Bị gãy răng, bác sĩ phát hiện cậu bé 5 tuổi bị ung thư hiếm gặp

06/11/2021 10:13 GMT+7

Cậu bé 5 tuổi ở bang Michigan (Mỹ) bị chảy máu liên tục khi bị gãy chiếc răng đầu tiên. Nhưng cũng chính việc tưởng như không liên quan này mà bác sĩ phát hiện cậu bé mắc một loại ung thư hiếm gặp.

Cậu bé Ryder Washington, 5 tuổi, sống với bố mẹ ở thành phố Farmington Hills, bang Michigan (Mỹ). Mọi chuyện bắt đầu khi cậu bé bị gãy chiếc răng đầu tiên, theo Newsweek.

Bé Ryder Washington, 5 tuổi, ở Mỹ, phát hiện mắc bệnh ung thư hiếm gặp sau khi bị gãy răng

shutterstock

Ở những đứa trẻ khác, nướu sẽ ngừng chảy máu sau khi răng gãy. Nhưng với bé Ryder, máu lại chảy liên tục và không cầm được. Bố mẹ cậu bé nghi là có chuyện gì đó không ổn nên đã lập tức đưa con trai đến bệnh viện để kiểm tra.

Những chẩn đoán ban đầu khiến ông bà Washington rất lo lắng. “Chúng tôi bắt đầu nghe những thuật ngữ như ung thư, huyết học và rất lo lắng”, cô Kimberli Washington, mẹ của bé Ryder, kể lại.

Kết quả chẩn đoán cuối cùng xác định bé Ryder bị hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS). Đây là căn bệnh nằm trong nhóm rối loạn suy tủy xương và là một dạng ung thư máu.

Tủy xương nằm bên trong xương có chức năng tạo ra tế bào máu. Với những người mắc hội chứng rối loạn sinh tủy, các tế bào gốc trong tủy xương biến đổi thành tế bào ung thư. Tế bào ung thư sẽ phát triển nhanh một cách không kiểm soát, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.

Hệ quả là nồng độ tế bào máu của người bệnh sẽ thấp. Bệnh có thể phát hiện bằng xét nghiệm máu, thậm chí ngay trước cả khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, hội chứng rối loạn sinh tủy là bệnh hiếm gặp, xác suất mắc là khoảng 1 trên 10.000 người.

Sự thiếu hụt loại tế bào nào trong máu sẽ quyết định triệu chứng của hội chứng rối loạn sinh tủy. Chẳng hạn, tế bào hồng cầu có chức năng mang ô xy từ phổi đi khắp cơ thể và giúp loại bỏ khí CO2. Nếu thiếu tế bào hồng cầu, người bệnh sẽ thường xuyên bị mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược và khó thở.

Bạch cầu có chức năng bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh. Nếu thiếu bạch cầu, người bệnh sẽ thường xuyên bị nhiễm trùng, thậm chí nhiễm trùng nặng.

Trong trường hợp của Ryder, cậu bé bị thiếu tiểu cầu. Tiểu cầu có chức năng hình thành máu đông và ngăn chảy máu. Thiếu tiểu cầu khiến người bệnh bị chảy máu nhiều, khó cầm lại được và dễ bị bầm tím trên da.

Bé Ryder hiện được truyền tiểu cầu. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện hóa trị và ghép tủy xương. Gia đình Ryder đang tìm kiếm người hiến tủy phù hợp cho cậu, theo Newsweek.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.