Bị đuổi học vì thiếu điểm rèn luyện

16/05/2018 09:54 GMT+7

Điểm rèn luyện yếu, kém có thể khiến sinh viên bị cảnh báo học vụ, thậm chí buộc thôi học. Dù vậy sau mỗi học kỳ, có hàng ngàn sinh viên (SV) bị xếp loại rèn luyện yếu kém ở các trường ĐH.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM vừa công bố dự thảo kết quả rèn luyện SV hệ chính quy học kỳ 1 năm học 2017 - 2018.
Trong số hơn 13.400 SV có tên trong danh sách, hiện có trên 900 SV dự kiến có kết quả rèn luyện 0 điểm. Đáng chú ý trong số này hiện có gần 700 SV đang theo học tại trường (số còn lại đã bảo lưu, thôi học hoặc bị đình chỉ học tập). Đồng thời bị điểm 0, các SV này dự kiến có kết quả rèn luyện bị xếp loại kém. Ở học kỳ trước đó, trường này cũng có trên 1.700 SV bị điểm 0 kết quả rèn luyện.
Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM vừa thông báo danh sách tổng hợp dự kiến kết quả rèn luyện SV học kỳ 1 năm học 2017 - 2018. Theo đó, có trên 300 SV dự kiến có điểm rèn luyện yếu và kém.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng thông báo hạ điểm rèn luyện của các SV vi phạm quy chế thi.

Theo quy định, điểm rèn luyện SV được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: ý thức tham gia học tập; sự chấp hành quy chế, nội quy, quy định nhà trường; ý thức tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; ý thức công dân trong quan hệ cộng đồng; tham gia các hoạt động đoàn thể trong trường.
Tuy nhiên, lý do khiến SV bị điểm thấp ở phần đánh giá này nhiều khi rất đơn giản. Theo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, SV bị xếp loại yếu do ít tham gia hoạt động hoặc không đi họp lớp.
Đại diện phòng công tác chính trị và quản lý SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết phần lớn SV bị điểm 0 rèn luyện rơi vào trường hợp tự ý nghỉ học nhưng chưa hoàn tất thủ tục chính thức. Với những SV còn đang theo học, nguyên nhân chủ yếu là do bản thân họ không quan tâm đến việc đánh giá rèn luyện theo đúng quy định.
Nguyễn Mạnh Đức, SV Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng để đánh giá đạt kết quả rèn luyện, SV không cần phải cố gắng quá nhiều, chủ yếu là lên lớp và tham gia buổi họp đầy đủ. Vì vậy, nếu để rơi vào trường hợp yếu kém, phần lớn là do SV không chủ động quan tâm tới hoạt động này. Trong khi đó, Thiều Minh Khôi, SV Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, nói: “Em không tham gia nhiều hoạt động trong trường lớp nên điểm rèn luyện của em chỉ ở mức vừa đủ. Ngoài thời gian lên lớp và đi làm thêm, em tham gia nhiều hoạt động bên ngoài xã hội bởi điều em mong muốn là lĩnh hội được các kỹ năng sống từ thực tế bên ngoài”.
Kết quả rèn luyện toàn khóa được lưu trong hồ sơ SV tại trường, làm căn cứ để xét thi tốt nghiệp, làm luận văn hay khóa luận tốt nghiệp. Kết quả này còn được ghi chung vào bảng điểm học tập của từng SV đến khi tốt nghiệp ra trường. Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác SV Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng điểm rèn luyện có vai trò rất quan trọng trong đánh giá SV bên cạnh điểm học tập, tương đương với cách đánh giá hạnh kiểm bậc phổ thông. Ngoài đạo đức, điểm này còn thể hiện quá trình rèn luyện, phấn đấu của SV trong quá trình học tập và tham gia sinh hoạt cộng đồng.
“Không chỉ để xét học bổng từng học kỳ, điểm rèn luyện còn là yếu tố quan trọng mà nhà tuyển dụng nhìn nhận khi phỏng vấn xin việc”, thạc sĩ Cường nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.