Người ta chỉ vào Gerd Mueller, Eusebio, Michael Ballack, Johan Neeskens... để phủ định cái gọi là sự xui xẻo do số 13 mang lại. Kỳ thực, người ta chỉ nghĩ đến, cảm nhận, chứ ít ai khẳng định đấy là số áo xui xẻo. Mặt khác, trong hàng ngàn danh thủ bóng đá xưa nay thì đương nhiên là số áo nào cũng đều phải có đại diện xuất chúng. Các ngôi sao số 13 xưa nay có gì đáng nhớ?
Một cách không chính thức, ai cũng bảo Michael Ballack (Đức) là ngôi sao... xui nhất thế giới. Tiền vệ mang áo số 13 ở Leverkusen, Bayern Munich, Chelsea và đội tuyển Đức này nổi tiếng với thành tích... về nhì. Vào cuối mùa bóng 2001 - 2002, Ballack về nhì ở cả 4 giải đấu lớn nhất mà một cầu thủ có thể mơ ước: VĐQG (Bundesliga), Cúp quốc gia, Champions League và World Cup. Chưa đủ hy hữu? Ballack đã lặp lại điều này trong mùa bóng 2007 - 2008. Anh về nhì ở Premier League, League Cup, Champions League dưới màu áo Chelsea, và Euro dưới màu áo đội tuyển Đức!
Tất nhiên, Ballack cũng gặt hái không ít danh hiệu vô địch. Nhưng nhắc đến Ballack là trước tiên phải bàn về nỗi đau của một ngôi sao chuyên về nhì. Khi Chelsea thắng Portsmouth trong trận chung kết Cúp FA năm 2010, thì Ballack lại phải rời sân ngay trong hiệp 1 vì pha phạm lỗi thô bạo của đối phương. Từ chỗ chuẩn bị dự VCK World Cup với tư cách thủ quân đội tuyển Đức, Ballack đã không bao giờ xuất hiện trong màu áo Mannschaft nữa, vì chấn thương ấy!
|
Đến tận bây giờ, người ta vẫn xem Gerd Mueller (Đức) là một trong những cây làm bàn vĩ đại nhất lịch sử. Từng có lúc kỷ lục ghi bàn nhiều nhất ở VCK World Cup thuộc về Mueller. Ông ghi bàn cho Mannschaft nhiều hơn số lần được tuyển. Nhưng chẳng ai nhớ rõ pha ghi bàn nào của huyền thoại Mueller. Càng không thể trả lời câu hỏi: đâu là bàn thắng đẹp của Mueller! Ông di chuyển lừ đừ, khi có bóng thì lập tức chuyền ngang hoặc chuyền về, như sợ trách nhiệm. Thế rồi, cứ hễ cơ hội xuất hiện thì người ta chẳng hiểu vì sao Mueller bỗng xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, như từ dưới đất chui lên. Cứ thế, cầu thủ số 13 của đội tuyển Đức trở thành một trong những huyền thoại... thầm lặng nhất qua mọi thời đại.
Thần tượng của Mueller là Max Morlock mặc áo số 13 và ghi bàn trong trận chung kết World Cup 1954. Do vậy, Mueller chọn số áo 13 khi ông tham dự World Cup 1970. Đoạt luôn danh hiệu vua phá lưới tại giải đó, Mueller giữ lại số áo 13 để “lấy hên” cho kỳ World Cup 1974, và ông lên ngôi vô địch! Sau này, Thomas Mueller lại nhìn vào thần tượng cùng họ với mình, cũng chọn số áo 13, và trở thành cây làm bàn số 1 của Mannschaft tại các kỳ World Cup 2010, 2014!
Eusebio là “số 13” vĩ đại nhất xưa nay. Ông chỉ xếp sau Diego Maradona và Pele trong cuộc bình chọn “cầu thủ vĩ đại nhất thế kỷ 20”, do FIFA tổ chức qua internet hồi năm 2000. Chuyện về huyền thoại mang số 13 này lại khác: đượm vẻ khiêm tốn, an phận.
Ông sinh trưởng tại Mozambique, khi nơi này còn là thuộc địa của Bồ Đào Nha, và khoác áo một đội bóng thuộc về Sporting Lisbon bên “mẫu quốc”. Cả Sporting lẫn Benfica đều nhanh chóng phát hiện tài năng của Eusebio, nhưng quyền sở hữu Eusebio thuộc về Sporting. Họ chuyển Eusebio sang Bồ Đào Nha, nhưng khi đến sân bay ở Lisbon thì “cậu bé thuộc địa” mất tích. Sau đó, Benfica đăng ký một cầu thủ mới có tên là Ruth Malosso. Khi mọi chuyện yên ắng, chàng trai thuộc địa mới lại được dùng tên thật là Eusebio. Được làm vua, giờ thì Benfica đã sở hữu ngôi sao Eusebio, và câu chuyện do đội này công bố lại khác: vì sợ tài năng trẻ do mình phát hiện bị bắt cóc, Benfica ban đầu phải đổi tên cậu bé và đem giấu khắp nơi! Khi Bồ Đào Nha dự World Cup 1966 (đấy là giải đấu lớn duy nhất mà Bồ Đào Nha có mặt cho đến trước năm 1984), cầu thủ Antonio Simoes gần như sụp đổ vì “bị” trao chiếc áo số 13. Eusebio đã tình nguyện nhận số áo ấy thay Simoes. Bạn đã bao giờ xem kỹ hình ảnh Eusebio? Đôi mắt của ông rất buồn!
Nói về bóng đá Hà Lan, không ai không biết Johan Cruyff. Thầm lặng hơn hẳn chính là “Johan đệ nhị”, tức Johan Neeskens, với chiếc áo số 13, và 2 lần dự trận chung kết World Cup liên tiếp, đều thua đau! Nói chung, nhiều người vẫn tin vào một định mệnh nào đấy bám chặt với con số 13, không theo cách này thì cách khác. Kỳ Olympic thứ 13 bị hủy bỏ vì chiến tranh. Colombia giành quyền đăng cai kỳ World Cup thứ 13 (năm 1986), rốt cuộc đành bỏ (Mexico tổ chức thay) do khó khăn về kinh tế. Và cứ hỏi các cường quốc bóng đá châu Âu xem kỳ Euro thứ 13 là “hên” hay “xui... (Hy Lạp vô địch năm 2004).
Bình luận (0)