'Bí ẩn' tiếng nổ mìn ở bãi vàng cũ

20/05/2021 09:50 GMT+7

Nhiều người dân ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) nghi ngờ doanh nghiệp nổ mìn khai thác vàng “chui” khiến nhà cửa sụt lún, nứt nẻ. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại bảo “không có”...

Đợt mưa lũ cuối năm 2020, xã Phước Thành bị thiệt hại nặng nề khi 36 căn nhà dân bị lũ quét cuốn trôi, 23 ngôi nhà khác thiệt hại từ 50 - 70%. Khó khăn chưa kịp qua đi thì giờ đây nhiều người dân thôn 2 của xã này nơm nớp lo âu khi có doanh nghiệp (DN) đang nổ mìn khai thác vàng trong giai đoạn giấy phép đã hết hạn, khiến nhà cửa nứt nẻ, sụt lún…
Theo nhiều người dân, khoảng 1 tháng nay, Công ty TNHH Phước Minh liên tục nổ mìn đào hầm vàng tại khu vực Bãi Ruộng nằm ngay dưới tuyến đường DH1, cách nhà dân chỉ vài trăm mét và cách trụ sở UBND xã Phước Thành khoảng 1,5 km. “Mấy ngày qua, tại khu vực Bãi Ruộng liên tục có đánh mìn tại các hầm vàng cũ trước đây. Các hầm vàng xuyên sâu vào lòng núi ngay phía dưới đường DH1. Những tiếng nổ lớn khiến nhà cửa rung theo, xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, rộng 2 - 3 cm. Chúng tôi vô cùng lo lắng”, anh Hồ Văn Biết, ngụ thôn 2, nói.
Anh Hồ Văn Tú (thôn 2, xã Phước Thành) cũng cho biết cứ sau 16 giờ chiều là nghe có tiếng nổ và quả quyết đấy là nổ mìn khai thác vàng. Có khi nghe cả tiếng nổ từ buổi sáng. “Khu vực khai thác vàng nằm ở đầu nguồn nước sông Đắc Mét, bên dưới là ruộng lúa của dân. Khai thác vàng buộc phải chặn dòng lấy nước để xử lý quặng vàng, chỉ cần một trận mưa xuống là bùn đất từ quá trình làm vàng sẽ trôi xuống, vùi lấp hết ruộng lúa. Việc chặn dòng còn khiến người dân không có nước để sản xuất”, anh Tú nói.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, khu vực được cho là đang nổ mìn để khai thác vàng nằm ở Bãi Ruộng. Hầm để nổ mìn được đào sâu vào ngay dưới đường DH1, cách trung tâm xã Phước Thành khoảng 1,5 km. Công nhân dựng lán trại và tập kết nhiều phương tiện máy móc. Tại một số nhà dân dựng men theo tuyến DH1, do có rung chấn nên nền nhà như bị tách ra làm hai. Có vết nứt chạy dọc từ mép nhà bên này xuống tận dưới nhà bếp, rộng 2 - 3 cm...

Nhà dân bị nứt, nghi do nổ mìn khai thác vàng

Dân nói có, địa phương nói không (?)

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho hay chính quyền địa phương có tiếp nhận phản ánh về việc DN nổ mìn khai thác vàng trái phép gây nứt nhà dân, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì lại... không ghi nhận vụ việc nổ mìn. “Bão số 9 hồi cuối năm 2020 đã làm toàn bộ lán trại, xe múc, xe tải tại khu vực bãi vàng này bị cuốn trôi. Hiện công ty cho công nhân vào múc đất để sửa chữa lại lán trại, chứ không có chuyện hoạt động”, ông Phức nói. Ông Phức cho biết khu vực Bãi Ruộng được cấp phép cho Công ty TNHH Phước Minh hoạt động khai thác vàng từ năm 2011. Đến năm 2016, khi giấy phép đã hết hạn thì công ty cũng dừng hoạt động kể từ đó, hiện đang chờ cấp phép trở lại.
Khu vực khoáng sản vàng gốc tại Bãi Ruộng được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép Công ty TNHH Phước Minh khai thác trên phần diện tích hơn 10.000 m2, từ năm 2011 đến tháng 12.2015. Do DN chưa khai thác hết trữ lượng vàng trong khu vực cấp phép nên có nhu cầu xin thăm dò, khai thác tiếp. Hiện tỉnh Quảng Nam đang đề nghị Bộ TN-MT xem xét khoanh định, phê duyệt khu vàng gốc Bãi Ruộng là khu vực có khoáng sản vàng gốc phân tán, nhỏ lẻ; trên cơ sở đó mới bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác vàng gốc và xem xét cấp giấy phép thăm dò, khai thác.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND H.Phước Sơn, cũng khẳng định đã yêu cầu công an huyện tổ chức xác minh và không tìm thấy chứng cứ các vụ nổ mìn khai thác vàng. “Đây là khu vực mỏ mà Công ty TNHH Phước Minh đang làm các bước thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp phép trở lại. Công ty đang cố gắng bảo vệ khu vực này, không để các cá nhân vào khai thác trái phép”, ông Trung nói.
Ông Lê Quang Trung cũng đề cập một vấn đề khác mà địa phương đang đối mặt: Nếu không cấp phép lại, sẽ dẫn đến tình trạng đào đãi vàng trái phép tại khu vực Bãi Ruộng và địa phương lại phải lo quản lý, truy quét, đẩy đuổi. “Chúng tôi tin rằng khi cấp phép cho DN thì họ sẽ thực hiện theo quy định về bảo vệ môi trường. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giám sát. Nếu quá trình khai thác tác động đến đời sống của người dân thì chính quyền địa phương sẽ xem xét giải quyết theo nguyện vọng chính đáng của bà con”, ông Trung khẳng định.
Nói như vậy, những tiếng nổ mìn mà người dân ghi nhận vẫn còn là một “bí ẩn” (?!).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.