Minh văn khắc trên 4 mặt bia đá thông tin về 2 vị vua đầu tiên của vương triều Indrapura (875 - 982) là Indravarman II và Yaya Simhavarman, cũng như niên đại dựng bia là năm 903. Vị vua đầu Indravarman II, sau khi được triều đình Chăm (khi đó là vương triều Panduranga phía nam) tôn phù lên ngai vàng, đã chuyển kinh đô từ vùng Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) ra phía bắc và lấy tên mình đặt tên cho quốc đô mới - Indrapura. Vị trí Indrapura nay thuộc khu vực di tích Đồng Dương (Quảng Nam).
Bệ thờ Châu Sa - trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi |
Dưới thời trị vì của Indravarman II, vương quốc Chăm trở nên thịnh trị và có quan hệ giao lưu rộng rãi với các nước trong vùng, Phật giáo được truyền bá mạnh mẽ từ giới quý tộc đến dân chúng. Sự hưng thịnh của vương triều vẫn tiếp tục sau khi Indravarman II qua đời và người cháu là Yaya Simhavarman lên nối ngôi. Như vậy, từ minh văn bia đá Châu Sa, có thể biết được tòa thành này tồn tại muộn nhất là trong thời kỳ trị vì của vương triều Indrapura (875 - 982).
Do đã bị di chuyển nhiều lần trước khi được phát hiện nên không rõ địa điểm dựng bia một cách chính xác, song có lẽ hiện vật này vốn được đặt ở tháp Gò Phố, nằm ở triền núi Đồng Danh, cách khu thành nội hơn 2 km về phía bắc. Bị phong hóa chân móng (xây bằng gạch) nên tháp Gò Phố đã sụp đổ từ lâu. Người ta đã tìm thấy khá nhiều tượng thuộc phong cách Trà Kiệu muộn, thế kỷ 9 - 10 dưới chân phế tích và khu vực chung quanh.
Vào năm 1993, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một di tích đáng lưu ý và có ý nghĩa lớn đối với việc tìm hiểu đời sống xưa của cư dân Chăm tại khu vực thành Châu Sa, đó là di tích lò gốm Núi Chồi, nằm trong khu vực thành ngoại, thuộc thôn Kim Lộc, xã Tịnh Châu, TP.Quảng Ngãi. Từ những dấu tích phát lộ sau cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học nhận thấy lò nung gốm ở đây được khoét vào sườn đồi, tường lò xếp bằng đá. Sản phẩm tìm thấy trong lò là những hình đất nung nhỏ (tiểu phẩm gốm) được làm từ một khuôn, có kích thước đồng loạt (cao 6,5 cm, rộng 4 cm, dày 1 cm) và có hình như một cánh sen dài nhọn đầu, thể hiện các nội dung liên quan đến Phật giáo. Bằng phương pháp so sánh phong cách nghệ thuật, có thể đoán định niên đại của các tiểu phẩm Phật giáo này vào khoảng thế kỷ 7 - 8.
Theo nhà khảo cổ học người Anh Jan Glover, các tiểu phẩm Phật giáo tương tự Núi Chồi đã được tìm thấy khá nhiều ở Thái Lan, Sri Lanka. Cụ thể hơn, nhà nghiên cứu Chăm Ngô Văn Doanh cho biết tiểu phẩm gốm ở Núi Chồi có hình dáng, kích thước và nhân vật thể hiện trên đó giống với các tiểu phẩm đất nung có nguồn gốc từ khu đền Chayan của vương quốc Srivijaya (thế kỷ 7 - 13) ở miền nam Thái Lan, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Thái Lan ở Bangkok.
Bộ sưu tập đồ trang sức của người Chăm (bảo vật quốc gia) |
LHK |
Sau khi khẳng định các hiện vật đất nung Núi Chồi có niên đại thế kỷ 10, nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cho biết thêm: “Có thể nói, phát hiện về sự giống nhau kỳ lạ giữa những tác phẩm đất nung Núi Chồi với những hiện vật cùng kiểu của Srivijaya khiến chúng tôi rất bất ngờ, vì đây là những bằng chứng vật chất lần đầu tiên phát hiện cho thấy Chămpa và Srivijaya (Tam Phật Tề), một trung tâm Phật giáo Đại thừa lớn nhất phương Đông thời bấy giờ, đã có những mối quan hệ qua lại thực sự”. (Ngô Văn Doanh; Thành Châu Sa và dấu tích quan hệ giữa Chămpa và các quốc gia biển; Tạp chí VHNT số 317, tháng 11.2010).
Sách Đại Nam nhất thống chí, chép về thành Châu Sa như sau: “Thành cổ Châu Sa ở xã Châu Sa, huyện Bình Sơn. Chu vi hơn 5 mẫu 5 sào. Tương truyền có hai thuyết: một thuyết nói là thành đại la của nước Chiêm Thành; có thuyết nói là vệ thành của Tam ty đời Lê”. (Quốc sử quán triều Nguyễn; Đại Nam nhất thống chí; NXB Thuận Hóa; Huế; trang 429).
Sự phân vân của Quốc sử quán triều Nguyễn tưởng đã có lời giải đáp bằng những dữ kiện xác tín từ sử học và khảo cổ học.
Đất là một thực thể tự nhiên, miên viễn vô tri và thinh lặng, nhưng sự thinh lặng của thành đất Châu Sa cùng những hồi quang từ quá khứ xa xăm của một vương quốc từng có thời kỳ văn minh huy hoàng đã, đang và sẽ còn nói với nhân thế nhiều điều.
(còn tiếp)
Bí ẩn thành cổ Châu Sa
Bình luận (0)