Bí ẩn những kiệt tác bảo vật quốc gia: Tượng đồng nam thần Vĩnh Hưng

22/02/2021 06:36 GMT+7

Tượng đồng nam thần Vĩnh Hưng trở thành bảo vật quốc gia, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền của VN với mảnh đất Tây Nam bộ.

Mối duyên của tượng thần

PGS-TS Bùi Chí Hoàng, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, vẫn nhớ cuộc khai quật năm 2002 do ông cùng cộng sự thực hiện tại tháp Vĩnh Hưng (H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Khi đó, các chuyên gia đã tìm thấy tượng thần nằm trong một cái giếng phía bắc tháp cổ. “Chúng tôi tìm thấy tượng nam thần bằng đồng mà vừa rồi được công nhận bảo vật quốc gia. Không hiểu sao, khảo cổ học chưa phát hiện được nhiều tượng đồng thuộc giai đoạn thế kỷ 11 - 12 đó. Loại hình tượng đồng rất hiếm có”, ông Hoàng nhớ lại.
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia tháp Vĩnh Hưng, kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại duy nhất ở Tây Nam bộ, đã được khai quật nhiều lần kể từ khi phát lộ năm 1911 dưới tên gọi tháp Trà Long. Năm 1917, nhà khảo cổ Henri Parmentier đã đến khảo sát rồi công bố kết quả trong tập san của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO).
Đến nay, tại tháp Vĩnh Hưng, các nhà khảo cổ đã phát hiện đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, linga - yoni. Họ cũng tìm thấy nhiều hiện vật có giá trị khác như tượng nữ thần được tạc theo phong cách truyền thống tượng tròn Óc Eo Phù Nam đồ gốm dùng trong sinh hoạt... Đặc biệt, bên cạnh bức tượng nam thần vừa được công nhận bảo vật quốc gia, đã có 3 hiện vật khác được công nhận vào năm 2015. Đó là tượng đá nữ thần Laskmi (thế kỷ 7), tượng đá Sadashiva (thế kỷ 12) và đầu tượng thần Shiva (thế kỷ 12).
Chính vì thế, PGS-TS Bùi Chí Hoàng tin rằng việc mình tìm được bức tượng đồng nam thần là một mối duyên. “Đúng là tôi cũng không hiểu sao lại may mắn như vậy. Trước đó đã có nhiều người nghiên cứu tháp Vĩnh Hưng. Người dân xung quanh cũng đào nhiều. Họ phát hiện nhiều cổ vật nhưng không hiểu sao đến đợt khai quật của chúng tôi mới tìm ra bức tượng”, ông Hoàng chia sẻ.

Khẳng định chủ quyền

Tượng đồng nam thần bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. Tượng cao 19 cm, rộng 10 cm, nặng 1.800 gr. Tượng được đúc trong tư thế ngồi quỳ, có đủ đầu, mình, 2 tay và 2 chân.
Đầu tượng đội mũ với chỏm mũ được tạo hình hoa sen 3 tầng nhọn dần lên phía chóp. Tầng trên cùng là chóp nhọn để trơn. Tầng giữa có trang trí đúc nổi 9 hoa sen và tầng dưới cùng có 11 hoa sen nối tiếp nhau. Vành mũ miện phía dưới có dáng rộng đều từ trước ra sau, giữ mái tóc trước trán và sau đầu. Sát dưới vành mũ, trước trán có một đường viền nổi nhỏ chạy từ bên này sang bên kia mang tai.
Khuôn mặt tượng thần tròn đầy. Trán rộng, phẳng, hai hàng lông mày nổi cao, cong dài, nối liền dãy và đối xứng nhau qua sóng mũi. Mắt lồi tròn, có mí nổi, nhìn thẳng. Mũi to cao, cánh mũi khá rộng. Miệng rộng, môi dày, có ria mép nổi cao và vểnh lên ra hai bên. Cằm lớn, hơi bạnh. Tai to, dái tai dài vừa phải. Trên tai đeo đồ trang sức lớn dài thõng xuống chấm vai.
Tượng có vai ngang, rộng. Ngực nở và rộng, bụng thon tạo dáng vẻ vạm vỡ. Thân trên để trần, có đúc nổi “dây thiêng” quàng từ vai trái thẳng xuống dưới bụng rồi cong vòng qua bên phải để xiên chéo qua lưng lên trên. Trên dây có 2 đường chỉ chìm chạy song song theo chiều dài. Thân dưới mặc sampot dạng quần đùi dài đến đầu gối.
Tay tượng dài cân đối. Trên cánh tay và cổ tay đều có đeo vòng trang sức đúc nổi. Vòng đeo trên 2 cánh tay gần sát nách được trang trí hình 5 bông hoa lớn; vòng trên 2 cổ tay có 2 vạch chỉ chìm, để trơn. Chân phải chống cao, trên cổ chân đeo vòng lớn có 5 bông hoa giống như vòng đeo ở cánh tay. Cổ chân trái đeo vòng giống như chân phải nhưng hoa văn không còn rõ ràng. Dưới mông tượng có vết vỡ, gãy cho thấy tượng được đúc để ngồi trên bệ.
Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, tượng nam thần là hiện vật gốc độc bản được khai quật tại tháp cổ Vĩnh Hưng. Đây là pho tượng thần bằng đồng đầu tiên được phát hiện trong các di tích khảo cổ ở Nam bộ. Tượng cũng có hình dạng độc đáo, các bộ phận trên cơ thể cân đối hài hòa, với kỹ thuật đúc đồng tinh xảo, hoa văn trang trí sắc nét. Tất cả những chi tiết về hình dáng của tượng tạo nên một dáng vẻ oai phong, uy nghi của một vị thần.
Hồ sơ bảo vật khẳng định tượng có giá trị nghiên cứu về lịch sử, văn hóa hậu Óc Eo ở Nam bộ, đồng thời có giá trị trong việc nghiên cứu về văn hóa Óc Eo, lịch sử vùng đất Nam bộ và lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử Vương quốc Phù Nam - từng là vương quốc lớn nhất Đông Nam Á thời cổ.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng nhận định việc trao danh hiệu bảo vật quốc gia cho tượng nam thần Vĩnh Hưng có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là khẳng định sự phát triển của văn hóa bản địa của cư dân vùng đất nơi tìm ra tượng. Thứ hai, các thành viên hội đồng di sản cũng đồng ý việc này sẽ khẳng định sâu hơn chủ quyền lãnh thổ của chúng ta với vùng đất Tây Nam bộ. “Việc xếp bảo vật cũng là cách định vị văn hóa trên vùng đất chủ quyền của mình”, ông Hoàng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.