Bí ẩn kinh thành Sư tử: 'Thớt vú' biến mất kỳ lạ

26/08/2017 07:32 GMT+7

Sự biến mất của thớt đá hình vú đặt ở phần giữa của đài thờ Trà Kiệu (trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) đến nay vẫn là một ẩn số.

Tấm ảnh cũ “lên tiếng”
Đài thờ Trà Kiệu (ký hiệu 22.2) là 1 trong 3 hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012. Không những trở thành hiện vật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong phòng trưng bày Trà Kiệu của bảo tàng này, đài thờ Trà Kiệu còn có một “số phận” bí ẩn. Đó chính là câu chuyện biến mất của thớt đá hình vú xảy ra trong giai đoạn từ năm 1936 - 1971. Sự việc này đã tốn không ít giấy mực nhằm lý giải nguyên nhân từ giới có chuyên môn. Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, cho biết theo một tấm ảnh chụp vào năm 1931, đài thờ này có một thớt tròn trang trí chuỗi hình vú (gọi là thớt hình vú) nằm giữa 2 bệ tròn chạm hình hoa sen. Nhưng đài thờ Trà Kiệu 22.2 (như đang trưng bày hiện nay) lại không còn cái thớt hình vú nữa.

tin liên quan

Bí ẩn kinh thành Sư tử: Hai bức vẽ về thành cổ
Bộ sưu tập hiện vật suốt 14 năm quản xứ Trà Kiệu của linh mục Nguyễn Trường Thăng đã góp thêm tài liệu quý về kinh thành cổ. Ngạc nhiên hơn, bức phác thảo về thành cổ của ông có nhiều nét tương đồng kỳ lạ với bức vẽ từ đầu thế kỷ 20 của nhà khảo cổ người Pháp.
Trong bài viết Sự biến mất thớt hình vú của đài thờ Trà Kiệu hay sự nhầm lẫn của J.Y.Claeys? đăng trên tạp chí Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng số 26 (năm 2012), ông Võ Văn Thắng cho biết trong hai năm 1927 - 1928, Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tiến hành khai quật khảo cổ quy mô lớn tại Trà Kiệu, do J.Y.Claeys chủ trì. Kết quả khai quật đã mang về cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm một số lượng hiện vật đáng kể, trong số này có 3 mảnh vỡ có trang trí hình vú được Claeys ghép vào đài thờ Trà Kiệu. “Chúng ta biết được điều này qua bản báo cáo của Claeys có kèm hình ảnh in trên mục Chronique trong B.E.F.E.O. (tập 26). Ngoài ra, chúng ta cũng nhìn thấy các tấm ảnh chụp đài thờ với thớt hình vú này trong bối cảnh đang thi công mở rộng bảo tàng vào năm 1935 - 1936”, ông Thắng viết.
Bí ẩn kinh thành sư tử: 'Thớt vú' biến mất kỳ lạ1
Bức ảnh đài thờ Trà Kiệu trước năm 1936 vẫn còn thớt hình vú Ảnh: Tư liệu
Vào năm 1936, bảo tàng mở rộng nên các hiện vật được sắp xếp lại theo từng nhóm và đài thờ Trà Kiệu được chuyển vào trưng bày trong nhà. Theo ông Thắng, thông qua những bức ảnh chụp lúc đang thi công trưng bày thì thớt hình vú vẫn có mặt tại đài thờ. “Đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy tấm ảnh nào về đài thờ Trà Kiệu được chụp trong khoảng thời gian từ năm 1936 - 1971. Đến khi Carl Heffrey thực hiện tập sách ảnh The Arts of Champa trong 2 năm 1971 - 1972 thì đài thờ Trà Kiệu đã không còn thớt hình vú nữa”, ông Thắng thông tin và nhận định thớt hình vú đã được lấy ra khỏi đài thờ sau năm 1936 và trước năm 1971.


Linga trên đài thờ không bị thất lạc
Đó là nhận định của ông Võ Văn Thắng trong bài nghiên cứu về chiếc linga gắn trên đài thờ Trà Kiệu. Ông Thắng cho hay, trong khi kiểm tra các hiện vật, bảo tàng nhận ra chiếc linga ký hiệu 2.3 đang trưng bày bên cạnh đài thờ Trà Kiệu có số đo các bộ phận (cao 127 cm, cạnh vuông 38 cm, cạnh bát giác 16 cm) hoàn toàn ăn khớp với số đo các lỗ rỗng bên trong các thớt hoa sen đài thờ. Do vậy, chiếc linga mà H.Parmentier nghĩ rằng "đã thất lạc” chính là chiếc linga 2.3. Trước đó, H.Parmentier đã cho làm một phiên bản bằng vữa xi măng để trưng bày cùng đài thờ.

Thất lạc hay “nhầm lẫn” ?
Lục tìm trong kho, ông Thắng phát hiện hiện ở bảo tàng có một nửa thớt vú hình tròn (ký hiệu BTĐN 133) và một mảnh vỡ. Tuy nhiên qua kiểm tra các số đo, ông cho biết các con số giữa thớt vú tại nhà kho không trùng khớp với 2 phần của đài thờ.
Ông Thắng suy luận: Thớt hình vú BTĐN 133 chính là thớt hình vú mà Claeys đã cho đặt vào đài thờ năm 1931, nhưng sau đó nhận ra sự nhầm lẫn nên đã cho tháo gỡ.
“Trên cơ sở tư liệu, hình ảnh và hiện vật hiện có, chúng tôi cho rằng thời gian tháo gỡ thớt hình vú là trong năm 1936, khi có nhiều học giả, trong đó có H.Parmentier đến để tổ chức lễ khánh thành tòa nhà bảo tàng mở rộng, đã phát hiện sự nhầm lẫn trong việc lắp đặt đài thờ Trà Kiệu”, ông Thắng nêu ý kiến.
Từng là người tiếp xúc và nghiên cứu về đài thờ này, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, lại cho rằng Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã nhiều lần nâng cấp, mở rộng nên có sự xáo trộn nhất định trong việc bảo quản hiện vật.
“Những nhà khảo cổ và kiến trúc sư Pháp là những người có chuyên môn sâu nên rất khó có khả năng nhầm lẫn trong việc lắp các phần của đài thờ này. Tôi cho rằng thớt hình vú có thể vẫn ở đâu đó trong kho của bảo tàng hoặc đã bị thất lạc từ lâu”, ông Tịnh nói.
Căn cứ vào những hình ảnh ghi lại trước năm 1931, có thể thấy thớt hình vú được đặt giữa 2 bệ đá đài thờ rất trùng khớp và có độ rộng tương thích với tiết diện của cả 2 bệ đá. Do vậy, nhiều người đồng quan điểm có thể trong quá trình cải tạo, di dời hiện vật, thớt đá hình vú đã bị thất lạc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.