Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Đinh La Thăng khai:“Chỉ định Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) là căn cứ năng lực và tình hình thực hiện. Năm 2010, PVN bán nốt một phần PVC thu. PVC đã tham gia nhà máy Nhơn Trạch và một số nhà máy nên năng lực là có".
Bị cáo Đinh La Thăng cũng khai, HĐTV làm việc có bộ máy giúp việc, các cơ quan đều báo cáo PVC có đủ năng lực triển khai thực hiện. Căn cứ tờ trình của Tổng giám đốc, báo cáo chủ đầu tư thì HĐTV xem xét đồng ý về chủ trương giao Tổng giám đốc chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện theo đúng pháp luật.
Khi Hội đồng xét xử hỏi quá trình thực hiện dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 hợp đồng EPC số 33 còn thiếu rất nhiều thủ tục nhưng vì sao vẫn chỉ đạo gấp rút để khởi công, bị cáo Thăng trả lời: “Với PVN, triển khai một lúc nhiều công trình, dự án, do đó, để đảm bảo tiến độ thì tập đoàn luôn chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng thời, đồng bộ, không chờ việc này xong mới làm việc khác”.
Trước đó, đầu giờ sáng nay, 9.1, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, để làm rõ tính pháp lý hợp đồng EPC số 33, việc chi tiêu trái mục đích khoản tiền tạm ứng từ dự án Nhiệt điện Thái Bình 2.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Thanh cho biết, vào thời điểm 2011, tình hình tài chính PCV rất ‘‘bê bết’’, tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ. Vốn điều lệ PVC khoảng 2.000 tỉ đồng nhưng đầu tư ra bên ngoài đã khoảng 3.000 tỉ đồng. Nguyên nhân, theo Trịnh Xuân Thanh, là thời điểm này, PVN đã “chuyển một số đơn vị từ tập đoàn về công ty của bị cáo”, kéo theo các khoản nghĩa vụ từ các đơn vị này.
tin liên quan
Nhiều bị cáo khai chịu sức ép từ ông Đinh La ThăngKhi Hội đồng xét xử hỏi suy nghĩ của bị cáo về việc PVN chuyển các đơn vị về PVC liệu có phải là gánh nặng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh vẫn một mực ‘‘tri ân’’ lãnh đạo PVN, đặc biệt là bị cáo Đinh La Thăng, và cho rằng việc chuyển các đơn vị như nêu trên nhằm xây dựng PVC trở thành 1 trong 5 đơn vị mũi nhọn của ngành dầu khí.
Về hợp đồng EPC số 33, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho biết mình là người phê duyệt trên cơ sở Ban tổng giám đốc PVC trình; bị cáo biết hợp đồng còn thiếu nhiều thủ tục, quy trình nhưng vẫn ký bởi PVN yêu cầu để cho kịp khởi công, thủ tục nào thiếu sẽ bổ sung sau.
Đáng chú ý, bị cáo Thanh thừa nhận đã không đọc hồ sơ nhưng vẫn ký duyệt, đồng thời cũng thừa nhận dùng tiền tạm ứng từ dự án nhiệt điện để góp vốn vào 5 công ty con và đơn vị thành viên là sai.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC, cho biết thời điểm đó đã liên tục cảnh báo Hội đồng quản trị và Ban tổng giám đốc PVC về việc sử dụng vốn sai mục đích, tuy nhiên “các anh ấy không có ý kiến gì”.
Bình luận (0)