Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi, quê Tiền Giang), nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương VN (VietinBank) chi nhánh TP.HCM và bị cáo Võ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Văn phòng VietinBank chi nhánh TP.HCM, đến 18 giờ 50 ngày 9.2, HĐXX đã tuyên án.
tin liên quan
Xét xử vụ án Huyền Như giai đoạn 2: 5 công ty yêu cầu VietinBank bồi thườngTheo đó, bị cáo Như lãnh nhận mức án tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt từ 2 bản án là chung thân. Bị cáo Tuấn nhận mức án 7 năm tù, tổng hợp hình phạt từ 2 bản án là 27 năm tù cùng về tội danh.
HĐXX nhận định các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra đã thực hiện đúng thủ tục tố tụng, đã điều tra, đánh giá vụ án một cách đầy đủ, khách quan. Theo đó, bị cáo Như do kinh doanh bất động sản thua lỗ phải trả lãi suất tiền vay cao, dẫn đến không có khả năng chi trả. Để trả nợ các khoản vay với số tiền rất lớn, ngay từ đâu Như đã chuẩn bị các thủ đoạn gian dối nhắm chiếm đoạt tài sản của các công ty. Bằng cách huy động tiền gửi với lãi suất cao, vượt trần, thông qua giới thiệu môi giới, bị cáo Như đã dẫn dụ 5 công ty gửi tiền vào ngân hàng với tổng số tiền 1.085 tỉ đồng. Ngoài ra, bị cáo Như còn trả tiền môi giới cho nhiều người với số tiền nhiều tỉ đồng.
Sau khi các công ty tin tưởng chuyển tiền vào ngân hàng, bị cáo Như vẫn quản lý tài khoản và chi trả lãi suất cho các công ty, tạo niềm tin cho các công ty.
Như vậy, ngay từ đầu, bị cáo Như đã có thủ đoạn gian dối, giả mạo chữ ký, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Khi trình lãnh đạo ký các chứng từ, bị cáo Như đã giả mạo, chỉnh sửa các tài liệu để trình ký. Từ đó, tạo niềm tin cho các công ty ký hợp đồng chuyển tiền vào ngân hàng, tạo điều kiện cho Như dễ dàng chiếm đoạt tài sản.
“Sau khi chiếm đoạt xong, cũng là lúc bị cáo đã hoàn thành tội phạm lừa đảo. Rõ ràng, thủ đoạn mở tài khoản của Như nhằm chiếm đoạt tài sản đã có ý thức ngay từ đầu. Vì vậy việc truy tố bị cáo của viện kiểm sát là đúng người đúng tội.
Đối với bị cáo Tuấn, mặc dù biết Như không phải là nhân viên VietnBank chi nhánh Nhà Bè nhưng Tuấn vẫn giúp Như, tạo điều kiện cho Như thực hiện hàng loạt hành vi gian dối, chiếm đoạt trọt lọt số tiền hơn 200 tỉ đồng của Công ty Hưng Yên. Tuấn mặc nhiên đã giúp sức cho như với hành vi là không hành động.
Bị cáo Tuấn đã để Như mặc nhiên xưng tên, xưng đơn vị là là chi nhánh Nhà Bè của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tuấn có vai trò đồng phạm giúp sức.
tin liên quan
Vụ án Huyền Như giai đoạn 2: Tranh cãi vai trò của VietinBankHĐXX cũng nhận định các bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, trong quá trình điều tra xét xử đã thành khẩn khai báo, nên cần thiết xem xét giảm nhẹ. Riêng bị cáo Như dù có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng số tiền chiếm doạt rất lớn nên cân nhắc xem xét định hình phạt.
Việc truy tố các bị cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản của các công ty mà bản án sơ thẩm đã xét xử trước đây nhưng chưa xem xét, HĐXX nhận định việc truy tố, xét xử lại đối với việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 5 công ty này là phù hợp với quy định pháp luật do tòa án cấp sơ thẩm xử lần đầu chưa xem xét. Việc lập luận của các luật sư cho rằng 1 hành vi xét xử 2 lần là không có căn cứ.
Xét thấy các đơn vị nêu trên có sự thỏa thuận trái pháp luật với bị cáo Như, do có thỏa thuận ngầm về lãi suất vượt trần, lãi suất này do bị cáo Như chi trả. Các công ty đã thực hiện các hợp đồng đầu tư giả tạo mà bỏ mặc cho Như thực hiện hành vi chiếm đoạt. Nên các công ty cũng có lỗi trong việc này. “Rõ ràng các nguyên đơn đã thực hiện các giao dịch trái pháp luật, nhằm mục đích hưởng lãi suất vượt trần. Do đó, bị cáo Như phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ tài sản cho 5 công ty với số tiền 1.085 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Tuấn phải liên đới với Như chịu trách nhiệm bồi thường số tiền hơn 200 tỉ đồng của công ty Hưng Yên”, HĐXX nhận định.
Từ những nhận định trên, HĐXX quyết định bị cáo Như phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lãnh nhận mức án chung thân. Tổng hợp hình phạt của 2 bản án là chung thân.
Bị cáo Tuấn nhận 7 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng hợp hình phạt 2 bản án là 27 năm tù.
Ngoài ra, buộc bị cáo Như và Tuấn liên đới bồi thường cho Công ty Hưng Yên hơn 200 tỉ. Bị cáo Như phải chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền của 4 công ty còn lại. Tổng cộng bị cáo Như và Tuấn phải bồi thường cho 5 công ty với số tiền 1.085 tỉ đồng.
Bị cáo Như hối hận về hành vi của mình
Trước khi nghị án, bị cáo Huyền Như được nói lời sau cùng. Bi cáo Như cảm thấy rất hối hận đối với các hành vi mà mình đã gây ra. Bị cáo đã gây ra thiệt hại cho ngân hàng và các công ty. Vì bị cáo mà nhân viên, đồng nghiệp của bị cáo cũng bị tù tội. Bị cáo Như xin xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuấn vì Tuấn chỉ là người làm theo lời bị cáo, không biết hành vi của bị cáo và không được hưởng lợi gì.
|
Bình luận (0)