|
Dấu tích ngôi chùa cổ
Khách đến Thần Đinh tập trung vào dịp rằm, lễ, tế, khi tiết trời đất như giao hòa vào nhau. Thần Đinh nằm trong vùng đất thiêng được người dân địa phương gọi là “Đầu Mâu đa tiên, Thần Đinh đa phật”. Tục truyền, khi vua Lê chinh phạt Chiêm Thành đã sai lực sĩ quật đánh núi này, gọi cả các núi đều hướng về tây, riêng núi này quay lưng lại. Theo lý giải như thế nên Thần Đinh bị gọi là núi Bất Nghĩa do các núi ở Quảng Bình đều chầu về hướng nam, chỉ riêng Thần Đinh một mình quay về phía bắc, nên các vua chúa ở miền Nam buộc ngọn núi tội bất nghĩa.
Ngọn núi sừng sững, uy nghi cao vút. Điều kỳ lạ là trên đỉnh núi có một khu đất khá bằng phẳng, rộng rãi. Hiện vẫn còn dấu tích nền móng cũ nát trong những tán cây cổ thụ cũng như một ngôi cổ miếu ở đó. Theo sử sách thì đó là dấu tích của chùa Non. Có chuyện kể rằng một pháp sư đã tu ở chùa Non, trước khi viên tịch thầy cắt một đốt ngón tay út, ghi chữ “Đinh” lên đó rồi đặt vào đáy lư trầm trong chùa. Phần còn lại của ngón tay thầy ghi chữ “Thần” rồi đọc cho đệ tử chép hai câu thơ: “Tiền kiếp tử Thần Đinh/ Hậu kiếp sinh Càn Long vương” (Kiếp trước chết ở chùa Thần Đinh/ Kiếp sau sinh ra vua Càn Long). Kỳ lạ, đốt ngón tay bị cắt ra đó không hề phân hủy dù không được bảo quản gì. Mấy chục năm sau, vua Càn Long lên ngôi, ông cũng bị cụt mất một đốt ở ngón tay út. Nhà vua sai quân gia đúc một cái chuông đồng chở sang dâng tiến lên chùa. Nhưng khi thuyền vào cửa sông Nhật Lệ thì trời nổi giông tố nhấn chìm chiếc thuyền chở chuông. Một ngư dân chài lưới đã tìm thấy quả chuông vớt lên đọc được mấy chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” nên người này trao cho các sư ở chùa Non treo trong chùa.
Đến giếng nước thần
Phong cảnh trên núi Thần Đinh bây giờ không khác gì nhiều so với được mô tả trong sách cổ.
Vượt 1.260 bậc đá từ chân núi sẽ đến được bãi đất bằng phẳng trên đỉnh núi, nơi có dấu tích chùa cổ, miếu cổ. Điều thú vị là khung cảnh rừng nguyên sinh, chim muông đầy đàn, không khí trong lành trên đỉnh núi sẽ khiến con người trở nên thư thái, thoải mái, không vương vấn bụi trần. Quanh núi toàn đá vôi được phủ một màu xanh rong rêu do nước mưa chảy qua cây rừng lâu ngày tích tụ bám vào. Đá xếp chồng lên nhau thành từng ngọn, từng lớp liên tiếp, trong đó là những hốc, hang có thể trú ngụ. Có nhiều lớp đá khi gõ vào phát ra từng tiếng long bong rất thú vị.
Khi leo lên các bậc đá từ chân núi, ở mặt đông của núi là những thung lũng rộng lớn, thấp thoáng mái nhà ngói đỏ tươi, khung cảnh thanh bình của một làng quê miền sơn cước.
Người người cất công lên núi Thần Đinh không chỉ để thưởng ngoạn cảnh sắc khí trời mà còn để tận mắt thấy giếng nước thần như lời truyền trong dân gian. Thực hư công dụng của nước ở giếng thiêng như thế nào thì không ai kiểm chứng. Gọi giếng nhưng chỉ là một hốc đá nhỏ, nhưng nước ở trong đó không bao giờ cạn dù hàng trăm người múc liên tục; nước cũng không hề chảy tràn ra ngoài. Dân gian đồn nhau, nước đó là nước thánh, tích tụ từ các long mạch thiêng trên đỉnh núi. Dùng nước để rửa mặt hay uống vào sẽ mang lại nhiều may mắn.
Trương Quang Nam
>> Du lịch cuối tuần
>> Quá nguy hiểm cho ngành du lịch !
>> Đại sứ du lịch không danh hiệu
>> Phát triển nguồn nhân lực du lịch
Bình luận (0)