Đây là loại tên lửa chưa hề được công bố trước đây, và rất nhiều chuyên gia quân sự chỉ lần đầu tiên nghe đến cái tên Oreshnik qua phát biểu của ông Putin. Ngay lập tức, lượng kiếm từ khóa “oreshnik” (tức cây phỉ) tăng đột biến trên Google.
Trong bài phát biểu truyền hình, ông Putin cảnh báo rằng các hệ thống phòng không của Mỹ không thể chống lại được loại tên lửa mới.
Nhà lãnh đạo Nga khẳng định “Không có cách nào chống lại một tên lửa bay với tốc độ Mach 10, tức 2.500-3.000m/giây. Các loại tên lửa phòng không hiện có, bao gồm các hệ thống mà Mỹ triển khai ở châu Âu, không thể ngăn chặn được một tên lửa như vậy”.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng điều đáng lưu ý ở tên lửa mới của Nga không phải tầm bắn mà là đầu đạn của nó. Hình ảnh ghi nhận cho thấy tên lửa này dường như mang theo nhiều đầu đạn để tấn công các mục tiêu riêng biệt, thường gọi là MIRV.
Ông Fabian Hoffmann, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên về công nghệ tên lửa và chiến lược hạt nhân tại Đại học Oslo, nhận định rằng dù Nga chỉ sử dụng đầu đạn thông thường trong trường hợp này, nhưng việc sử dụng công nghệ MIRV dường như để chuyển tải thông điệp đe dọa hạt nhân.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng tất cả các đặc điểm như tốc độ, độ cao đều tương ứng với một ICBM.
Về mặt kỹ thuật, RS-26 mang tầm bắn 5.800km được xếp vào nhóm ICBM - vốn phân loại các tên lửa đạn đạo mang tầm bắn hơn 5.500km. Tuy nhiên, giới quân sự xem loại vũ khí này gần giống tên lửa tầm trung hơn, do tầm bắn kém xa các ICBM phổ biến có thể bay hơn 10.000km.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), tên lửa RS-26 được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào năm 2012. Tên lửa có chiều dài khoảng 12m, nặng 36 tấn và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 800kg.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Nga chưa chính thức biên chế RS-26. Với quãng đường hơn 700km từ Astrakhan (Nga) đến Dnipro (Ukraine), tên lửa này có thời gian bay không đến 10 phút.
Ông Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa của CSIS, cho rằng việc sử dụng tên lửa mới cùng với động thái điều chỉnh học thuyết hạt nhân gần đây cho thấy phản ứng Nga sau khi phương Tây “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng vũ khí viện trợ tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Bình luận (0)