Nhà máy thép Azovstal được xây dựng cùng với hệ thống ngầm từ năm 1930 |
ảnh chụp màn hình GMK |
Nhà máy thép Azovstal ở thành phố cảng Mariupol tiếp tục là tâm điểm chú ý trong chiến dịch của Nga tại Ukraine. Hệ thống hầm ngầm dài 24 km được cho là nơi cố thủ của 2.000 binh sĩ Ukraine trong suốt nhiều tuần qua, bất chấp những vũ khí tối tân nhất, và khiến Nga không thể tuyên bố kiểm soát hoàn toàn thành phố chiến lược này.
Mê cung ngầm
Theo trang iMedia, nhà máy thép Azovstal được Liên Xô khởi công xây vào ngày 7.11.1930, sau khi Đoàn Chủ tịch Hội đồng kinh tế tối cao quyết định chọn Mariupol làm nơi triển khai dự án. Lý do là thành phố cảng ven biển Azov này là tuyến đường ngắn và tiện lợi nhất để vận chuyển quặng sắt. Đây là một trong những dự án xây dựng ưu tiên của Liên Xô với ngân sách 292 triệu ruble.
Dự án đặt mục tiêu sản xuất 4 triệu tấn gang thỏi hằng năm, kỷ lục mới và lớn hơn cả nhà máy Gary của Mỹ lúc đó có sản lượng 3 triệu tấn. Không chỉ có vậy, nhà máy thép rộng khoảng 11 km2 này được xem như một “thành phố trong thành phố”. Bên cạnh 13 khu nhà xưởng lớn với các dịch vụ bổ trợ, nhà máy còn có hệ thống boong-ke và đường hầm.
Theo AFP, lý do Liên Xô xây dựng hệ thống ngầm là do dự án được triển khai vào thời điểm thế giới vừa kết thúc Thế chiến 1, trong khi đang dần dần bước vào Thế chiến 2.
Hệ thống trên dự kiến sẽ giúp hàng ngàn công nhân có thể trú ẩn nếu xảy ra chiến tranh và các chuyên gia cho rằng nó có thể chịu đựng cả bom hạt nhân. Tầng thứ nhất được cho là sâu khoảng 10-15 m, còn tầng dưới cùng sâu đến 50 m.
Tờ The New York Times dẫn lời bà Galina Yatsura, phát ngôn viên của công ty Metinvest sở hữu nhà máy, cho biết các boong-ke bên dưới từng là nơi trú ẩn của công nhân vào năm 2014. Đây là thời điểm Nga sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn muốn giành quyền kiểm soát Mariupol.
“Kể từ lúc đó, chúng tôi luôn giữ các boong-ke trong tình trạng tốt và đảm bảo nguồn thực phẩm và nước dự trữ”, bà cho biết. Theo phát ngôn viên này, hệ thống trú ẩn ngầm có thể chứa đến 4.000 người và có đủ lương thực, nước trong 3 tuần.
Sống sót khỏi nhà máy Azovstal, nữ công nhân kể lại câu chuyện trú ẩn dưới hầm |
Những pháo đài nhà máy thép
Ngoài thực phẩm và nước uống, hệ thống ngầm còn có những máy phát điện, nhà vệ sinh, nhiều chăn, nệm và cả lò đun củi.
Không chỉ tại Azovstal, nhà máy thép Zaporizhstal tại thành phố Zaporizhzhia phía đông nam Ukraine cũng có hệ thống ngầm tương tự. “Chúng tôi có thể ở lại nơi trú ẩn đó trong thời gian dài. Tôi nghĩ rằng nó giúp chúng tôi có cơ hội sống sót”, theo công nhân Ihor Buhlayev tại nhà máy Zaporizhstal.
Nhà máy này không bị bao vây như Azovstal, nhưng đã phải dừng hoạt động khi chiến sự nguy hiểm ngày càng gần.
Cả 2 nhà máy đều thuộc Công ty Metinvest, được kiểm soát bởi doanh nhân giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov. Có 16 boong-ke tại nhà máy Zaporizhstal, trong đó có một nơi phóng viên AFP từng đến sâu khoảng 10 m và được bảo vệ bởi cánh cửa dày 10 cm chống phá hủy.
Căn phòng dài và có đèn sáng với những hàng băng ghế gỗ có thể chứa đến 600 người. Những bồn nước có thể dội nhà vệ sinh, còn thực phẩm và những chai nước được chất trong kho. Củi chất cao ngang ngực được dự trữ cho các bếp lò có kích cỡ bằng thùng phuy.
Theo Sky News, Mariupol là một trong những chiến địa khốc liệt nhất trong chiến dịch của Nga ở Ukraine. Các máy bay của Nga ngày càng tăng cường ném bom nhưng không xuyên thủng được sự phòng ngự kiên cố tại đây.
Thậm chí, Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây hơn 3 tuần tiếp tục chỉ đạo lực lượng nước này bao vây nhà máy để “một con ruồi cũng không lọt”. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng nếu hệ thống ngầm tại Azovstal đảm bảo được nguồn thực phẩm, nước và đạn dược, việc giành quyền kiểm soát tại nơi này sẽ khó thực hiện được.
Những hệ thống boong-ke ở châu Âu
Theo Foreign Policy, cũng như những boong-ke ngầm được xây tại 2 nhà máy trên, nhiều nước châu Âu cũng có những boong-ke và chúng chưa từng được sử dụng kể từ sau Thế chiến 2. Trong những ngày thành phố Odessa (Ukraine) hứng bom đạn, một boong-ke đã được chuyển đổi thành một bệnh viện nhi. Tại châu Âu, kể từ sau Chiến tranh lạnh, mối đe dọa bom đạn chưa bao giờ đến gần như những tháng qua.
Thực ra, chính phủ Anh, Đức và nhiều nước khác đã lưu ý việc phòng vệ dân sự sau Thế chiến 2, bao gồm việc có kế hoạch sơ tán người dân tại các thành phố lớn, tập huấn người dân dập tắt bom cháy và tuyên truyền để người dân sẵn sàng trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, còn có chương trình xây dựng các boong-ke, đầu tiên là tại Đức và sau đó khắp châu Âu. Vào cuối cuộc chiến, khi “Bức màn sắt” được dựng lên và các chiến lược gia chuẩn bị cho xung đột giữa Liên Xô và phương Tây, chính phủ nhiều nước đã chi hàng triệu USD xây dựng những thành trì ngầm, trong đó có công trình Trụ sở Chiến tranh của Chính phủ Trung ương của Anh tại Wiltshire (ảnh).
Nhiều nước có những mạng lưới boong-ke công cộng lớn như Đan Mạch, Thụy Sĩ và Thụy Điển từng nhiều lần xem xét lại tình trạng phòng vệ dân sự. Còn như ở Đức, Anh và một số nơi, nhiều boong-ke đã được bít lại sau Chiến tranh lạnh hoặc chuyển đổi thành viện bảo tàng phục vụ du khách.
Bình luận (0)