Sai đối tượng hưởng chính sách vẫn... đúng quy trình
Ngày 18.2, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Trà Vinh đối với 17 bị cáo trong vụ án "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại TP.Trà Vinh gây thất thoát ngân sách nhà nước gần 70 tỉ đồng, bước sang ngày làm việc thứ 4. Phiên tòa vụ án "trục lợi chính sách" này được khai mạc lần đầu vào ngày 19.11.2021, nhưng do có một luật sư nhiễm Covid-19 nên phải dời lại đến ngày 14.2.2022 mới tiếp tục xét xử.
Bị cáo Diệp Văn Thạnh và các bị cáo khác tại phiên xét xử sở thẩm |
BẮC BÌNH |
Trong phần xét hỏi, bị cáo Diệp Văn Thạnh, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh, khẳng định tất cả hồ sơ liên quan đến chính sách miễn, giảm tiền thuế cho người có công trong giai đoạn mà ông phụ trách đều được ông ký thông qua khi được cấp dưới trình lên. Bởi, các hồ sơ được cấp dưới trình lên tới lãnh đạo UBND TP.Trà Vinh đều đúng quy trình theo quy định của pháp luật có liên quan. Trong giai đoạn ông Thạnh làm Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh phụ trách lĩnh vực này và khi làm Chủ tịch (ủy quyền cho ông Trần Trường Sơn, Phó chủ tịch phụ trách kế nhiệm) đã có hơn 700 hồ sơ miễn giảm tiền thuế cho các đối tượng chính sách. Trong đó, có 313 hồ sơ miễn giảm không đúng đối tượng.
HĐXX truy tiếp là các hồ sơ đúng đối tượng và không đúng đối tượng chính sách được miễn, giảm tiền thuế có gì khác nhau? Bị cáo Thạnh trả lời: “Đối tượng ở nhiều nơi, tôi thì bận nhiều công việc lắm nên xem hồ sơ mà đúng quy trình thì tôi ký thông qua. Việc xác minh đối tượng chính sách là nhiệm vụ của Phòng TN-MT trong quá trình làm hồ sơ trình ký. Ngoài ra, nếu tôi ký quyết định phê duyệt hồ sơ được miễn giảm, bên Chi cục Thuế TP.Trà Vinh xem không đúng thì có quyền bác bỏ. Mặt khác, khi hồ sơ chưa được thông qua, tiền đó chưa được chuyển vào ngân sách nhà nước thì tôi nghĩ rằng không phải thất thoát ngân sách nhà nước. Thêm nữa, trong các quyết định của T.Ư về thực hiện chính sách và các hướng dẫn thực hiện miễn giảm tiền thuế chỉ nói là nhà chứ không nói là thuế sử dụng đất…”.
Phiên tòa xét xử |
BẮC BÌNH |
Sau khi nghe HĐXX viện dẫn có căn cứ rõ ràng các quy định pháp luật, bị cáo Thạnh thừa nhận: “Chi cục thuế không có quyền bác bỏ quyết định của UBND TP.Trà Vinh. Phần tiền chuyển mục đích sử dụng đất gần 70 tỉ đồng đó thuộc ngân sách nhà nước vì thực tế đã chuyển hoàn tất hồ sơ nhưng các cá nhân khác đã trục lợi của ngân sách. Các quyết định, hướng dẫn của T.Ư, của UBND tỉnh Trà Vinh là nói về đất để xây cất nhà cho đối tượng chính sách chứ không chỉ là nhà,… do bị cáo khi đó chưa nghiên cứu kỹ các văn bản, có nhận thức chưa đúng”.
Cũng trong phần xét hỏi, các bị cáo nguyên là cán bộ Phòng TN-MT TP.Trà Vinh thừa nhận nếu đã thực hiện đúng quy định pháp luật và có xác minh cụ thể từng trường hợp thì đã không dẫn đến việc tham mưu cho lãnh đạo TP.Trà Vinh ký các quyết định sai đối tượng chính sách…
Các bị cáo đã bị truy tố như thế nào?
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Trà Vinh, từ năm 2009 đến tháng 7.2018, Diệp Văn Thạnh với vai trò là Phó chủ tịch (đến 6.2014) và Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh (6.2016 đến 7.2018) đã cùng Trần Trường Sơn (thuộc cấp trực tiếp) chỉ đạo cấp dưới triển khai thực hiện chính sách miễn giảm tiền chuyển mục đích sử dụng từ đất khác lên đất thổ cư cho người có công nhằm giúp các đối tượng này cải thiện chỗ ở. Nhiệm vụ này UBND TP.Trà Vinh thực hiện theo các Quyết định 118 năm 1996 và Quyết định 117 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn thực hiện của Bộ TN-MT, Bộ Tài chính và ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
13 vị luật sư tham gia bào chữa cho 17 bị cáo trong vụ án |
BẮC BÌNH |
Vận dụng việc được UBND tỉnh Trà Vinh ủy quyền toàn quyền quyết định và với thẩm quyền của mình, năm 2011 và 2012, Diệp Văn Thạnh ký ban hành 2 công văn yêu cầu bỏ qua nội dung “kiến nghị của UBND cấp xã” và “UBND TP.Trà Vinh xác minh lại nội dung kiến nghị của UBND cấp xã”. Từ đó, các cò đất và chủ đất có điều kiện mua bán chính sách nhằm trục lợi cá nhân, thông qua việc tìm đến gia đình có người trong diện hưởng chính sách lên đất thổ cư để làm thủ tục hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho đất khống; hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác thành đất thổ cư và được hưởng chính sách miễn, giảm tiền từ 65% đến 100%. Trong quá trình sai phạm, mặc dù lãnh đạo Phòng TN-MT TP.Trà Vinh đã nhiều lần chính thức báo cáo để ông Thạnh điều chỉnh nhưng ông Thạnh cho rằng chưa xảy ra khiếu nại giữa các chủ thể có liên quan nên chưa cần điều chỉnh.
HĐXX cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các bên tranh tụng và dự kiến tuyên án vào ngày 23.2 tới |
BẮC BÌNH |
Cá nhân Diệp Văn Thạnh đã trực tiếp ký 38 hồ sơ gây thiệt hại ngân sách hơn 10,2 tỉ đồng và chịu trách nhiệm là người đứng đầu để cho Trần Trường Sơn (Phó chủ tịch phụ trách) ký 275 hồ sơ sai phạm gây thiệt hại hơn 59 tỉ đồng. Cáo trạng truy tố không thể hiện Thạnh, Sơn có hưởng lợi từ việc ký thông qua các hồ sơ sai phạm này.
Mối quan hệ chằng chịt nhưng không cấu thành tội “nhận hối lộ”
Các bị cáo được Viện KSND tỉnh Trà Vinh truy tố chia làm 2 nhóm. Trong đó, Diệp Văn Thạnh (53 tuổi, nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Trà Vinh) và Trần Trường Sơn (45 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Trà Vinh), Nguyễn Văn Chiến (58 tuổi) và Lê Hữu Lễ (50 tuổi, cùng nguyên Trưởng phòng TN-MT TP.Trà Vinh), Lý Kiến Trung (50 tuổi, nguyên Phó phòng), Trần Thanh Sơn (54 tuổi) và Nguyễn Trọng Nghĩa (42 tuổi, cùng nguyên là chuyên viên Phòng TN-MT TP.Trà Vinh) là nhóm phạm tội về chức vụ.
Nhóm 10 bị cáo còn lại có 7 người là "cò" đất, 3 chủ đất. Nhóm này được xác định là nhóm mua bán chính sách dành cho người có công nhằm trục lợi cho cá nhân. 7 "cò" đất bị truy tố gồm: Trần Mười (45 tuổi, quê quán Quảng Nam, thường trú tại TP.Trà Vinh), Trần Thanh Vũ (45 tuổi), Huỳnh Công Chúc (48 tuổi) và Lê Hoàng Anh (28 tuổi, cùng trú TP.Trà Vinh), Lâm Pho La (45 tuổi, quê quán H.Cầu Kè, nguyên là công chức địa chính ở P.7, TP.Trà Vinh) và Lữ Thị Thảo Trang, Võ Thị Thu Trang.
2 trong 3 bị cáo là chủ đất có Trang Thị Xây (61 tuổi) và con ruột là Phú Thành Tâm (39 tuổi, cùng ngụ TP.Trà Vinh); người còn lại là Trầm Ngọc Long (56 tuổi, nguyên giám đốc doanh nghiệp có trụ sở tại TP.Trà Vinh).
Riêng các bị cáo nguyên là cán bộ, công chức thuộc Phòng TN-MT TP.Trà Vinh sai phạm do biết các quy định của T.Ư, UBND tỉnh Trà Vinh trong quy trình xem xét hồ sơ hưởng lợi chính sách nhưng vẫn ký các tờ trình lên lãnh đạo UBND TP.Trà Vinh và sau đó được ký phê duyệt. Nhóm "cò" đất, chủ đất có liên hệ, câu kết các bị cáo Trung và Nghĩa để được hướng dẫn, giúp đỡ.
Trong các phi vụ này, Trung và Nghĩa hưởng lợi tổng cộng 51 triệu đồng, nhưng hành vi của Trung và Nghĩa chưa đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ. Cụ thể, "cò" đất Trần Mười thông qua mối quan hệ với Trầm Ngọc Long quen biết với Trung, Nghĩa… thực hiện được cho “thân chủ” 49 hồ sơ sai phạm gây thất thoát ngân sách hơn 13 tỉ đồng, cá nhân Mười hưởng lợi hơn 575 triệu đồng; Trần Thanh Vũ được 11 hồ sơ, gây thất thoát ngân sách hơn 4,1 tỉ đồng, hưởng lợi 70 triệu đồng; Huỳnh Công Chúc thực hiện được 64 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 6,4 tỉ đồng, hưởng lợi 64 triệu đồng; Lâm Hoàng Anh thực hiện được 8 hồ sơ gây thiệt hại hơn 2,3 tỉ đồng, hưởng lợi 24 triệu đồng; Lâm Pho La thực hiện được 2 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 2,6 tỉ đồng, hưởng lợi cá nhân được 800.000 đồng; Lữ Thị Thảo Trang và Võ Thị Thu Trang mỗi người thực hiện 1 hồ sơ, gây thiệt hại 423 triệu đồng, trong đó, Võ Thị Thu Trang hưởng lợi 8 triệu đồng, riêng bị cáo Lữ Thị Thảo Trang không được chứng minh đã hưởng lợi từ hành vi bị truy tố của mình. Trong 3 bị cáo là chủ đất, Trầm Ngọc Long đã thực hiện 5 hồ sơ gây thiệt hại hơn 3,1 tỉ đồng ngân sách; mẹ con bị cáo Xây và Tâm thực hiện miễn giảm 2 thửa đất của mình để trục lợi chính sách hơn 2,4 tỉ đồng ngân sách.
Bình luận (0)