Bị chấn thương đầu gối: Khi nào cần đi bác sĩ khám?

21/01/2024 10:07 GMT+7

Chấn thương đầu gối sẽ gây đau, sưng và hạn chế khả năng vận động. Dù đó là bong gân, căng cơ, rách dây chằng hay tổn thương sụn chêm thì đều có thể làm hạn chế đáng kể đến cuộc sống và hoạt động hằng ngày. Điều trị kịp thời sẽ giúp mau hồi phục, và ngăn ngừa rủi ro tổn thương nặng hơn.

Người bị chấn thương đầu gối cần đến điều trị y tế nếu xuất hiện các dấu hiệu sau:

Đau và sưng dữ dội

Đau và sưng ở đầu gối là dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy chấn thương cần được chăm sóc y tế. Tình trạng sưng đau này có khả năng là kết quả của một loạt các nguyên nhân, từ chấn thương đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Bị chấn thương đầu gối: Khi nào cần đi bác sĩ khám?- Ảnh 1.

Sưng và đau nghiêm trọng là dấu hiệu rõ ràng cảnh báo cần phải đến khám bác sĩ

SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, nếu cơn đau dữ dội và kèm theo sưng nghiêm trọng thì đó là dấu hiệu cảnh báo đầu gối đang bị chấn thương nặng. Trong một số trường hợp, sưng là do chảy máu trong khớp. Điều trị kịp thời giúp đầu gối mau bình phục và ngăn ngừa tổn thương thêm.

Không đứng được

Khi bị chấn thương nặng, đầu gối sẽ không thể chống đỡ được trọng lượng cơ thể và đâu là dấu hiệu cần phải sớm đến khám bác sĩ. Triệu chứng này bắt nguồn từ nhiều chấn thương khác nhau như rách dây chằng, gãy xương hay rách gân. Tùy vào tình trạng từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ dùng thuốc, vật lý trị liệu, phẫu thuật hay một số can thiệp khác.

Giảm phạm vi chuyển động khớp gối

Phạm vi chuyển động hạn chế là một dấu hiệu khác cho thấy chấn thương đầu gối cần điều trị. Bất kỳ vấn đề trong khớp, chẳng hạn như các mô bị sưng, cơ co cứng, đau, hoặc viêm nhiễm đều khiến khớp khó co duỗi và giảm phạm vi chuyển động. Nếu một người khó thẳng hoàn toàn hay uốn cong đầu gối thì rất có thể đây là chấn thương nghiêm trọng và cần điều trị.

Khi kiểm tra, bác sĩ thường sẽ đánh giá mức độ tổn thương bằng cách chụp X-quang hoặc MRI. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp với nhiều lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, người bệnh hoàn toàn có thể tự áp dụng một số phương pháp điều trị tại nhà để giảm đau, giảm sưng và mau hồi phục.

Băng và thường xuyên kê cao khớp gối sẽ giúp giảm sưng, cải thiện lưu thông máu và giảm áp lực lên vị trí chấn thương. Ngoài ra, chúng ta cần nghỉ ngơi và hạn chế tối đa dùng khớp gối. Vì chỉ có như vậy mới giảm nguy cơ tổn thương thêm và cho khớp gối thời gian hồi phục, theo Verywell Health.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.