Bí ẩn tàu ngầm tối mật Losharik của Nga

05/07/2019 06:33 GMT+7

Tàu lặn bí mật bị cháy của Nga khiến 14 thủy thủ thiệt mạng được cho là AS-12, hay còn được biết đến với tên gọi Losharik, một tàu ngầm hạt nhân bí mật mà nhiệm vụ chính là "rình mò" trong lòng biển sâu.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh thông tin về vụ cháy tàu lặn của hải quân Nga ngày 2.7 không thể công khai hoàn toàn vì nằm trong diện bí mật quốc gia. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong một cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin hôm 4.7, hé lộ đây là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

[VIDEO] Người Nga tưởng niệm 14 quân nhân thiệt mạng trong vụ cháy tàu ngầm hạt nhân tuyệt mật

“Lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã được cô lập hoàn toàn và không có người ở đó. Tất cả các biện pháp cần thiết đã được thủy thủ đoàn thực hiện để bảo vệ lò phản ứng”, Bộ trưởng Shoigu khẳng định với Tổng thống Putin, theo Reuters trích dẫn thông tin từ Điện Kremlin.
Hiện nhiều chuyên gia quân sự cho rằng tàu gặp nạn là tàu lặn chạy bằng năng lượng hạt nhân AS-12, còn có tên gọi  Losharik, một dự án quân sự mật mà đa phần thông tin chỉ dừng ở mức đồn đoán.

Tàu ngầm AS-12 năm 2010

Bộ Quốc phòng Nga

Quá trình phát triển được cho là đã bắt đầu từ năm 1988, với ý tưởng là tạo ra một tàu ngầm hạt nhân có khả năng lặn rất sâu trong thời gian dài, có cấu trúc là một chuỗi các khoang áp suất hình cầu bằng titan chứa động cơ, khu sinh hoạt của thủy thủ, trạm chỉ huy và điều khiển. Có thông tin cho rằng chính thiết kế này là nguồn gốc của biệt danh "Losharik", vì đó là tên một con ngựa có thân hình được làm bằng những quả bóng nhỏ trong một phim hoạt hình ở Liên Xô cũ trong thập niên 1970.
Theo tờ Izvestia, phải đến năm 2003 tàu lặn AS-12 mới được hạ thủy. Sử dụng năng lượng hạt nhân và có thủy thủ đoàn 25 người, chiếc AS-12 được cho là có thể hoạt động ở độ sâu 6.000 m, gấp 10 lần tàu ngầm thông thường.

Dù Nga không công bố thông tin, nhưng các chuyên gia có thể đưa ra nhiều hình ảnh mô hình thiết kế tàu lặn AS-12

Twitter

Động cơ hạt nhân giúp tàu đạt tốc độ không kém các lớp tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh, nhưng nhiệm vụ của AS-12 được cho là tận dụng năng lực lặn sâu của mình để theo dõi và "rình mò". Tàu có thể gắn thiết bị nghe, phá thiết bị nghe của đối phương, và lấy trộm thông tin từ các tuyến cáp quang. Mỹ cũng có một tàu ngầm làm nhiệm vụ tương tự là USS Jimmy Carter, một tàu ngầm lặn sâu lớp Seawolf.
Giới chức Mỹ và các quốc gia phương Tây lâu nay từng cáo buộc tàu ngầm Nga thường xuyên hoạt động gần những tuyến cáp quang dưới biển để nghe lắn hay ngăn chặn thông tin.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đám cháy xảy ra khi tàu đang tiến hành khảo sát độ sâu đáy biển. Ông Bryan Clark, một cựu sĩ quan hải quân Mỹ và là chuyên gia về tác chiến tàu ngầm, nói với trang tin Business Insider rằng "nếu khảo sát đáy biển bằng tàu ngầm quân sự, Nga có lẽ cũng có thể nghe lén hay ngăn chặn thông tin truyền qua cáp ngầm dưới biển hoặc những hạ tầng khác, chẳng hạn như đường ống dẫn. Và cũng có thể đặt, tháo hay cản trở các thiết bị phát sóng âm (sonar) đặt ở đáy biển".

Một mô hình tàu lặn AS-12 theo hình dung của các chuyên gia.

Trước đó, truyền thông Nga đưa tin tàu lặn AS-12 bốc cháy trong lúc khảo sát quân sự trong vùng biển của Nga hôm 1.7 và các thủy thủ thiệt mạng do ngạt khí. Vị trí cụ thể nơi xảy ra sự cố và nguyên nhân không được công  bố.
Giám đốc Cơ quan An toàn hạt nhân và phóng xạ của Na Uy Per Strand nói với Reuters rằng đám cháy trên tàu có khả năng do nổ khí gas gây ra. Ông Strand cũng thông báo phía Na Uy không phát hiện mức độ phóng xạ bất thường sau sự cố. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ thông tin cho rằng phía Nga đã thông báo cho Na Uy về sự cố trên.
Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ thương tiếc trước sự hy sinh của 14 thủy thủ trong vụ cháy tàu lặn trên, trong đó có 2 người từng nhận danh hiệu “Anh hùng nước Nga” và 7 sĩ quan cấp cao, gọi đây là tổn thất nặng nề.
Ông Putin đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đích thân đến Severomorsk (gần biên giới Na Uy) - nơi con tàu đang được đưa về sau thảm kịch, để giám sát cuộc điều tra và trực tiếp báo cáo lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.