Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982: Ngành đường sắt thoái thác trách nhiệm ?

14/05/2018 07:15 GMT+7

Liên tục trong các ngày 24 - 27.4, Báo Thanh Niên phản ánh những thông tin liên quan đến thảm nạn đường sắt 17.3.1982 xảy ra ở Đồng Nai, nhưng mãi 36 năm sau vẫn còn nhiều bí ẩn...

Theo đó, xót xa trước thảm cảnh nghĩa địa nạn nhân vụ tàu lật ngày 17.3.1982 nằm ở ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom (Đồng Nai) hoang phế, trôi vào quên lãng, thân nhân các nạn nhân đã gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi, nhưng nhiều năm trôi qua vẫn khắc khoải trông chờ.
Cụ thể, năm 2015, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt VN (VNR) có về “Nghĩa trang Đ.S 17.3.1982”, trong 4 kiến nghị thân nhân nạn nhân nêu ra, ngành đường sắt chỉ đồng ý giải quyết việc chỉnh trang lại cổng, tường rào. 3 nguyện vọng còn lại: (1) Tìm lại hồ sơ chôn cất để có thể tìm được vị trí phần mộ của người thân; (2) bốc hài cốt, thử ADN để xác định chính xác danh tính người nằm dưới phần mộ; (3) xây cho mỗi ngôi mộ một mộ phần rõ ràng, nếu không thì làm cho mỗi phần mộ một ô gạch với chi phí thấp nhất để phân biệt, bị trôi vào quên lãng từ đó đến nay.
VNR “không thể tự làm” (?)
Khi loạt bài được đăng tải, lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH và Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai đều cho rằng trách nhiệm chính giải quyết các nguyện vọng chính đáng của thân nhân nạn nhân trong vụ thảm nạn đường sắt ngày 17.3.1982 thuộc trách nhiệm trực tiếp của ngành đường sắt bởi đây là vấn đề phát sinh sau một vụ tai nạn đường sắt; đồng thời khẳng định “sẵn sàng phối hợp nếu VNR có đề nghị”.
Theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai, trước mắt VNR nên cử người vào phối hợp với địa phương để thực hiện chỉnh trang khu mộ vô danh, rồi tính toán xét nghiệm ADN để có thể làm rõ danh tính, bởi thời điểm năm 1982 điều kiện còn khó khăn, do không tìm được thân nhân nên không để lâu được, mà phải tổ chức chôn cất; còn “bây giờ có điều kiện tốt hơn, chúng ta cũng nên làm, xem đó là một nghĩa cử với người nằm xuống, an ủi thân nhân của họ”.
Vì sao ngành đường sắt không chủ động phối hợp giải quyết dứt điểm nguyện vọng chính đáng của thân nhân nạn nhân? Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc kiêm người phát ngôn VNR, nói: “Không phải bây giờ người ta mới nói chuyện này. Hai mươi năm trước, thân nhân nạn nhân đã yêu cầu giải quyết rồi. Hồi đó các anh lãnh đạo ngành đường sắt đã giải quyết nhưng không có cơ sở để giải quyết cho từng trường hợp cụ thể nào cả”.
Về hướng giải quyết sao cho phù hợp, ông Đoàn Duy Hoạch cũng không đề cập đến trách nhiệm chính của ngành đường sắt, mà chỉ nói: “Chỉ có cơ quan chức năng nhà nước mới có thể đứng ra giải quyết đúng pháp luật và đúng trách nhiệm, chứ chúng tôi không thể tự làm. Giờ bất kỳ người nào cũng đến nói có thân nhân chúng tôi chết ở đấy thì chúng tôi lấy căn cứ nào để giải quyết? Chuyện đào mộ thì chúng tôi không thể tự làm được mà là tỉnh hoặc ngành LĐ-TB-XH làm. Chúng tôi có hướng dẫn gia đình làm văn bản lên cơ quan nhà nước. Bộ LĐ-TB-XH và UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì mới được chứ đường sắt không có quyền gì đào bới khu mộ ở đấy”. Ông Đoàn Duy Hoạch cho rằng trách nhiệm quản lý đất đai, mồ mả là của địa phương và ngành LĐ-TB-XH, ngành đường sắt “chỉ một phần trong đó”. Hiện không có sơ đồ vị trí từng ngôi mộ, mà “thời điểm 1982 chôn chung dạng tập thể, chân tay người nọ chôn chung chân tay người kia, giờ nếu có khai quật kiểu khảo cổ thì mới làm được”.
Trước ý kiến của nhiều thân nhân nạn nhân vụ thảm nạn khẳng định ngành đường sắt phải có trách nhiệm chính để giải quyết, ông Đoàn Duy Hoạch lại nói: “Nếu có người thật sự có người thân ở đó thì không nói, nhưng có người lợi dụng chuyện đó mà làm to chuyện lên thì không có căn cứ giải quyết được mà còn làm cho xã hội bất an (?!). Cơ quan chức năng nhà nước đứng ra làm vì đây là vấn đề xã hội, rồi ngành đường sắt phối hợp thì được, chứ ngành đường sắt không thể tự làm cái này cái kia được. Các ngành chức năng đứng ra thì mới có hướng làm khả dĩ”.
Có đến 160 người chết, 245 người bị thương
Ngày 10.5, Báo Thanh Niên nhận được văn bản do đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, về việc cung cấp thông tin liên quan đến thảm nạn đường sắt xảy ra vào ngày 17.3.1982.
Tính đến nay, vụ việc xảy ra hơn 36 năm, Công an tỉnh Đồng Nai qua nghiên cứu tài liệu liên quan, cho hay: tàu NB 183 (gồm 1 đầu máy và 13 toa xe) rời ga Nha Trang (Khánh Hòa) chậm hơn so với lịch trình chạy tàu 11 giờ 18 phút. Tàu đến ga Long Khánh (Đồng Nai) lúc 4 giờ 33 phút ngày 17.3.1982, sau 30 phút đỗ tàu để kiểm tra và tác nghiệp, tàu rời ga Long Khánh tiếp tục hành trình về TP.HCM; khi xuống dốc Mẹ Bồng Con thì tàu bị trôi dốc, các bộ phận thắng không hoạt động; khi tàu đến đoạn đường cong tại Km 1668+500 thuộc ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom) thì bị lật, văng ra khỏi đường sắt làm chết 160 người, bị thương 245 người, hư hỏng toàn bộ tàu và 70 m đường sắt…
Theo Công an tỉnh Đồng Nai, theo Kết luận giám định số 479/P9 ngày 28.5.1982 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), nguyên nhân gây lật tàu là do có người tác động đóng 3 khóa chủ quản ở đầu, cuối toa xe thứ nhất và ở đầu toa xe thứ 2, làm cho hệ thống hãm hơi của các toa xe mất tác dụng, trong khi hệ thống hãm tay lại không được sử dụng đầy đủ và có hiệu quả; trong lúc tàu liên tục xuống dốc trên đoạn đường dài nên tốc độ ngày càng cao, khi vào đường cong có bán kính nhỏ (R=302 m) thì tàu bị lật.
Về xử lý vụ việc, ngày 31.9.1984, TAND tỉnh Đồng Nai đưa vụ án ra xét xử và tuyên án đối với 4 nhân viên ngành đường sắt, gồm: Dương Lại (trưởng tàu) 20 năm tù, Nguyễn Minh Tâm (Phó tàu phụ trách an ninh) 18 năm tù, Nguyễn Trọng Khôi (nhân viên kỹ thuật) 15 năm tù, Trần Ngọc Chiếu (trực ban ga Long Khánh) 14 năm tù về tội thiếu trách nhiệm để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng; ngoài ra còn có 7 đối tượng buôn lậu bị tuyên phạt từ 2 - 8 năm tù giam về tội vi phạm luật giao thông đường sắt dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Về xác định nạn nhân, quá trình khám nghiệm, chụp ảnh hiện trường, cơ quan điều tra có lập hồ sơ hiện trường và chụp 2 ảnh chụp chung các nạn nhân, không có ảnh chụp riêng từng nạn nhân.
Về giải quyết các vấn đề liên quan đến người bị nạn, Công an tỉnh Đồng Nai cho hay đã liên hệ và được VNR, các sở ngành liên quan cung cấp, cụ thể: sau vụ thảm nạn, VNR lo hậu sự, phương tiện để nạn nhân được thân nhân nhận diện đưa về địa phương mai táng; các nạn nhân không có thân nhân nhận diện thì giao chính quyền H.Thống Nhất (nay là H.Trảng Bom) tổ chức mai táng thành một nghĩa trang riêng và giao đơn vị quản lý đường sắt khu vực chăm sóc, hương khói; thời điểm xảy ra thảm nạn chưa thực hiện chế độ bảo hiểm hành khách nên các chi phí liên quan đến việc giải quyết, khắc phục hậu quả đều do Tổng cục Đường sắt (Bộ GTVT) chi trả. Riêng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho hay không lưu giữ các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu giải quyết chế độ, chính sách đối với nạn nhân.
Phòng LĐ-TB-XH H.Trảng Bom cung cấp: thi thể số nạn nhân không có thân nhân nhận diện được đem về xã Tây Hòa (H.Trảng Bom) chôn cất thành một nghĩa trang gồm 85 mộ, được chia thành 4 hàng ngang, trong đó có 4 mộ được xây nhưng không đề tên, 1 mộ được cắm bia có ghi tên nhưng mờ không đọc được, 80 mộ được cắm bia vô danh. Từ 1982 đến nay, nghĩa trang “vô danh” này do UBND xã Tây Hòa và người dân địa phương cùng quản lý, chăm sóc.
Về hồ sơ việc tổ chức mai táng, chôn cất đối với số nạn nhân tử vong (sơ đồ bố trí các ngôi mộ và đặc điểm nhận dạng đối với các trường hợp chưa có thông tin cá nhân, không có người thân nhận dạng...), Công an tỉnh Đồng Nai cho biết hiện vẫn chưa có cơ quan, đơn vị nào cung cấp.
Ngày 6.3.2016, ông Nguyễn Văn Tư, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN, ngụ P.10, Q.3 (TP.HCM), từng có thư gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Đường sắt VN và một số đơn vị có liên quan đề cập đến vụ tai nạn lật tàu tuyến Nha Trang - Sài Gòn: “Tôi nhắc lại vụ tai nạn đường sắt ngày 17.3.1982 tại Bàu Cá, H.Trảng Bom, Đồng Nai: trên 100 người chết chôn tại khu nghĩa địa tập thể thuộc xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, gần chỗ xảy ra tai nạn, nay gọi là nghĩa trang đường sắt đã bị bỏ hoang phế từ lâu không nhìn ra nấm mộ. Các thân nhân đã nhiều lần đến gặp tôi và ngành đường sắt mà chưa giải quyết được”. Trong thư, ông Tư đề nghị những người có trách nhiệm trong ngành đường sắt xem xét giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của thân nhân các nạn nhân.
Đến nay, ông Nguyễn Văn Tư đã qua đời nhưng đề nghị của ông cũng chưa được ngành đường sắt xem xét giải quyết thấu đáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.