Ông liệt kê nhiều trường hợp kiêng húy vua Lê trong các bản khắc in của nhà nước, của hội đoàn cũng như của dân chúng thời Lê Trung Hưng.
Dòng chữ “niên thâm trừ dụng” kiêng húy ở bản VHv.2336 |
Dòng chữ “niên thâm trừ dụng” không còn kiêng húy ở bản R.3560 |
TƯ LIỆU |
Trần Nghĩa cho rằng: “Thật khó tưởng tượng được một bộ chính sử do triều đình nhà Lê tổ chức khắc in vào năm 1697 mà lại không kiêng húy gì cả, thậm chí đến tên của một số ông vua triều Lê!”. Việc nhận định những bản in không kiêng húy vua Lê là bản in năm 1697 “dẫn đến những băn khoăn thực sự”. Trần Nghĩa nói rằng từ khi được khắc in năm 1697 đến hết triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư chưa từng được tái bản. Bộ quốc sử được in thời Tây Sơn là bộ Đại Việt sử ký tiền biên của Ngô Thì Sĩ. Đến đầu thời Nguyễn, khoảng sau năm 1802 đến trước năm 1827 là thời gian Nguyễn Bá Khoa giữ chức Hậu quân Tham mưu ở miền Bắc đã tổ chức khắc in lại Đại Việt sử ký toàn thư. Lúc này vì bộn bề công việc, lệnh kiêng húy đến năm 1807 mới được đặt ra, “rất có thể các bản khắc in Đại Việt sử ký toàn thư loại không kiêng húy đã ra đời vào thời gian bản lề này, khi mà lệ kiêng húy còn chưa nằm trong diện quan tâm của nhà Nguyễn”.
Mốc 1807 có thể kéo dài ra một ít nữa, nhưng không vượt quá 1830 là năm vua Minh Mạng sai soát kỹ các bản in sách nhà nước ở Quốc tử giám để tu bổ và đưa đi in mới. Ông cho rằng trong tình hình hiện tại “không thể nói một cách quả quyết rằng bản D là bản in năm Chính Hòa 18 (1697). Chỉ có thể quan niệm đây là bản gần nhất với bản in Chính Hòa”.
Đầu năm 1989, Trần Nghĩa có dịp sang Pháp và làm việc trực tiếp trên bản in Nội các quan bản SA.PD2310. Ông đã phát hiện ra một chữ kiêng húy ở dòng chú thích “niên thâm trừ dụng”. Đây là phần văn bản nằm trong khung viền ở trên cùng tờ 48b quyển 14 tập 12. Đó cũng là chữ húy duy nhất mà Trần Nghĩa tìm thấy trong bản in Nội các quan bản.
Chữ Trừ là tên húy của Lam quốc công Lê Trừ, là ông tổ của các vua dòng Lê Trung Hưng. Các bản in Trùng san Lam Sơn thực lục, Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục cùng do Quốc sử quán thời Lê Hy Tông in ấn kiêng húy chữ “Tân”, chữ “Đề”, chữ “Bang” nhưng bỏ qua chữ “Trừ”. Đủ thấy việc Nội các quan bản kiêng húy chữ “Trừ” là một hiện tượng độc đáo. Sự kiêng húy không đều khắp này “cơ hồ như dấu vết còn sót lại của một cao trào đã qua, hoặc một thói quen chưa hoàn toàn từ bỏ”. Trần Nghĩa cũng nói rằng tình trạng đó cũng thấy trong hai bộ sách in thời Lê Hy Tông đã kể trên.
Dùng tiêu chí kiêng húy chữ “Trừ” để khảo sát các bản in Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Nghĩa phân loại được hai nhóm bản in. Bản in kiêng húy chữ “Trừ” gồm có Nội các quan bản PD2310 và Quốc tử giám tàng bản VHv.2330-2336 và VS.4 (tức các bản mà Võ Long Tê, Bùi Thiết nhận là mộc bản Chính Hòa thứ 18) và bản không kiêng húy gồm nhiều bản Quốc tử giám tàng bản khác. Loại kiêng húy chữ “Trừ” thì không kiêng húy triều Nguyễn, và ngược lại, loại không kiêng húy chữ “Trừ” thì lại kiêng húy triều Nguyễn.
Trần Nghĩa không đi sâu phân tích thêm. Nhưng chúng ta thấy rõ rằng riêng trong hệ mộc bản Quốc tử giám tàng bản đã có một xu hướng nhất quán đi từ chỗ kiêng húy triều Lê và không kiêng húy triều Nguyễn, tới chỗ loại bỏ chữ húy triều Lê cuối cùng còn sót lại và đưa các kiêng húy triều Nguyễn vào. Điều này thống nhất với nhận định của một số nhà nghiên cứu trước, ví dụ như Nguyễn Tài Cẩn, rằng các bản in thuộc hệ thống mộc bản Quốc tử giám tàng bản có niên đại triều Nguyễn. Sở dĩ gọi là hệ thống vì có tính đến các ván bị sửa đổi hoặc thay thế trong diễn trình thời gian. Nội các quan bản còn có niên đại sớm hơn Quốc tử giám tàng bản.
Vậy nếu ta đi ngược lại xu thế nhất quán của Quốc tử giám tàng bản đến chỗ Nội các quan bản ta sẽ thấy gì? Đúng như Trần Nghĩa nhận định, chữ Trừ nằm ở góc nhỏ đầu sách đó có thể là “dấu vết còn sót lại của một cao trào đã qua”. Cao trào đó chính là việc kiêng húy các vua nhà Lê trong văn bản Đại Việt sử ký toàn thư. Khi cao trào này trôi qua, các chữ húy vua Lê bị loại khỏi văn bản. Nhưng chữ Trừ đó quá nhỏ và nằm ở góc khuất, nên nó vẫn còn tồn tại ở đó được thêm một thời gian, và được dời sang Quốc tử giám tàng bản triều Nguyễn. Cho đến khi có người phát hiện ra và thủ tiêu nó.
Trần Nghĩa nói vẫn chưa có gì thay đổi quan điểm của ông rằng bản in Nội các quan bản SA.PD2310 được in trong khoảng 1802 - 1827 tại Thăng Long. Đến thời điểm này, có ba trường phái về niên đại của Nội các quan bản SA.PD2310: phái Nội các Lê Trung Hưng 1697 - 1800, phái Nội các Nguyễn 1856 và phái Hậu quân Tham mưu 1802 - 1827. Nhưng những phát hiện mới về Nội các quan bản chưa dừng ở đó. (còn tiếp)
Bình luận (0)