Bị cáo Nguyễn Văn Hiến: 'Kể công lao trước tòa như thế này thì không tiện lắm'

10/12/2020 16:04 GMT+7

Nêu lý do kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Nguyễn Văn Hiến , cựu đô đốc Hải quân, cho rằng tòa sơ thẩm đánh giá chưa hết những công lao, thành tích của bị cáo.

Ngày 10.12, Tòa án quân sự T.Ư đã mở phiên xét xử phúc thẩm xem xét kháng cáo với 7 bị cáo và một số tổ chức, cá nhân trong vụ án trao đất quốc phòng cho tư nhân xảy ra tại TP.HCM.
Trong vụ án này, có 5 bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu đô đốc Quân chủng hải quân (QCHQ), xin tòa phúc thẩm cho áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, hoặc hưởng án treo.
Trả lời HĐXX về lý do xin giảm nhẹ hình phạt, bị cáo Hiến cho rằng, phiên tòa sơ thẩm đánh giá chưa toàn diện về bối cảnh, nguyên nhân xảy ra vụ án. Mặt khác, tòa sơ thẩm chưa đánh giá hết các yếu tố giảm nhẹ của bị cáo.
Về bối cảnh, bị cáo Hiến cho rằng, thời điểm xảy ra vụ án, Đảng ủy QCHQ có chủ trương đưa đất quốc phòng đi làm kinh tế. Chủ trương này được Đảng ủy quân chủng giao nhiệm vụ bằng nghị quyết và bản thân bị cáo là Phó bí thư đảng ủy nên buộc phải chấp hành.
“Về hành chính, tôi là người chỉ huy cao nhất, nhưng về lãnh đạo là cả tập thể, mà cá nhân tôi chỉ là Ủy viên Thường vụ Đảng ủy”, ông Hiến phân bua.
Trước đề nghị của chủ tọa về việc nêu rõ các tình tiết giảm nhẹ chưa được tòa sơ thẩm xem xét, bị cáo Nguyễn Văn Hiến nói:  “Công lao, huân huy chương của tôi thì rất nhiều, nhưng nói ra trước tòa như thế này thì không tiện lắm”.
Được sự động viên của chủ tọa, bị cáo Hiến cho biết quá trình công tác đã được nhận 23 huân, huy chương các loại, trong đó cao nhất là Huân chương Độc lập hạng Hai, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những thành tích này đã được cấp sơ thẩm xem xét.
Tại phiên xét xử, chủ tọa cũng đã công bố xác nhận của QCHQ về một số thành tích trong công tác của ông Nguyễn Văn Hiến. Trong đó có nhiều năm trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường. Từ năm 1972-1973 tham gia chiến trường Quảng Trị trong kháng chiến chống Mỹ, sau đó tham gia giúp đỡ hải quân Hoàng gia Campuchia xây dựng lực lượng và từng 2 lần được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Angkor.
Trước đó, hồi cuối tháng 5, Toà án quân sự QCHQ tuyên án sơ thẩm đối với 8 bị cáo trong vụ án. Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Hiến bị tuyên phạt 4 năm tù về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo bản án sơ thẩm, QCHQ được giao quản lý các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 có tổng diện tích hơn 7.300 m2 trên đường Tôn Đức Thắng, TP.HCM. Sau khi được Bộ Quốc phòng đồng ý chủ trương chuyển đổi đất quốc phòng làm kinh tế, các bị cáo trong vụ án đã thiếu kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến Công ty Yên Khánh lợi dụng, chiếm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mang thế chấp ngân hàng, gây thất thoát cho Nhà nước số tiền 939 tỉ đồng.
Trong vụ án này, HĐXX cấp sơ thẩm nhận định bị cáo Hiến có vai trò cao nhất trong quản lý đất đai của QCHQ nhưng không làm hết nhiệm vụ; thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ cấp dưới thuộc quyền; thiếu kiểm tra tính hợp pháp nên đã ký văn bản do cấp dưới trình, quyết định việc đưa 3 khu đất trên vào làm kinh tế sai quy định, gây thất thoát số tiền trên đặc biệt lớn.
Về dân sự, tòa sơ thẩm yêu cầu các doanh nghiệp đang thuê trái quy định các khu đất số 2 và 9 - 11 đường Tôn Đức Thắng trả lại cho QCHQ; thu hồi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lô đất số 7-9 Tôn Đức Thắng đã cấp cho tư nhân để trả lại cho QCHQ. Đồng thời, buộc Công ty Hải Thành (liên danh với Công ty Yên Khánh) phải nộp về ngân sách 939 tỉ đồng - là tiền sử dụng đất tại 3 khu đất trong vụ án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.