Bí ẩn những xác ướp Việt: Kỳ 1: Bí ẩn ngôi mộ cổ Vân Cát

03/03/2010 11:34 GMT+7

Bí ẩn những xác ướp kèm những huyền thoại và thông điệp từ một quá khứ thẳm sâu nào đó luôn tạo nên thách thức cho hậu thế trong những cuộc kiếm tìm, giải mã. Lần này PV Tuổi Trẻ mời bạn đọc trở lại những dấu ấn trong hành trình khám phá bí ẩn của các trường hợp xác ướp tại VN.

Hàng trăm năm qua, tấm thân những dân thường, công hầu, vua chúa... với sự bảo quản tình cờ hay chủ ý của tiền nhân, đã tồn tại yên bình và nguyên vẹn trong giấc ngủ ngàn thu. Chính giấc ngủ của họ đã thành trang sử đặc biệt để hậu thế có thể minh định rõ những ẩn khuất của dân tộc trải qua bao cuộc dâu bể thăng trầm...

Hà Nội. Một chiều rét. GS.TS Đỗ Văn Ninh sống lại ký ức ngôi mộ cổ đặc biệt từng khai quật. Ngược thời gian 42 năm trước, đó là gò đất ở thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà (giờ là Nam Định).

Phủ Vân, đền thờ chúa Liễu Hạnh, gần đó quanh năm thu hút người dân hương khói nên gò đất hoang này trông càng đìu hiu, cô quạnh hơn. Rồi một ngày dân địa phương đào gò lấy đất đắp đường. Và ngôi mộ cổ bí ẩn phát lộ.

Cuộc đào mộ trong đêm

Được tin địa phương báo lên, GS Đỗ Văn Ninh cùng đồng nghiệp háo hức chuẩn bị ngay việc khai quật. Ông nhớ cảm giác hồi hộp khi biết mộ nằm trên vùng đất cổ khởi phát nền văn minh sông Hồng đã trải qua bao biến động lịch sử. Giải mã những bí ẩn mộ cổ này sẽ góp phần làm rõ thêm trầm tích lịch sử, văn hóa nước Việt.

Cuộc khai quật bắt đầu từ ngày 4 đến 8-11-1968. Họ thắp đèn làm đêm, đặc biệt là phần khai lộ quan tài để tránh sự hủy hoại của nắng trời và người dân tò mò. Suốt ngày đêm địa phương phải cử dân quân bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, chính việc làm đêm hôm lại khiến người dân tò mò hơn. Họ theo dõi sát sao xem xác ướp và báu vật dưới mộ cổ. Nhưng cũng có những người xem người đã mất là tổ tiên và muốn rõ sự thật về tiền nhân.

Có ý kiến thi hài còn trong mộ hợp chất VN có gọi xác ướp? Theo giáo sư - bác sĩ nổi tiếng Đào Xuân Hợp đã nghiên cứu sâu các trường hợp này, người Việt xưa biết kỹ thuật giữ được xác và có thể coi như một xác ướp về khoa học.

Phần ngoài mộ cổ này được bảo vệ một cách chắc chắn và bí mật như các ngôi mộ Hán cổ tìm thấy ở nước Việt. Khi xây xong mộ, đất được đắp trùm lên thật nhiều để hậu thế nhầm tưởng là gò đồi tự nhiên. Người nằm dưới có thể yên giấc ngàn thu mà tránh được lòng tham của kẻ trộm mộ cũng như sự đào phá của người thù.

Sau này, người ta lần ra được đầu mối bằng cách tìm kiếm ao vũng gần đó. Nếu cạnh gò đất mà có ao vũng cũng xa xưa như vậy thì có thể đó là gò mộ. Người xưa muốn đắp điếm che giấu mộ thì phải đào đất. Điều này thường thấy ở các mộ Hán cổ.

Trong trí nhớ chính xác của giáo sư Ninh, mộ cổ Vân Cát nằm trong gò đất vuông cạnh khoảng 11m và cao hơn mặt ruộng 1,5m. Người già địa phương kể ngày xưa gò đất này lớn hơn nhưng đã bị người dân đào lấy dần. Mộ chính xây bằng hợp chất vôi, cát nằm giữa gò đất, đầu quay về hướng nam chếch tây khoảng 20 độ. Lớp đất ngoài được đào tung, nhưng vẫn không tìm thấy bia đá ghi danh tánh người mất như các mộ cổ khác thường khắc trên bia đá tự nhiên bền bỉ với thời gian. Bí ẩn ngôi mộ cổ càng thêm bí ẩn!

Qua lớp đất, nhóm khảo cổ tiếp tục khai mở phần quách. Việc này khó khăn và mất nhiều công sức nhất vì nó được làm bằng hợp chất rất dày, cứng chắc hơn cả bêtông. Chưa có ximăng, người xưa dùng vôi, cát, mật để xây dựng. Thậm chí người ta còn nung vôi từ các vỏ sò giã nhuyễn. Hợp chất làm quách (thay cho bêtông ngày nay) không chỉ rất cứng, bền, mà còn mịn dẻo để chống sự nứt nẻ, bở mục theo thời gian.

Hầu hết xác ướp phát hiện ở VN đều được loại quách đặc biệt này bao quanh. Chính nó góp phần quan trọng gìn giữ thi hài bên trong. Nhóm khảo cổ Vân Cát khó khăn lắm mới phá vỡ được vỏ quách dày gần 0,3m bao quanh quan tài và được đổ kiên cố bằng 13 mẻ hợp chất. Sau hàng trăm năm, dấu vết 13 mẻ đổ quách vẫn còn lại với các lớp nối tiếp sậm, nhạt không đồng màu.

Giấc ngủ hàng thế kỷ

Đêm khai quật cuối, đàn hương nghi ngút khói để chuẩn bị mở nắp quan tài. Người dân im phăng phắc trong cảm giác sờ sợ lẫn tò mò. Còn các nhà khảo cổ thì hồi hộp, xúc động. Bí ẩn của tiền nhân và lịch sử xã hội hàng trăm năm trước đang nằm sau tấm gỗ sắp lộ thiên. Quan tài lớn, dày gần 10cm, gồm hai loại gỗ ghép lại với nhau mà bên ngoài là gỗ hiếm ngọc am (hay còn gọi san mộc), mặt trong bằng gỗ lim.

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật, cộng sự của GS Ninh, nhớ như in khoảnh khắc 42 năm trước: “Chúng tôi từng khai quật nhiều xác ướp, nhưng vẫn sửng sốt khi nhìn bà như người bệnh đang say ngủ trong lòng quan tài bốc mùi thơm thảo mộc thoang thoảng. Gương mặt bà vẫn mịn màng, thanh thoát nét đài các, dịu dàng”.

Ông kể nếu thay quan tài là giường, mọi người sẽ nghĩ bà đang mê man giấc ngủ bình yên. Đó là người phụ nữ khoảng 60 tuổi, tóc dài chớm hoa râm. Lúc mới lộ thiên, làn da toàn thân bà vẫn trắng mịn, mềm mại. Các khớp chân, tay có thể co duỗi dễ dàng. Mô ngực vẫn còn hình hài mà chưa xẹp xuống hoàn toàn. Đặc biệt, hốc mắt vẫn còn rõ lòng đen, trắng. Hai hàm răng nhuộm đen cũng chưa rụng chiếc nào...

Ông Truật kể lúc đó mình còn trẻ đã vô tư nhờ một phụ nữ địa phương trạc tuổi người đã mất đến gần thi hài người chết để so sánh “ai đẹp hơn ai”. Trong quan tài, người phụ nữ được đặt nằm trên tấm thất tinh, phía dưới là lớp gạo rang dày 20cm rồi mới đến đáy quan tài. Tấm thất tinh là miếng gỗ đục thủng bảy lỗ theo hình chùm sao đại hùng tinh Bắc đẩu được người xưa tin là thuật phép đạo Lão. Nó “quản lý” vong hồn người chết và bảo vệ họ khỏi tà ma, yêu quỷ phá phách.

Thực tế tấm thất tinh này còn có tác dụng thoát nước xuống lớp gạo rang bên dưới để bảo quản thi hài.

Cùng hàng trăm vật táng tạm xác định khoảng đầu thế kỷ 18, các nhà khảo cổ trăn trở mãi với tấm minh tinh trên quan tài có dòng chữ Hán: “Đặng thượng phụ y phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân, giáo hùng tuệ đức tôn linh...”. Đó là đầu mối giúp họ đi tìm thân phận xác ướp để giải mã bao điều còn ẩn khuất trong lịch sử tiền nhân.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.