hậu thế "giải mã" thông điệp mà người xưa gửi lại.
Bình luận (0)