Ngày 29.3, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an TP.Thủ Dầu Một tạm giữ 3 người, để điều tra, làm rõ vụ đánh ghen, cắt tóc, lột đồ một cô gái giữa đường.
Trước đó, chiều 27.3, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin và hình ảnh một cô gái trẻ bị đánh ghen, lột đồ, cắt tóc ngay trên đường (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương).
Anh K. (32 tuổi) và chị T. (18 tuổi) đang cùng đi xe ô tô trên đường thì bị 1 xe ô tô Mercedes và khoảng 3 xe máy chặn đầu. Vợ của anh K. với chị dâu và mẹ ruột cùng một số người khác yêu cầu anh K. và chị T. ra khỏi xe ô tô. Chị T. bị những người này cắt tóc, lột hết quần áo và bị đánh ngay giữa đường.
Pháp luật quy định sao về trường hợp này?
Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Trần Thị Sương (Công ty luật TNHH MTV Hoàng Thu, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, việc cắt tóc, lột quần áo người khác ở nơi công cộng, ngoài đường là hành vi xâm phạm đến sức khỏe và danh dự, nhân phẩm của người khác và gây mất trật tự công cộng.
Theo luật sư Sương, tùy theo mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính hay xử lý hình sự người vi phạm.
Về xử phạt hành chính:
Tại điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP có nêu, hành vi đánh đập, cắt tóc, lột đồ người khác thì có thể bị xử phạt hành chính như sau:
Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, đối với hành vi làm nhục người khác.
Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng, đối với hành vi gây rối, làm mất trật tự công cộng.
Phạt tiền từ 5 – 8 triệu đồng, đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về trách nhiệm hình sự:
Hành vi sử dụng vũ lực, cắt tóc, lột quần áo của cô gái tại nơi công cộng của nhóm người nói trên xâm phạm đến sức khỏe, nhân phẩm của cô gái, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Do đó, người vi phạm có thể bị xem xét xử lý hình sự về các tội như: tội làm nhục người khác; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội gây rối trật tự công cộng.
Riêng đối với tội gây rối trật tự công cộng, công an vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự mà không cần có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Về trách nhiệm dân sự:
Cũng theo luật sư, ngoài việc xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự như nêu trên, bị hại còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần theo điều 590, điều 592 bộ luật Dân sự do hành vi của nhóm người này gây ra.
Bình luận (0)