Nằm đìu hiu dưới gò đống hoang tàn nhưng xác ướp này có lẽ không phải là dân thường với táng thức trong mộ hợp chất và quan tài bằng gỗ ngọc am công phu và tốn kém. Tiền nhân đã chủ ý bảo quản thi hài này không về với cát bụi. Đặc biệt, hàng trăm đồ vật táng theo cũng chứng tỏ danh phận bà không đơn giản. Nhưng bà là ai?
Đằng sau trang Đại tạng kinh
Trong chiếc quan tài gỗ ngọc am còn rất tốt, các nhà khảo cổ đã phát hiện xác ướp được mặc đến 35 chiếc áo thụng bằng gấm, lụa, có cái được thêu cả kim tuyến cầu kỳ. Để về với thế giới bên kia, bà còn được mặc 18 chiếc váy vải, lụa.
Ngoài hàng chục chiếc gối chèn lớn nhỏ, bà mang theo những thứ thiết thân trong cuộc sống phụ nữ bấy giờ như quạt nan giấy 18 nan gỗ, túi trầu bằng gấm thêu với 10 miếng trầu đã têm và 10 miếng cau tươi cùng túi gấm đựng thuốc lào, khăn lau miệng bằng lụa, mũ lụa.
Trong miệng xác ướp ngậm một đồng tiền Khang Hi thông bảo và hai đồng Hồng Hóa thông bảo để “trả tiền đò qua sông âm phủ”...
Hầu như tất cả đều còn trong tình trạng nguyên vẹn, chưa bị hư hỏng. Bước đầu những táng vật này đã nói lên được người đàn bà đó giàu có, ít nhất trong giai đoạn cuối đời.
Đặc biệt cùng với chuỗi hạt nhà Phật được kết từ 101 hạt gỗ đen, trên ngực xác ướp còn được đặt trang trọng một túi gấm đựng hai quyển Đại tạng kinh và Tu tinh thổ tiệp kinh. Từ những quyển kinh này, GS Ninh đã tạm xác định danh phận người đàn bà không chỉ giàu sang, mà có thể còn thuộc gia đình quan quyền.
Ngày xưa, nhiều vua quan nước Việt và thân nhân đã chọn đường tu cuối đời. Xác định được niên đại an táng khoảng đầu thế kỷ 18 và xác ướp là người quyền quý, tu hành, các nhà khảo cổ tiếp tục lần giở sử sách nhà Hậu Lê để trả lại tên tuổi cho người đã khuất.
Chẳng có ai vô danh trên cõi đời này. Hàng trăm năm sau, xác ướp vẫn còn đó, chẳng lẽ lại không tìm được danh phận bà?
GS Ninh cùng đồng nghiệp đã bám sát đầu mối là những chữ “Đặng thượng phụ y phu nhân Phạm Thị Nguyên Chân...” trên tấm minh tinh. Đã chắc người này là vợ người chức sắc hoặc vai trò lớn với triều đình, nhưng họ vẫn phân vân. Có người nghĩ đó là vị quan họ Đặng làm chức thượng thư triều Hậu Lê. Nhưng cũng có diễn giải khác rằng chữ “thượng phụ” không nhất thiết nghĩa thượng thư.
Sử Trung Quốc, Văn Vương nhà Tây Chu đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên đã mời Khương Tử Nha (Lã Vọng) về làm thượng phụ. Đó không phải chức quan mà là danh tặng người có vai trò quan trọng, cố vấn vua, và ở hàng tuổi tác ngang cha vua.
Thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, từ “thượng phụ” cũng xuất hiện khi vua Cao Tôn, nhà n mời người đẩy xe đất về làm thượng phụ, cố vấn mình.
Từ đó, nhà khảo cổ biết thêm chi tiết quan trọng vị thượng phụ họ Đặng, phu quân xác ướp, có tuổi ít nhất cũng tương đương cha đẻ vua chúa cùng thời. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi rõ có một dòng họ Đặng hơn 200 năm vinh hoa phú quý, hơn cả họ các công thần khởi đầu từ Nghĩa quận công Đặng Huấn.
GS Ninh kể ông cùng đồng nghiệp đã lần truy gia phả họ này và phát hiện đây thật sự là một dòng họ lẫy lừng. Khởi đầu là Nghĩa quận công Đặng Huấn mất năm 1583 đến Hà quận công Đặng Tiến Vinh, rồi con cháu nhiều đời cũng đều làm quận công hoặc hiền trung hầu, thống lĩnh.
Khoanh trấn Sơn Nam, địa danh cũ nơi chôn xác ướp và loại suy những người họ Đặng khác thời, nhà khảo cổ lần ra được mấy người cùng làm quận công vùng này là Đặng Đình Tướng, Đặng Đình Giám, Đặng Đình Lân.
Trong họ, Đặng Đình Tướng tham dự sâu triều chính, đối tượng gần nhất với chữ “thượng phụ”. Ông sinh năm 1649, tên nguyên Đặng Thụy, hiệu Trúc Trai, đỗ đồng tiến sĩ năm 1670, được sung chức phó sứ sang nhà Thanh năm 1697. Cuộc đời ông đã trải nhiều chức vụ, vai trò quan trọng trong triều đình như võ đô đốc, ứng quận công, thái phó, quốc lão, đại tư mã...
Ông mất lúc 87 tuổi, năm 1735, được phong phúc thần.
Như vậy, các diễn giải lịch sử và chứng cứ khảo cổ đã tạm giải mã được bí ẩn danh phận của xác ướp. Phạm Thị Nguyên Chân có thể chính là phu nhân thượng phụ Đặng Đình Tướng.
Nhưng một bất ngờ nữa lại hé lộ ...
Lời giải từ xác ướp thứ hai
...Ba năm sau, mùa hè1971, bom Mỹ làm bật tung một bia đá mộ cổ ở gò Lăng Dứa, xã Thượng Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Mặt trước bia khắc chữ Hán: “Đặng công quận phu nhân Bùi Thị chi mộ”. Mặt sau có hàng chữ “Vĩnh Thịnh thập niên mạnh xuân thượng nhật lập”.
Bí ẩn xác ướp Vân Cát có thể được trả lời chính xác từ mộ cổ thứ hai này ở cách hàng chục kilômet.
Khi khai quật, mọi người ồ lên khi thấy tấm minh tinh có ghi rõ rằng bà là Bùi Thị Khang, chính thất ứng quận công họ Đặng, và năm lập mộ chí là “Vĩnh Thịnh thập niên”, 1714, triều vua Lê Dụ Tông.
Như vậy, dù hai xác ướp phụ nữ khác biệt thời gian táng, nhưng đều có thể là vợ Đặng Đình Tướng.
Các nhà khảo cổ đã về làng Lương Xá, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, tìm đọc Đặng phả và ngỡ ngàng thấy 13 đời Đặng quận công đều được chép tỉ mỉ trong Đặng thế gia phả ký.
Ứng quận công Đặng Đình Tướng là đời thứ 9, lập bà Bùi Thị Khang làm chính thất. Sau đó, ông lập tiếp Phạm Thị Đằng, cháu bà Khang, làm thứ thất. Là con gái út Uyên thái hầu, bà Đằng gọi bà Khang là cô.
Từ đây, bí ẩn mộ cổ ở Vân Cát đã trở nên rõ ràng bằng lời giải từ xác ướp Bùi Thị Khang. Xác ướp Phạm Thị Nguyên Chân ở Vân Cát chính là bà Phạm Thị Đằng (Nguyên Chân là tên thụy lúc chết, còn tên húy là Đằng).
Cùng táng thức bằng quách hợp chất bao bọc quan tài gỗ quý ngọc am, nhưng thi hài bà Bùi Thị Khang không còn tốt như thi hài bà Phạm Thị Đằng. Khảo cổ học đã tìm hiểu kỹ và xác định nguyên nhân do nấm mộ của bà Khang bị bom đạn làm nứt vỏ quách.
Những đồ vật táng theo bà Khang cũng ít hơn bà Đằng chứng tỏ bà mất lúc Đặng Đình Tướng chưa làm quan lớn. Còn bà Đằng mất sau, vào lúc phu quân đã công thành danh toại lẫy lừng cuối đời nên đồ vật gửi cho vợ sang thế giới bên kia cũng dày dặn, sang trọng hơn.
Hồi tưởng chuyện xưa, nhà khảo cổ già Đỗ Văn Ninh mỉm cười thanh thản: “Giải mã bí ẩn xác ướp đâu chỉ là kỹ thuật chôn cất, mà còn góp phần làm sáng tỏ nhân tình thế thái xã hội đương thời, để con cháu nước Việt đời sau không quên tổ tiên mình”.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)