Bị cáo Trương Mỹ Lan, nhóm Công ty Tuần Châu và SCB tranh cãi 6.000 tỉ đồng

22/11/2024 17:09 GMT+7

Trong khi bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng số tiền 6.000 tỉ đồng là của mình cho nhóm Công ty Tuần Châu mượn, nhưng SCB lại khẳng định đây là tiền của ngân hàng này.

Ngày 22.11, TAND cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) tại giai đoạn 1.

Trước đó, SCB đề nghị tòa xem xét 3 vấn đề lớn liên quan đến nhóm Công ty Tuần Châu, cụ thể, Công ty CP T&H Hạ Long (gọi tắt Công ty T&H Hạ Long) và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (gọi tắt Công ty Âu Lạc).

Thứ nhất, SCB đề nghị tòa xem xét đến việc ngân hàng này sẽ bị thiệt hại số tiền hơn 6.000 tỉ đồng. Đồng thời SCB đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo về việc buộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại 6.000 tỉ đồng cho SCB để khắc phục hậu quả vụ án giai đoạn 1, chứ không phải giai đoạn 2.

Đại án Trương Mỹ Lan: 6.095 tỉ liên quan 'Chúa đảo Tuần Châu' từ SCB hay của Vạn Thịnh Phát

Thứ hai, nhóm Công ty Tuần Châu đã dùng 28 quyền sử dụng đất để thế chấp cho khoản vay của 25 công ty tại SCB. Tổng nghĩa vụ nợ mà 28 quyền sử dụng đất đang thế chấp đảm bảo cho các công ty vay trong vụ án này đến giữa tháng 10.2022 là 29.100 tỉ đồng.

Cũng theo SCB, 28 giấy chứng nhận này được hạch toán thành 23 mã tài sản theo dõi trên hệ thống quản lý dữ liệu của SCB. Bản án sơ thẩm chỉ quyết định giao cho SCB được quyền quản lý, xử lý đối với 8/23 mã tài sản nhằm khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với 15/23 mã tài sản còn lại (tương ứng với 20 quyền sử dụng đất), đang là tài sản bảo đảm cho nghĩa vụ nợ của 19 công ty tại SCB. Tổng nghĩa vụ nợ đến giữa tháng 10.2022 là 20.300 tỉ đồng.

Do đó, phía SCB đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo giao cho quản lý, xử lý đối với 15 mã tài sản bảo đảm (tương ứng với 20 quyền sử dụng đất) của nhóm Công ty Tuần Châu để khắc phục hậu quả của vụ án.

Thứ ba, việc bản án sơ thẩm tách các vấn đề liên quan đến quan hệ tín dụng, thế chấp giữa nhóm Công ty Tuần Châu và SCB thành vụ án dân sự để giải quyết riêng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của SCB. Theo SCB những vấn đề này cần phải được giải quyết chung trong tổng thể vụ án hình sự này, mà không thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, nhóm Công ty Tuần Châu và SCB tranh cãi 6.000 tỉ đồng- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng hơn 6.000 tỉ đồng là do nhóm Công ty Tuần Châu vay mượn của bị cáo, chứ không phải của SCB

ẢNH: NGÂN NGA

Cũng theo luật sư của SCB, tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện hai Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc đều có ý kiến là sẽ nộp đủ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 6.000 tỉ đồng.

Đồng thời 2 công ty này yêu cầu tách 8 mã tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất ra khỏi danh sách 1.121 mã tài sản mà tòa sơ thẩm giao cho SCB quản lý, xử lý. Bởi hai công ty cho rằng không ký hợp đồng thế chấp với SCB, khoản tiền này là do tin tưởng bị cáo Trương Mỹ Lan nên cho SCB mượn để tái cơ cấu nợ.

Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng cho rằng hơn 6.000 tỉ đồng là do hai công ty vay mượn của bị cáo, nên số tiền này phải hoàn trả cho bị cáo chứ không phải giao lại cho SCB.

Về vấn đề này, SCB không đồng ý với yêu cầu của 2 công ty trên. Ngân hàng này cho rằng, 8 mã tài sản này hiện đang thế chấp bảo đảm cho nghĩa vụ của các công ty vay liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB theo danh sách 1.243 khoản vay. Theo bản án sơ thẩm, tổng nghĩa vụ nợ của các công ty vay này tạm tính đến giữa tháng 10.2022 hơn 12.100 tỉ đồng

Không đồng tình với yêu cầu của SCB, luật sư của nhóm Công ty Tuần Châu xin tòa phân tách trách nhiệm bồi hoàn giữa 2 công ty. Bản án sơ thẩm tuyên cả hai công ty nộp hơn 6.000 tỉ đồng để bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan, nhưng không phân định rõ nghĩa vụ từng công ty.

Thực tế, hai công ty là hai pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm độc lập về hành vi của mình. Công ty T&H Hạ Long nhận từ các cá nhân hơn 111 tỉ đồng. Công ty Âu Lạc hơn 4.000 tỉ đồng. Hiện nay, không tách bạch giữa 2 công ty sẽ dẫn đến khó khăn trong thi hành án.

Luật sư của nhóm Công ty Tuần Châu xin tòa cân nhắc tuyên sau khi Công ty T&H Hạ Long nộp lại số tiền bồi hoàn, thì các thành viên trong công ty sẽ nhận lại được hơn 70% cổ phần của mình. Ba tài sản là sân golf và 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của công ty đang bị kê biên, cũng xin tòa xem xét giải tỏa kê biên.

"SCB muốn được hưởng cả 2 lần là khoản vay và tài sản bảo đảm, tôi thấy yêu cầu này không có cơ sở. Đề nghị tòa trả lại cho Công ty Âu Lạc đối với 8 mã tài sản thế chấp, sau khi công ty hoàn thành nghĩa vụ bồi hoàn của mình", luật sư nói.

Theo bản án sơ thẩm hồi tháng 4 của TAND TP.HCM, tòa buộc Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc phải nộp hơn 6.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bị cáo Trương Mỹ Lan.

Đồng thời, để đảm bảo nghĩa vụ của Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long, tòa sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên hơn 18 triệu cổ phần (chiếm hơn 70% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long); 3 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty T&H Hạ Long và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.