Theo đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội, CSGT và 1 người dân quay clip đang có lời qua tiếng lại, sau đó CSGT đã hất rơi điện thoại của người dân. Vừa quay clip, người này vừa nói: "Anh đang giữ bằng lái của em đó". CSGT đáp: "Ừ đúng rồi, biên bản đây nè".
Tuy nhiên, người quay nói tiếp: "Anh không cho người vi phạm ý kiến nha".
Anh C. (33 tuổi) cho biết anh là người quay clip và sự việc xảy ra vào sáng 27.2 gần giao lộ Quốc lộ 22 – Nguyễn Thị Sóc (H.Hóc Môn, TP.HCM). CSGT trong đoạn clip là tổ công tác của Đội CSGT An Sương, thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM).
Lãnh đạo Đội CSGT An Sương cho hay, đã nắm thông tin vụ việc, Ban chỉ huy đội đã liên lạc mời anh C. đến làm việc vào ngày 28.2; đồng thời yêu cầu CSGT trong clip báo cáo sự việc và xử lý theo quy định.
Xôn xao clip CSGT TP.HCM hất rơi điện thoại của người dân
Vị này thông tin thêm, trong tổ công tác chỉ có tổ trưởng được cấp đeo camera trước ngực áo, người thổi phạt anh C. là tổ viên. Anh C. bị lập biên bản lỗi điều khiển xe mô tô vào đường có biển cấm xe mô tô.
Từ vụ việc này, nhiều người thắc mắc: khi bị CSGT thổi phạt trực tiếp có quyền yêu cầu CSGT chứng minh lỗi vi phạm bằng hình ảnh hay không?
Trả lời PV, lãnh đạo 1 đội CSGT trên địa bàn TP.HCM nói: "Khi CSGT phát hiện vi phạm trực tiếp thì không cần chứng minh hình ảnh. Nhưng về góc độ củng cố chứng cứ, có hình ảnh từ camera sẽ thuyết phục hơn, tránh trường hợp khi thổi người dân chấp hành, nhưng sau đó lại không đồng tình với lỗi vi phạm", vị CSGT nhìn nhận.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát cho biết, theo quy định tại mục 2 về "tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm" tại Thông tư 65/2020 của Bộ công an, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm khi CSGT trực tiếp phát hiện vi phạm hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.
Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo Điều 19 thì kiểm soát thông qua hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo... lúc này lực lượng chức năng sẽ cung cấp các kết quả này cho người vi phạm xem.
Chỉ những kết quả vi phạm nào thu thập qua hệ thống giám sát, máy đo ghi tốc độ theo Khoản 3 Điều 19 mà nếu thời điểm lập biên bản mà chưa thể cung cấp hình ảnh ngay thì có thể hướng dẫn người dân khi lên giải quyết vụ việc tại trụ sở cơ quan sẽ được cung cấp.
"Như vậy, nếu CSGT dừng xe theo Điều 16 khi có kế hoạch tuần tra thường xuyên, mà những lỗi vi phạm được do chính lực lượng thực thi nhiệm vụ phát hiện, thì CSGT vẫn được dừng xe để xử lý mà không cần cung cấp hình ảnh vi phạm. Còn những trường hợp khác thì phải cho người dân xem hoặc hướng dẫn người dân lên trụ sở cơ quan xem khi giải quyết vụ việc", luật sư Lê Trung Phát phân tích.
Tuy nhiên, LS Phát cho rằng, để người vi phạm "tâm phục khẩu phục" và hạn chế tiêu cực, mỗi CSGT ra đường nên có camera đeo trên mũ hoặc trên ngực áo. Đó sẽ là giải pháp tối ưu nhất, nhưng cần có kinh phí mua sắm trang thiết bị.
Bình luận (0)