Bị cây đinh cố định xương 'chạy' đâm xuyên thực quản, khí quản

13/09/2018 14:10 GMT+7

Sau ca phẫu thuật gãy xương đòn, lẽ ra phải tái khám rút những cây đinh cố định xương ra thì bệnh nhân đã quên tận 2 năm. Hậu quả, người này bị đinh di chuyển đâm thấu thực quản, khí quản .

Trưa 13.9, bác sĩ Nguyễn Minh Nghiêm, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa cấp cứu một ca rất hy hữu.
Bệnh nhân là ông N.V.P (41 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng nuốt đau, ho khạc ra máu.
Qua thăm khám và làm các cận lâm sàng như X-quang ngực, CT scan, nội soi thực quản, các bác sĩ giật mình phát hiện dị vật vùng cổ của bệnh nhân là hai cây đinh Kirschner, dùng để kết hợp cố định xương bị gẫy. Cây đinh đã đâm xuyên thực quản và khí quản của ông P.
Khai thác bệnh sử bệnh nhân, các bác sĩ ghi nhận, khoảng hơn hai năm trước, bệnh nhân bị thương gãy xương đòn phải và nhập viện ở địa phương cấp cứu.
Xương đòn gãy được cố định bằng hai cây đinh Kirschner. Tuy nhiên, thay vì sau sáu tháng xương lành phải tới tái khám và làm phẫu thuật rút đinh ra khỏi cơ thể thì ông P. đã không thực hiện theo lời dặn bác sĩ.
Hai cây đinh cố định xương đòn bị gãy từ hai năm trước được lấy ra khỏi cơ thể ông P. Đình Tuyển
“Sau khi xương lành, đinh bị lỏng và di chuyển dẫn tới đâm xuyên vào các cơ quan khác. Sẽ còn nguy hiểm hơn khi đinh đâm vào các mạch máu lớn hay các cơ quan như tim…”, bác sĩ Nghiêm đánh giá.
Sau khi xác định rõ vị trí của hai cây đinh, ê kíp bác sĩ đã phẫu thuật lấy đinh và khâu lại thực quản, khí quản cho bệnh nhân.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân đã ổn định, ăn uống được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, những bệnh nhân đã được phẫu thuật kết hợp xương bằng các dụng cụ (đinh, vít...) phải đi tái khám đúng theo chỉ định.
Cần tránh những trường hợp không tái khám hoặc tái khám quá trễ (như trường hợp trên). Các dụng cụ như đinh, vít nhỏ sẽ di chuyển đi nhiều nơi, đâm xuyên các cơ quan gây nguy hiểm, nhất là đâm xuyên các mạch máu lớn nguy hiểm tính mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.