Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18: Nội các quan bản

04/12/2022 07:30 GMT+7

Nội các quan bản là một bản rút gọn và tái tổ chức lại so với mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Từ 33 quyển rút còn 24 quyển nội dung và 1 quyển thủ, bài tựa của nhóm Lê Hy được nhập vào quyển thủ (theo Phan Huy Chú, nó là lời tựa cho phần tục biên về Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông).

Tính đến những thông tin mới nhất mà ta biết hiện nay về Nội các quan bản, có thể nói rằng Nội các quan bản hàm chứa những xu thế biên soạn chỉ xuất hiện sau khi triều đình Lê-Trịnh sụp đổ (chí ít là đến đầu năm 1789): Việc loại bỏ các chữ húy vua Lê trong bản gốc và việc hiệu chỉnh theo xu hướng biếm trích chúa Trịnh.

Không dừng lại ở đó, việc loại bỏ các thông tin về quan hệ và chiến tranh giữa Trịnh và Nguyễn e rằng còn hàm ý một sự tránh né nào đó những thông tin không hay ho về tổ tiên của triều Nguyễn. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Hasuda Takashi đã chỉ ra trong bản chép tay A.4 (là bản gần gũi với bản NVH có tôn vinh chúa Trịnh) ghi nhận rằng Nguyễn Kim không phải là người đầu tiên tôn lập vua Lê.

Tờ bìa Đại Nam nhất thống chí “quan bản”

Thậm chí, trong điều mục năm 1546 có ghi: “Nguyễn Kim đón xa giá về Sầm Hạ. Đế nghi Kim mưu nghịch, bí mật gọi Thụy Sơn hầu Hà Nhân Chính ở sách Cổ Lũng huyện Cẩm Thủy họp binh để làm cứu viện” (theo Hasuda, bản A.4 thường bị muộn một năm so với các bản khác). Đến khi nào thì người ta sẽ muốn tránh né những thông tin không hay về tổ tiên triều Nguyễn? Triều Lê Trịnh ư? Hay triều Tây Sơn?

Nội các quan bản là một bản rút gọn và tái tổ chức lại so với mộc bản năm Chính Hòa thứ 18 [1697]. Từ 33 quyển rút còn 24 quyển nội dung và 1 quyển thủ, bài tựa của nhóm Lê Hy được nhập vào quyển thủ (theo Phan Huy Chú, nó là lời tựa cho phần tục biên về Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông). Nếu so với bản chép tay A.4 và bản in NVH thì ba quyển 16, 17, 18 (Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông) của A.4 chỉ ngang quyển 16 Bản kỷ của Nội các quan bản; quyển 19 - Thế Tông của A.4 ngang quyển 17 Bản kỷ; các quyển 20, 21 và 22 (Kính Tông, Thần Tông thượng, Gia Tông, Thần Tông hạ) tương đương quyển 18 Bản kỷ.

Fedorin khi xem xét quy cách phân bố số dòng của Nội các quan bản đã thấy rằng các ván in này được thực hiện theo hai quy chuẩn. Các ván kiểu A có 19 chữ tại mỗi cột bình thường (không tính những cột viết đài lên), xuất hiện trong toàn bộ 5 quyển phần Ngoại kỷ, các quyển từ 1 đến 7 và quyển 12 của phần Bản kỷ. Các ván kiểu B có 18 chữ tại mỗi cột bình thường, xuất hiện ở các quyển từ 8 đến 11 và từ 13 đến 19 phần Bản kỷ. Điều này ám chỉ các ván kiểu A và B được làm ra bởi các nhà xuất bản khác nhau (hoặc chí ít trong hai đợt khác nhau). Các ván kiểu A được thực hiện theo phong cách “tân tiến” hơn và tất nhiên là muộn hơn các ván kiểu B. Các ván kiểu A có cách thực hiện và phân bố văn bản giống với các bộ sử Trung Quốc, có ít lỗi và ít bị chỉnh sửa hơn trong việc phân bố chữ.

Hai bìa sách tư nhân với dòng quảng cáo tương tự Nội các quan bản

tư liệu

Cũng theo Fedorin, dòng chữ Nội các quan bản được khắc in ở đầu sách không cho thấy nó là bản in quan phương, bản in nhà nước, mà ngược lại cho thấy nó là một bản in tư nhân. Dòng chữ này chỉ hàm ý tuyên bố văn bản này là trùng khớp với văn bản chuẩn (được khắc đúng theo quan bản trữ trong Nội các) và qua đó nâng cao uy tín (cũng như giá bán) của bộ sách. Các đánh dấu ngoài lề được khắc in cho thấy Nội các quan bản được làm ra để dùng làm một bộ sách giáo khoa, có tác dụng thuận tiện cho việc tra cứu. Trong các văn bản sử chính thức không có những đánh dấu như vậy, kể cả bản in NVH.

Chúng ta có thể xác nhận quan điểm của Fedorin khi xem xét các bìa sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn và in ấn, ví dụ như Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí. Tờ bìa của chúng hoàn toàn không khắc in thông tin nơi tàng bản của các bộ sách này. Ngược lại, bản quyền tàng bản là một thông tin thường thấy trong bộ sách do tư nhân khắc.

Ngay cả hai dòng chữ “Vựng lịch triều chi sự tích”, “Công vạn thế chi giám hoành” cũng cho thấy nó được nhà in tư nhân khắc vào để quảng cáo cho nội dung bộ sách. Chúng ta biết ít nhất là hai bộ sách khác có cùng kiểu thiết kế tờ bìa như vậy: Bản in Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa cũng có hai dòng chữ “Thuật thánh hiền chi luân vựng”, “Thùy đạt sĩ dĩ vĩ thông”, và ở chỗ của dòng chữ “Nội các quan bản” là dòng chữ “Minh giám bản”.

Bản in Cửu chương lập thành tính pháp có hai dòng chữ “Thuật tiền hiền chi diệu pháp”, “Huấn hậu học chi thông tri”. Ở tờ 3 của sách này có ghi “Thanh Lâm huyện, Lại Hạ xã, lão nhiêu, hậu tiên hiền, trùm trưởng Phạm Hữu Cận tự Phúc Cẩn soạn”. Đó rõ ràng là một bản sách tư nhân. Liệu ba bản sách này có phải ra từ một nhà in tư nhân hay không còn là dấu hỏi.

Sự tồn tại bản in Thiên Lý (Tenri) trung gian giữa Nội các quan bản và Quốc tử giám tàng bản cho thấy vào một thời điểm nào đó hai bộ ván này đã được lưu trữ cùng một chỗ. Không loại trừ khả năng việc thay thế dần dần các ván hỏng của Nội các quan bản đã tạo ra bộ ván Quốc tử giám tàng bản (vốn thuộc lưu trữ mộc bản triều Nguyễn). Đại Nam thực lục có ghi nhận việc đem các ván in sách Tiền hậu chính sử bản in riêng của Tham mưu Hậu quân Nguyễn Bá Khoa trữ ở Văn miếu Bắc Thành đem về cất ở Quốc tử giám Huế vào năm 1827. Đó là lý do Trần Nghĩa xem Nội các quan bản là bản Nguyễn Bá Khoa, nhưng sự thực là thế nào? Nhiều bí ẩn vẫn còn đó.

Bí ẩn mộc bản Chính Hòa năm thứ 18

Truy tìm cổ bản đã mất

Tranh luận 'bất phân thắng bại'

Nhiều khúc mắc cần giải mã

Phát hiện mới của Trần Nghĩa

Thái độ với chúa Trịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.