Bí ẩn miền đất thánh - Kỳ 2: Những cuộc khai quật

04/09/2014 03:00 GMT+7

Trở lại thánh địa Cát Tiên lần này, chúng tôi nhận từ ông Lương Nguyên Minh, Trưởng ban Quản lý di tích Cát Tiên, những thông tin mới: Sau nhiều cuộc khai quật, những bí ẩn dần được hé lộ nhưng đồng thời lại xuất hiện những nghi vấn khác.

Những phát hiện đầu tiên


Mộ chum ở gò 2D, di tích Cát Tiên - Ảnh: G.B 

Ông Lương Nguyên Minh cho biết: Năm 1984, hai cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng là Đinh Thị Nga và Hồ Thị Thanh Bình đã có đợt thực địa nghiên cứu về dân tộc học ở Buôn Go (Cát Tiên), nhân thể thám sát di chỉ khảo cổ Cát Tiên. Bà Hồ Thị Thanh Bình (hiện là Trưởng phòng Sưu tầm - Kiểm kê bảo quản, Bảo tàng Lâm Đồng) nhớ lại: “Chúng tôi nghe người dân kể ở vùng núi Ch’reng (xã Gia Viễn) họ nhìn thấy một số đồ sắt, gốm, đồng của người Chăm cổ, sau cuộc chiến giành lãnh địa với người Mạ. Nghe vậy, chúng tôi dặn người dân nên bảo quản những hiện vật này, nếu có phát hiện gì thêm thì báo cho Bảo tàng Lâm Đồng. Sau đó, chúng tôi nhận được tin khu vực này lại bị đào phá. Hiện vật phát lộ lần này còn có gạch. Khảo sát thêm xung quanh, chúng tôi phát hiện bộ linga - yoni. Công tác khoanh vùng, bảo vệ lập tức được triển khai”.

Cũng theo bà Bình, năm 1985 các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội (KHXH) TP.HCM có đến nghiên cứu, thám sát các di tích dọc bờ sông lên đến xã Quảng Ngãi. Sau chuyến đi đó, các nhà khảo cổ đánh giá Cát Tiên là khu vực di tích khảo cổ học rất quan trọng, phân bố trên một địa bàn rộng… Mãi đến cuối năm 1994, sau khi tiến hành khảo sát tổng thể và phát hiện một số hiện vật như hộp kaloong bằng đồng, linga bằng thạch anh nặng 3,45 kg..., Viện Khảo cổ học mới phối hợp Bảo tàng Lâm Đồng mở cuộc khai quật đầu tiên.         

Sau gần 30 năm nghiên cứu với hai cơ quan thực hiện là Viện Khảo cổ học VN và Trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện KHXH vùng Nam bộ, các nhà khảo cổ học tạm chia những cuộc khai quật ở đây thành 2 giai đoạn: Từ 1994 - 1998 gồm 4 cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học VN tiến hành; từ 2001 đến nay gồm 4 cuộc khai quật do Trung tâm nghiên cứu khảo cổ thuộc Viện KHXH vùng Nam bộ thực hiện. Sau những đợt khai quật, tuy có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các nhà khoa học đều có chung nhận định: Di tích Cát Tiên là một trung tâm đô thị tôn giáo với các công trình kiến trúc và hiện vật chịu ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ. Đây là trung tâm tôn giáo với nhiều nét riêng biệt, đồng thời có tính giao thoa với các nền văn hóa lân cận như Champa và Óc Eo…

Bí ẩn trong lòng đất

Sau 30 năm phát lộ, di tích Cát Tiên đã qua 8 lần khai quật. Những bí ẩn lại nối tiếp bí ẩn qua mỗi lần khai quật. Ví như cuộc khai quật  lần thứ 8 mới đây, các nhà khoa học đã bất ngờ khi phát hiện ra dấu vết cư trú của cư dân cổ Cát Tiên - điều mà trước nay chưa từng tìm thấy. TS Bùi Chí Hoàng (Viện KHXH vùng Nam bộ), người trực tiếp tham gia cuộc khai quật lần thứ 8 cho hay tại khu vực nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai, lần đầu tiên các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết cư trú của cư dân cổ Cát Tiên. Ở vùng ven của đô thị tôn giáo này (cách trung tâm thánh địa khoảng 1,5 km), dấu vết cư trú của chủ nhân Cát Tiên là 5 lỗ cột tròn của kiến trúc nhà ở cùng với nhiều vật dụng sinh hoạt gia đình khác như bình gốm, nồi gốm, gạch xây dựng... Cũng tại đây, các nhà khảo cổ đã làm phát lộ một con đường rải đá rộng khoảng 7 m, dài khoảng 1,8 km được kè đá hai biên từ bên trong khu thánh địa xuyên ra bến sông Đồng Nai.... Những phát hiện mới này, theo các nhà khảo cổ học, đã phần nào làm hé lộ dấu vết cư trú của cư dân cổ Cát Tiên ven đô thị tôn giáo Cát Tiên. Tuy nhiên, dấu vết cư trú vừa được phát hiện này không có tính phổ biến và tập trung nên chưa thể khẳng định đô thị tôn giáo Cát Tiên là sản phẩm của quá trình phát triển của cư dân bản địa mang tính ổn định.

 
Linga bằng thạch anh duy nhất phát hiện ở di tích Cát Tiên

Không chỉ thế, ở lần khai quật thứ 8 này, các nhà khoa học còn bất ngờ khi phát hiện tại di tích Cát Tiên một lưỡi rìu bằng đồng cùng với hàng loạt khuôn đúc đồng, nồi đồng, đồ trang sức bằng đồng, vật dụng sinh hoạt bằng đồng... Tại cánh đồng Bảy Mẫu cách trung tâm khu thánh địa không xa, các nhà khảo cổ còn phát hiện ngay dưới lớp đất canh tác hiện tại chỉ từ 0,1 - 0,3 m là 4 lò gạch có cấu trúc hoàn toàn giống nhau phân bố trên một khu vực rộng hàng chục héc ta. Đặc biệt, những viên gạch được phát hiện ở các lò gạch này nếu đem so sánh với gạch xây thánh địa Cát Tiên là cùng chủng loại.

Với những phát hiện gần đây nhất cùng với các nhận định khoa học trước đó của các nhà khoa học, liệu vùng đất cổ Cát Tiên đã thực sự “hé lộ những bí ẩn ngàn năm bị chôn vùi”?

Hồng Diễm - Gia Bình

>> Bí ẩn miền đất thánh: Chủ nhân thánh địa vẫn còn bí ẩn
>> Khám phá miền đất thánh Israel
>> Đệ trình Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại
>> Tháng phim Mỹ Sơn nhân 15 năm công nhận di sản văn hóa thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.