Bị bầm tím sau khi lấy máu hay tiêm vắc xin có sao không?

31/03/2022 09:21 GMT+7

Sau khi tiếp xúc với kim tiêm, chẳng hạn như tiêm vắc xin hay lấy máu, thỉnh thoảng da sẽ xuất hiện vết bầm tím. Điều này là bình thường. Nhưng đôi khi, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Tiêm vắc xin và lấy máu là những trường hợp phổ biến mà mọi người tiếp xúc với kim tiêm. Trong thời gian vừa qua, hầu hết chúng ta đều đã được tiêm 3 mũi vắc xin Covid-19, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).

Những người đang uống một số loại thuốc, thiếu vitamin hay có tiền sử tổn thương gan sẽ dễ bị bầm tím do kim tiêm hơn người bình thường

SHUTTERSTOCK

Với lấy máu, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu đó đưa đi kiểm tra. Cách này sẽ giúp theo dõi một số vấn đề sức khỏe, theo dõi quá trình đông máu, chức năng của nhiều cơ quan nội tạng và chẩn đoán các bệnh thường gặp như thiếu máu, tiểu đường. Phương pháp lấy máu thường là dùng kim tiêm chích ngón tay hay đâm vào tĩnh mạch trên cánh tay.

Sau khi da tiếp xúc với kim tiêm sẽ xuất hiện những dấu hiệu như đau nhức hay kích ứng da. Các tác dụng phụ này thường sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên, một số ít trường hợp sẽ xuất hiện vết bầm tím ngay vị trí kim đâm vào da.

Nguyên nhân gây bầm tím là do kim tiêm làm tổn thương cách mạch máu nhỏ, khiến máu rò rỉ dưới da và gây bầm tím. Không phải ai cũng bị vết bầm sau khi tiêm. Những người đang dùng một số loại thuốc, bị thiếu vitamin hay có tiền sử tổn thương gan sẽ dễ bị bầm tím do kim tiêm hơn người bình thường.

Nếu bạn không muốn bị vết bầm lưu lại trên da thì có thể áp dụng một số mẹo nhỏ. Trước tiên, hãy yêu cầu nhân viên y tế sử dụng kim đầu nhỏ. Kim nhỏ sẽ hạn chế nguy cơ gây tổn thương cho các mạch máu dưới da.

Sau khi tiêm, hãy dùng ngón tay ấn nhẹ vào chỗ tiêm, rồi dùng băng keo băng lại ít nhất trong 6 giờ rồi mới tháo ra. Cuối cùng, hãy tránh các công việc nặng nhọc, uống đủ nước và bổ sung chất sắt bằng thực phẩm giàu sắt như rau lá xanh, thịt, cá, trứng, đậu nành và các loại hạt.

Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo nếu sau khi tiêm mà phát hiện chỗ tiêm bị sưng đỏ, viêm, đau dữ dội, tê ngứa thì đi khám bác sĩ ngay, theo Medical News Today.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.