Hai kiến trúc sư Pháp và những đan sĩ áo đen
Hai KTS được xem là hai gương mặt quan trọng của kiến trúc Đà Lạt giai đoạn 1930-1940 là Alexandre Léonard và Paul Veysseyre.
Alexandre Léonard (tên Trung Hoa: 赉安, Lạ̣i An) sinh ngày 26.11.1890 tại Paris, ba năm trước khi Alexandre Yersin đặt chân đến cao nguyên Đà Lạt; mất ngày 13.3.1946 tại Thượng Hải, một năm sau khi Pháp mất quyền cai trị Liên bang Đông Dương. Ông là trụ cột chính tạo ra các công trình di sản kiến trúc Art Deco tại Thượng Hải. Ở thành phố Thượng Hải, ông được hai đồng nghiệp khác đang gắn bó với Việt Nam là Paul Veysseyre và Arthur Kruze cộng tác, đã tạo nên những công trình kiến trúc dấu ấn. Họ cũng thường đứng tên chung trong rất nhiều công trình kiến trúc tại Thượng Hải, Hà Nội, Sài Gòn, đặc biệt là Đà Lạt. Arthur Kruze tốt nghiệp Đạ̣i họ̣c Kiến trúc Quốc gia Paris (École Nationale Supérieure d’Architecture de Paris). Năm 1930, ông được Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu mời về trường này giảng dạy; là thầy nhiều kiến trúc sư thế hệ đầu của Việt Nam. Arthur Kruze trở thành một đại diện lớn của Kiến trúc Đông Dương giai đoạn 1930-1940. Năm 1932 và 1939, ông làm cộng tác viên của KTS Alexandre Léonard.
|
Thế nên không quá bất ngờ, vào năm 1936 khi thành lập Đan viện Benedict tại thành phố Đà Lạt, Đan phụ Wandrille Carrière đã nghĩ ngay tới hai cái tên Alexandre Léonard và Paul Veysseyre. Bối cảnh ra đời và phong cách kiến trúc của công trình này đã được truyền cảm hứng trong một không khí làm nghề lý tưởng ở thành phố cao nguyên lúc bấy giờ cộng hưởng với một nguồn chất liệu tôn giáo tuyệt vời.
Để hiểu chất liệu kiến trúc công trình tôn giáo này, cần trở ngược về lịch sử dòng Biển Đức và cuộc du hành của các đan sĩ Biển Đức (black monks – các đan sĩ áo đen) từ Pháp vào Việt Nam.
|
Dòng Biển Đức (tiếng Ý: Ordo Sancti Benedict; tiếng Pháp: Ordre de Saint-Benoît; tiếng Anh: Order of St. Benedict, viết tắt: OSB) do Thánh Benedict sáng lập năm 520 tại Subiaco, Italy. Dòng này hoạt động theo phương châm Cầu nguyện và Lao động (Ora et Labora). Tu viện được gọi là đan viện, nơi các đan sĩ thánh hiến bằng đời sống trầm lặng nghiên cứu, đọc sách thiêng liêng (lectio divina), chiêm nghiệm trong trầm mặc, cử hành kinh phụng vụ và lao động, tiếp đón khách tĩnh tâm.
Trong các tài liệu về lịch sử truyền giáo Việt Nam có nói tới giai đoạn thành lập Đan viện Benedict tại Đà Lạt khá vắn tắt:
- Ngày 25.1.1935, Đan phụ̣ Fulbert đã phái Cha Wandrille Carrière sang Việt Nam thăm dò để mở một đan việ̣n.
- Ngà̀y 12.10.1935, Cha Wandrille chọ̣n được một sở đất 40 ha ở Đà Lạ̣t. Một tháng sau, Đan viện La Pierre qui Vire (Pháp) quyết định mua sở đất 40 ha này với giá 15.000 tiền Đông Dương, chuẩn bị cho việc xây dựng.
- Ngày 10.11.1936, Cha Maur Massé, một đan sĩ thuộc Đan viện La Pierre qui Vire đến Đà Lạt xây Đan viện Benedict (1)
- Tháng 4-1937, Đan phụ Fulbert cử Cha Romain Guilauma sang Việ̣t Nam để làm bề trên đan viện tại Đà Lạ̣t.
|
Tậ̣p tài liệu Les Missions Catholique en Indochine (Các phái đoàn Công giáo tại Đông Dương) ấn hành năm 1939, khi nói về dòng Benedict tại Đà Lạt cũng liệt kê các Pères Bénédictins - đan sĩ dòng Benedict - gồm có: Romain Guilauma (1927, Supérieur/Bề trên), Maur Massé (1927), Wandrille Carrière (1933), Corentin Colin (1930), Marc Livragne (1930).
Vậy đan viện này xây vào những năm cuối thập niên 1930 đầu 1940, là công trình ghi dấu chân đầu tiên của dòng Benedict tại Việt Nam, một lịch sử đan viện Thánh hiến đặc biệt. (2)
Lịch sử Đan viện Benedict đã được dựng lên khá vắn gọn như thế, ít ỏi và thần bí như chính đời sống của những đan sĩ áo đen đến từ phương Tây. Năm 1936, cọp thi thoảng vẫn kéo về khu vực này. Nhưng họ đã sống trong tịnh niệm giữa miền cao nguyên Đông Dương đầy xa lạ.
|
Bản vẽ thiết kế mặt trước một đan viện tương lai của hai kiến trúc sư Alexandre Léonard và Paul Veysseyre cho thấy khi dựng nên một kiến trúc tôn giáo đặc thù, họ thoát rất xa với trường phái Art Deco đang theo đuổi. Một monastere phong cách Roman cổ kính, nhấn mạnh những hình khối, tường dày, tạo cảm giác vững chãi, chân tường và các trang trí viền cửa ốp đá xanh, các vòm cửa bầu được vuốt nhọn (lancet arch) phảng phất một chút không khí kiến trúc Gothic, khối thánh giá trên tháp chuông cân đối giữa hai nếp tường hình trụ và một mái ngói dốc hẹp đổ xuống khá tinh tế. Ngôi nhà nguyện (chapelle) thấp, được gắn kết với đan viện bằng một không gian tiếp nối có cửa vòm và bốn cửa sổ hình tròn. Dãy nhà tu viện một tầng suốt có tháp giả, cửa sổ, ống khói… Dãy đan viện đáp ứng công năng nhưng được chăm chút về tổng thể toát lên vẻ đẹp thâm trầm mà vững chãi, mà nếu đi sâu vào các chi tiết, có thể nhận thấy Alexandre Léonard và Paul Veysseyre được truyền cảm hứng kiến trúc từ khởi nguồn của Benedict - Đan viện Benedict ở Subiaco. Các khung cửa, không gian ốp đá và khoảng sân sau (patio) giữ khoảng cách với ngoại giới - không gian tịnh niệm đến khắc kỷ ấy gợi cảm giác đó là những “cave of prayer” (hang động/ bóng tối của người chiêm nghiệm). Một tinh thần Biển Đức đậm đặc.
Hãy hình dung nếu đặt chân đến đây vào lúc chiều muộn đầu thập niên 1940, khi đồi núi vùng này còn cây cỏ rậm rì, nghe tiếng chuông thảng hoặc gióng lên cùng lời kinh nguyện, nhác thấy những đan sĩ áo đen khổ hạnh thấp thoáng sau những bức tường đá âm u… khung cảnh ấy dẫn ta vào một vùng không gian cô tịch, khổ hạnh như lạc lối vào những trang tiểu thuyết về thời trung cổ đầy thần bí của Umberto Eco.
Có lẽ vì một tinh thần ẩn tu, xa lạ trong một bối cảnh đô thị hãy còn thưa thớt cư dân, nên đan viện này chỉ tồn tại được một thời gian, thì Đan phụ Romain đã quyết định rời đi, lập đan viện mới tại Huế, lập đan viện Thiên An. Nguyên do chính được các sách lịch sử truyền giáo ghi lại là: nơi đây “hiếm ơn gọi” (có thể hiểu ơn gọi ở đây là ít người theo tu luật Benedict). Năm 1954 cũng là thời điểm xã hội Việt Nam nhiều xáo trộn kéo theo nhiều thay đổi trong sinh hoạt tôn giáo. Cũng trong năm này, các đan sĩ Biển Đức rời rừng núi Đà Lạt, cơ sở đan viện cổ kính “đã được bán lại cho cá́c nữ tu dòng Franciscaines”.
|
Một trang sử mới bắt đầu. Như vậy, hiện trạng khu tu viện đã được các sœur Franciscaines Missionnaires de Marie giữ gìn cho đến khi họ đặt KTS Phạm Khánh Chù thiết kế thêm hai dãy phòng học và mở một con đường xuống phía chân đồi - con đường Lê Thái Tổ (như đã trình bày ở phần 2 của bài viết này). Có lẽ những bức tường đen gợi cảm giác quá bí ẩn và tách biệt cộng đoàn của dãy nhà ở của các tu sĩ đã được sơn quét lại với tone màu sáng hơn, vẫn dấn thân khổ hạnh trong phụng vụ nhưng đồng thời cởi mở, hướng đến phục vụ nhân quần.
… Sau khi các sœur Franciscaines Missionnaires de Marie chuyển đi, dãy phòng học phía trước đã được làm khách sạn, trường học, một thời gian, khu phòng đan viện đã trở thành nhà tập thể cho viên chức cán bộ, nơi trú ngụ của người vô gia cư.
Một trang sử mới, với những công năng sử dụng chuyển đổi khác mà những nhà thiết kế kỳ tài của công trình này, từ Alexandre Léonard, Paul Veysseyre đến ông Phạm Khánh Chù có lẽ giàu tưởng tượng đến mấy cũng khó hình dung được.
Khí lực từ kiến trúc
Hai thời kỳ kiến trúc rất đặc thù của lịch sử kiến trúc đô thị Đà Lạt đã được gói gọn trong quần thể đan việ̣n, tu viện-trường dòng này. Sự xuống cấp và hoang phế ấy cũng đang phơi bày một thời kỳ vật đổi sao dời xảy ra trong đời sống tinh thần của thành phố. Nhưng dưới những bóng thông già, những hình khối Roman vẫn bền gan giấu trong mình vẻ trầm mặc bí ẩn. Cứ như sợi dây chiêm niệm (contemplative) từ các đan sĩ Biển Đức đến những nữ tu Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã hội tụ, tạo ra thứ khí lực thẳm sâu của một không gian.
Tiếng chuông đã vắng. Những bức tường, khung cửa, hành lang, nguyện đường phế tích lấm loang rêu, chìm trong tịch mịch. Nhưng khúc linh ca đâu đó vẫn cất lên, ngân vang trong tâm tưởng.
Khúc linh ca truyền thuậ̣t về mộ̣t cuộ̣c ra đi.
(trích từ cuốn sách biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Phanbook & NXB Phụ nữ ấn hành, 2019)
(1) Các tài liệu về lịch sử truyền giáo tại Việt Nam đều ghi năm 1938, tuy nhiên, trang Abbaye Sainte Marie de la Pierre qui Vire (http://www.apqv.fr/apqv.php?na=4) tóm tắt lịch sử truyền giáo của dòng Benedict thì lại xác định vào năm 1937, cha Romain Guilauma đến Đà Lạt lập đan viện. Văn bản này xin lấy niên biểu của Abbaye Sainte Marie de la Pierre qui Vire.
(2) Hội đồng Giám mục Việt Nam.Giáo hội Công giáo Việt Nam, Niên giám 2015. Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2016; trang 309.
Bình luận (0)