Giữa phong tỏa vì Covid-19, người Ý kêu gọi nhau ở nhà, không lách luật

10/03/2020 12:42 GMT+7

Chính phủ Ý đã đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt kể từ ngày 8.3, cách ly toàn bộ 16 triệu người ở miền bắc, sau khi các trường hợp nhiễm virus corona gây dịch Covid-19 trong 1 ngày tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay.

Một sự tĩnh lặng kỳ lạ bao trùm miền bắc giàu có của nước Ý kể từ hôm 8.3 sau khi chính phủ thực hiện việc cách ly 16 triệu người trong nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của dịch Covid-19 tại nước này. Ý là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh tại châu Âu.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát 2 tuần trước cho đến cuối ngày 8.3, nước này đã có 7.375 ca nhiễm với 366 người tử vong, trở thành nước có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 sau Trung Quốc đại lục. Phản ứng của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte là đưa ra các hạn chế chưa từng có.

Một con đường vắng vẻ tại Venice (Ý) sau khi lệnh phong tỏa tại miền bắc nước này bắt đầu có hiệu lực

Reuters

Ông khuyến cáo người dân không nên đến hoặc rời khỏi vùng Bologna, khu vực giàu có nhất của Ý, trong đó có trung tâm tài chính Milan, cũng như 14 tỉnh thuộc bốn khu vực khác bao gồm các thành phố Venice, Modena và Parma.
Mọi bảo tàng, phòng gym, trung tâm văn hóa, khu trượt tuyết và hồ bơi bị đóng cửa. Ngày nghỉ phép của các nhân viên y tế đã bị hủy bỏ vì các bệnh viện lâm vào tình trạng quá tải dưới áp lực của virus corona. Các nhà hàng, quán bar sẽ được phép mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, nhưng phải đảm bảo rằng khách hàng ngồi cách nhau ít nhất 1 mét.
Ngay sau khi quyết định được ban bố tại Ý đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc chính phủ sẽ thực thi các quy tắc mới ra sao và liệu người Ý có nghiêm chỉnh tuân thủ hay không. Nhiều người, bao gồm cả Thủ tướng Conte, đã kêu gọi người Ý không dùng “chiêu furbizia” - một từ tiếng Ý có nghĩa là khôn lỏi, ranh ma - thường được dùng để ám chỉ việc người dân lách luật.

Một bồi bàn đứng chờ bên ngoài nhà hàng vắng khách tại Quảng trường St Mark ở Venice (Ý) hôm 9.3

Reuters

Furbizia được thể hiện trong ngày 8.3, khi nhiều người dân vội vã lên tàu rời khỏi Bologna trước khi lệnh hạn chế đi lại có hiệu lực vào buổi chiều cùng ngày. Các chuyên gia y tế và quan chức kêu gọi công chúng tuân thủ luật pháp và hành động có trách nhiệm.
Trong một video được nhiều người xem, bác sĩ Barbara Balanzoni cho biết hiện không có đủ khẩu trang cho những người bị nhiễm virus, đồng thời cô cũng cảm ơn các ca sĩ nổi tiếng và các nhân vật truyền thông đã lên mạng xã hội tham gia vào chiến dịch kêu gọi người dân ở nhà với hashtag “I’m staying home” (tôi ở nhà). Bộ trưởng Văn hóa của Ý, Dario Franceschini, cho biết “đây là một thông điệp rất quan trọng cho giới trẻ”. Các biện pháp hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 3.4.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.