Bị chuột rút bàn chân khi tập yoga, cần phải xử lý thế nào?

05/01/2023 10:13 GMT+7

Tập yoga không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm căng thẳng. Nhưng trong buổi tập, một số tư thế có thể khiến người tập đột nhiên bị chuột rút bàn chân. Vài cách đơn giản sau có thể giúp giảm nhanh cơn chuột rút.

Chuột rút xảy ra khi cơ bắp co lại đột ngột và không có dấu hiệu báo trước. Nguyên nhân là do cơ bắp hoạt động quá mức, bị kéo căng hoặc giữ một tư thế trong thời gian dài, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Dùng tay xoa bóp bàn chân có thể giúp giảm chuột rút

SHUTTERSTOCK

Một người cũng có thể bị chuột rút do mất nước. Trong quá trình tập yoga, chuột rút hoàn toàn có thể xảy ra. Đặc trưng của tình trạng này là cơn đau nhói đột ngột xuất hiện ở cơ bị chuột rút.

Nếu bạn bị chuột rút bàn chân khi đang trong tư thế quỳ hoặc ngồi thì hãy rời tư thế đó và uốn cong bàn chân. Nếu cơn chuột rút không thuyên giảm thì hãy dùng tay xoa bóp bàn chân.

Trong trường hợp chuột rút bàn chân xảy ra khi đang trong tư thế đứng thì hãy đặt bàn chân lên sàn nhà, dang rộng các ngón chân, nhấc gót chân lên và ấn các ngón chân vào sàn nhà cho đến khi cơn chuột rút biến mất.

Một số cách đơn giản có thể ngăn chuột rút bàn chân cũng như bất kỳ nhóm cơ nào khi tập yoga. Trước khi vào lớp yoga, người tập cần uống đủ nước, đặc biệt là khi thời tiết nóng hoặc khô.

Rượu bia là thức uống lợi tiểu, sẽ khiến cơ thể dễ mất nước, tăng nguy cơ chuột rút. Vì vậy, cần tránh uống rượu bia khi đến gần giờ tập.

Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu các loại khoáng chất như canxi, magiê và kali sẽ giúp ngăn ngừa chuột rút bàn chân. Nếu đã đảm bảo hết các yếu tố này mà cơn chuột rút vẫn thỉnh thoảng xảy ra thì cần kiểm tra các loại thuốc đang uống. Một số loại thuốc có tác dụng phụ là gây chuột rút cơ.

Vòm bàn chân yếu cũng dễ gây chuột rút hơn. Để tăng sức mạnh vòm bàn chân, bạn có thể tập luyện bằng cách tập nhón chân.

Nếu chuột rút xảy ra thường xuyên thì hãy đến bác sĩ kiểm tra xem liệu cơ thể có đang thiếu kali, canxi hay magiê hay không. Xét nghiệm máu và nước tiểu sẽ giúp xác định nhanh tình trạng hạ kali máu, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.